Anh N.A.Đ. (25 tuổi), cựu sinh viên một trường Luật tại Hà Nội, nhớ lại những ngày mới tốt nghiệp đại học, thử sức mình ở vị trí nhân viên kinh doanh của một công ty bất động sản.
Thu nhập mỗi tháng của anh trung bình khoảng 25 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khoảng 3 tháng đi làm, anh N.A.Đ. nhận thấy mình vẫn luôn đam mê với ngành Luật, anh quyết định quay trở lại làm đúng ngành học của mình dù lương khởi điểm chỉ bằng 1/5.
N.A.Đ. từng từ bỏ công việc với mức lương 25 triệu đồng/tháng để trở về làm đúng ngành học, thu nhập chỉ 5 triệu đồng/tháng. Ảnh: NVCC. |
Lương khởi điểm quá thấp?
Ứng tuyển vào vị trí chuyên viên nghiệp vụ công chứng tại một văn phòng công chứng, anh Đ. làm việc đúng đam mê, sở thích của bản thân.
Tuy nhiên, anh Đ. chưa quen với mức lương anh nhận được ở công việc mới - 5 triệu đồng/tháng chưa kể phụ cấp. Với thu nhập này, anh Đ. vẫn phải làm thêm một số công việc bên ngoài để có thể trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Chia sẻ với Zing, anh Đ. cho biết trước đó, anh sốc khi ứng tuyển phỏng vấn ở văn phòng khác, mức lương chỉ từ 4 triệu đồng/tháng.
Khác với anh N.A.Đ., cũng là cử nhân Luật nhưng hiện tại, cầm trên tay bằng tốt nghiệp loại giỏi chưa được một năm, với vị trí phó trưởng phòng dịch vụ pháp luật hình sự của một công ty luật trên địa bàn thành phố Hà Nội, anh N.V.L. (23 tuổi) nhận lương đến 8 con số.
Gần đây, mạng xã hội xôn xao trước chia sẻ của nữ sinh một trường đại học cho rằng mức lương khởi điểm mới ra trường chỉ 7 triệu đồng là không tương xứng.
“Các anh chị ơi, ra trường lương 7 triệu là có thật ạ? Em đang năm nhất, chuẩn bị lên năm 2 đại học. Lực học của em cũng trung bình thôi ạ, nhưng em nghĩ là sau khi ra trường, sinh viên NEU sẽ có mức lương cao hơn các trường khác chứ ạ?", nữ sinh thắc mắc.
Sinh viên này cho biết mọi người đồn sinh viên ra trường chỉ nhận lương 7-8 triệu đồng nên cảm thấy rất buồn. Cô phân vân thu nhập như vậy có xứng với 4-5 năm đại học, tốn kém mấy trăm triệu của bố mẹ không.
Cô cảm thấy bi quan khi nghe anh chị khóa trước kể chuyện đi làm sau tốt nghiệp.
Yếu tố nào chi phối thu nhập của sinh viên mới tốt nghiệp?
Chia sẻ với Zing, thạc sĩ Nguyễn Thị Vân Anh - Trưởng phòng Đào tạo, Viện công nghệ thông tin ITplus - cho biết cô thường xuyên tham gia phỏng vấn tuyển dụng cho đơn vị.
Với cương vị là người tuyển dụng, cô thấy phần lớn sinh viên ra trường thiếu thông tin về thị trường lao động dẫn đến nhận định chưa đúng về mức lương khởi điểm.
Thạc sĩ Vân Anh kể một số sinh viên mới tốt nghiệp sao chép CV trên mạng, chỉnh sửa lại một số điểm rồi gửi cho công ty tuyển dụng. Bản CV rất sơ sài, còn lỗi chính tả. Khi phỏng vấn, nhiều người bộc lộ kỹ năng giao tiếp kém, mất tự tin. Một số tân cử nhân thậm chí không biết làm báo cáo nhưng vẫn yêu cầu mức lương cao.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân Anh - Trưởng phòng Đào tạo, Viện Công nghệ thông tin ITPlus. Ảnh: NVCC. |
“Sinh viên mới tốt nghiệp thường đòi hỏi mức lương 8 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, mặt bằng chung, các doanh nghiệp chi trả 6-7 triệu đồng/tháng cho sinh viên mới ra trường”, cô Vân Anh nói.
Tuy nhiên, cô nói thêm tân cử nhân có cơ hội đàm phán mức lương cao hơn sau thời gian thử việc hoặc sau 6 tháng làm việc. Bên cạnh đó, họ cần tính tổng thu nhập, tức là lương và các phúc lợi cũng như cơ hội khác khi làm việc ở công ty.
Còn với lương khởi điểm, thạc sĩ Vân Anh cho biết con số này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực, kỹ năng và trải nghiệm của ứng viên; khả năng tư duy, tự học hỏi của ứng viên (gần như không phụ thuộc việc ứng viên tốt nghiệp trường nào, ngoại trừ một số ngành đặc thù); thị trường lao động tại thời điểm ứng viên xin việc và ngân sách của công ty dành cho vị trí tuyển dụng.
ThS Vân Anh nói thêm để đạt được mức lương khởi điểm 8-9 triệu đồng/tháng, ứng viên cần có trải nghiệm với công việc tương tự tầm 6 tháng đến một năm hoặc có thể giải quyết công việc linh hoạt, đa nhiệm.
“Quan trọng, ứng viên cần định vị bản thân mình đang ở đâu. Nếu họ tự tin, khẳng định được bản thân, chỉ sau 2 tháng thử việc, cơ hội sẽ đến”, cô chia sẻ.
Thực tế, để có mức lương khởi điểm 8 con số, anh N.N.L. trải qua quá trình tích lũy kinh nghiệm khi còn ngồi trên giảng đường. Từ năm ba, ngoài việc đảm bảo thành tích học tập, anh còn thường xuyên tham gia nghiên cứu khoa học, mở rộng chuyên môn.
Nhờ đó, khi ứng tuyển phỏng vấn, với kiến thức về luật chắc chắn, cộng thêm kỹ năng, kinh nghiệm, anh L. được nhà tuyển dụng săn đón, sẵn sàng trả lương cao.
Còn với trường hợp khởi điểm thấp, ứng viên vẫn có cơ hội nâng cao lương. Anh N.A.Đ. tăng từ mức 5 triệu đồng lên 7 triệu đồng/tháng sau 4 tháng làm việc, học hỏi. Hiện tại, thu nhập của anh còn cao hơn. Anh coi con số tăng lên theo quá trình làm việc là lời khẳng định đối với năng lực, sự tiến bộ của bản thân.