Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh viên Nam Phi sản xuất gạch từ nước tiểu

Nước tiểu của con người được các sinh viên đại học ở Nam Phi nghiên cứu và ứng dụng để chế tạo thành công gạch xây dựng thân thiện với môi trường.

Theo BBC, các sinh viên kỹ thuật tại Đại học Cape Town, tỉnh Western Cape, đã kết hợp nước tiểu với cát và vi khuẩn trong một quy trình cho phép gạch đông lại ở nhiệt độ phòng.

Quá trình này khác hoàn toàn quy trình làm gạch thông thường khi gạch được nung trong lò với nhiệt độ cao (khoảng 1.400 độ C) tạo ra lượng lớn carbon dioxide (CO2) - tác động xấu đến môi trường. 

"Về cơ bản, nó giống cách san hô được tạo ra dưới đại dương", Dyllon Randall, giáo sư tại Đại học Cape Town (UCT), chia sẻ với BBC.

san xuat gach tu nuoc tieu anh 1
Sinh viên Đại học Cape Town, Nam Phi, tìm ra cách chế tạo gạch thân thiện với môi trường từ nước tiểu. Ảnh: UCT

Các sinh viên thu thập nước tiểu từ các nhà vệ sinh. Để sản xuất một viên gạch sinh học, họ cần khoảng 25-30 lít nước tiểu. Con số này nghe có vẻ nhiều nhưng ngoài việc sản xuất gạch, số nước tiểu ấy còn tạo ra khoảng 1 kg phân bón.

Sau khi tách các chất rắn để tạo thành phân bón, chất lỏng còn lại được sử dụng để làm "gạch sinh học". Quá trình này được gọi là kết tủa carbon sinh vật. Vi khuẩn sản sinh ra enzyme giúp phân hủy urê trong nước tiểu, tạo thành canxi carbonate (CaCO3). Chất này sau đó sẽ gắn kết với cát tạo thành đá cứng hay gạch xám.

Quá trình sản xuất gạch sinh học mất khoảng từ 4 đến 6 ngày. Độ cứng và hình dạng của gạch sinh học có thể thay đổi tùy theo yêu cầu.

"Lần đầu tiên bắt tay vào công việc, chúng tôi làm ra loại gạch có cường độ nén tương tự gạch đá vôi 40%. Chỉ vài tháng sau, chúng tôi tăng được gấp đôi cường độ nén của gạch bằng cách thay đổi vật liệu và để vi khuẩn làm đông cứng các hạt lâu hơn mà không cần nhiệt độ cao (nhiệt độ phòng là đủ)", tiến sĩ Randall chia sẻ.

san xuat gach tu nuoc tieu anh 2
Gạch sinh học mới ra lò sẽ có mùi khai. Tuy nhiên, sau 48 giờ, mùi khai hoàn toàn biến mất và không gây nguy hại cho sức khỏe. Ảnh: UCT

Tuy nhiên, vị tiến sĩ làm việc tại Đại học Cape Town thừa nhận sản phẩm khi ra lò sẽ có mùi khai.

"Bạn hãy thử tưởng tượng khi chó hoặc mèo tè bậy vào góc nhà, mùi khai sẽ xuất hiện. Đó là lúc khí amoniac được giải phóng. Quá trình này cũng vậy. Nó giải phóng amoniac như một sản phẩm phụ", ông Randall nói.

Tuy nhiên, sau 48 giờ, mùi khai trên gạch hoàn toàn biến mất và không gây nguy hại về sức khỏe. Tiến sĩ Randall cho biết thêm ngay giai đoạn một, ông cùng các học sinh sử dụng phương pháp để loại bỏ toàn bộ tác nhân gây bệnh và vi khuẩn. 

Theo Đại học Cape Town, việc sử dụng nước tiểu làm gạch được thử nghiệm ở Mỹ vài năm trước. Khi ấy, các nhà khoa học sử dụng urê tổng hợp. Quá trình này đòi hỏi nhiều năng lượng để sản xuất và tốn kém. 

Trong khi đó, nghiên cứu của tiến sĩ Randall và các sinh viên Suzanne Lambert, Vukheta Mukhari dùng nước tiểu của người. Nó rẻ hơn và còn giúp cho quá trình tái chế chất thải. 

Đại học duy nhất ở châu Âu có sân bay và đội bay riêng

Cách thủ đô London, Anh, 64 km về phía Bắc, Đại học Cranfield là trường duy nhất tại châu Âu sở hữu và điều hành sân bay cùng đội bay riêng.

Thái Bình

Bạn có thể quan tâm