Cách đây 3 ngày, Khánh Linh (sinh viên năm 4, khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng) tranh thủ chỉnh sửa, bổ sung thêm thông tin vào CV xin việc để chuẩn bị tham gia sự kiện Hội chợ việc làm - Cầu nối nhân lực 2023 do Học viện Ngân hàng tổ chức ngày 13/5.
Với sự tham gia của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp, Khánh Linh đánh giá đây là sự kiện lớn, giúp cô có cơ hội tiếp cận nhà tuyển dụng ngay từ khi chưa ra trường.
"Năm ngoái, mình đã tham gia hội chợ nhưng còn là sinh viên năm 3 nên chưa có sự chuẩn bị. Năm nay, mình chủ động từ sớm, ngay khi biết nhà trường tổ chức hội chợ việc làm, mình đã chỉnh sửa CV, sẵn sàng tìm kiếm cơ hội ngay tại sự kiện", Khánh Linh chia sẻ với Zing.
Khánh Linh nhận thấy tham gia hội chợ việc làm giúp cô có cơ hội tiếp cận nhà tuyển dụng ngay từ khi chưa ra trường. Ảnh: Ngọc Bích. |
Tiếp cận với cơ hội việc làm
Từng có kinh nghiệm khi làm thực tập sinh, Khánh Linh dự định ứng tuyển vào vị trí chuyên viên khách hàng cá nhân tại một số ngân hàng. Giống như nhiều sinh viên khác, nữ sinh cũng có kỳ vọng được làm việc tại các ngân hàng thuộc nhóm "Big 4".
9h, có mặt tại sự kiện, Khánh Linh mang theo 10 bản CV được trau chuốt cẩn thận, sẵn sàng gửi đến các đơn vị nói trên.
Cô cho rằng dù các doanh nghiệp có chuẩn bị sẵn giấy dự tuyển, việc sinh viên mang theo CV như vậy sẽ thể hiện sự chủ động, sẵn sàng. Khánh Linh cũng đánh giá nếu chưa được phỏng vấn ngay, cô cũng gây được ấn tượng với doanh nghiệp, thông tin cá nhân cũng được doanh nghiệp tiếp cận và lưu lại cho các đợt tuyển dụng tới.
Không những thế, tại hội chợ, khi đưa CV đến nhà tuyển dụng, Linh cũng có cơ hội được chính bộ phận nhân sự của các doanh nghiệp tư vấn, hỗ trợ chỉnh sửa CV.
"Khá đông sinh viên tham gia sự kiện, vì vậy, mình không kỳ vọng quá nhiều việc được phỏng vấn ngay hoặc phỏng vấn kỹ lưỡng. Thay vào đó, mục tiêu của mình là CV tiếp cận được với doanh nghiệp", Khánh Linh chia sẻ.
Không chỉ Khánh Linh, nhiều sinh viên khác cũng chủ động đem CV đến hội chợ việc làm. Bà Đoàn Thị Minh Phương, chuyên viên khối Quản trị nguồn nhân lực tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong, cho biết trong buổi sáng 13/5, gian hàng của TPBank đã tiếp nhận nhiều CV của sinh viên.
"Điều này cho thấy các bạn có sự chủ động tìm hiểu, quan tâm đến các vị trí tuyển dụng của doanh nghiệp trước khi tham gia sự kiện. Tôi đánh giá rất cao những sinh viên này. Bên cạnh đó, khi có mục tiêu cụ thể, sinh viên cũng sẽ nhận được tư vấn kỹ lưỡng hơn từ nhà tuyển dụng, giúp các em nhận ra những kiến thức, kỹ năng còn thiếu để bổ sung", bà Phương đánh giá.
Cũng tham gia sự kiện, Bùi Quân (sinh viên năm 4, Học viện Ngân hàng) có cơ hội phỏng vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng. Tháng 6 tới, nam sinh sẽ tốt nghiệp, nếu phỏng vấn thành công, Quân sẽ có việc làm ngay sau khi học xong.
Dù học khoa Luật Kinh tế, Quân lại ứng tuyển vào vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân tại một ngân hàng. Nam sinh cho biết ở vị trí đó, bản thân cậu đã có kinh nghiệm làm việc 2 năm. Kết hợp kiến thức được học tại trường, Quân tự tin cơ hội trúng tuyển lên đến 90%.
Bùi Quân tham gia phỏng vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng. Ảnh: Ngọc Bích. |
Chủ động, linh hoạt để không thất nghiệp
Không chỉ sinh viên năm 4, Trần Thị Vui (sinh viên năm 3, khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Ngân hàng) cũng tham gia sự kiện để mở rộng cơ hội cho bản thân.
Nữ sinh cho biết cô đã đi thực tập ngay từ khi còn là sinh viên năm nhất, vị trí công việc liên quan đến công nghệ giáo dục. Tuy nhiên, hiện tại, nữ sinh đang tạm dừng lại để tập trung cho việc học. Bên cạnh đó, cô cũng muốn thử sức ở ngành nghề mới.
Chính vì vậy, việc gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng từ sớm là cơ hội tốt cho những sinh viên như Vui.
"Với các kinh nghiệm, kỹ năng đang có, thông qua tư vấn, mình thấy bản thân có thể thử sức ở các vị trí giao dịch viên, quan hệ khách hàng cá nhân. Chỉ còn một năm nữa là ra trường, mình phải chủ động tìm hiểu sớm để có sự chuẩn bị", Vui chia sẻ.
Tương tự, dù mới là sinh viên năm 3, Phương Linh (sinh viên khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Ngân hàng) cũng tham dự hội chợ để nghe tư vấn trực tiếp về các vị trí việc làm của các doanh nghiệp.
Trước bối cảnh suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng của một số doanh nghiệp có thể bị hạn chế, Phương Linh khá lo ngại cơ hội việc làm sau khi ra trường. Chính vì vậy, việc tìm hiểu sớm phần nào giúp nữ sinh định hướng rõ ràng hơn.
"Việc để lại thông tin cá nhân cho doanh nghiệp cũng có mặt lợi. Khi có các đợt tuyển dụng, doanh nghiệp sẽ sớm liên hệ với mình thông qua đó. Bản thân mình cũng phải chủ động đi thực tập, học kỹ năng cứng/mềm để làm dày CV", Phương Linh chia sẻ.
Trần Vui (bên trái) và Phương Linh tìm kiếm cơ hội việc làm ngay từ năm 3. Ảnh: Ngọc Bích. |
Khác với Phương Linh, Khánh Linh lại không quá lo lắng về cơ hội việc làm trong bối cảnh chung. Nữ sinh cho biết cô đã tính đến các phương án dự phòng. Nếu không có cơ hội ở những ngân hàng lớn, cô sẽ nhắm mục tiêu đến các ngân hàng nhỏ hơn.
Bên cạnh đó, với những kiến thức được học trên trường và kinh nghiệm, kỹ năng chuyển đổi, Khánh Linh sẵn sàng ứng tuyển ở các vị trí công việc khác liên quan để tăng cơ hội.
Tương tự, Bùi Quân cũng cho rằng cơ hội sẽ không thiếu nếu sinh viên đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của các vị trí việc làm. Bên cạnh đó, Quân đánh giá không chỉ các ngân hàng mới có thể cung cấp việc làm cho cậu.
Với kinh nghiệm và kiến thức đang có, Quân tự tin có thể làm việc tại nhiều doanh nghiệp, tổ chức khác.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.