Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh viên ngành cơ khí nông nghiệp bí đầu ra

Không có đầu ra, không có người học, đó là thực trạng của ngành cơ khí nông nghiệp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Bí đầu ra

Ông Lê Minh Lư, trưởng khoa Cơ điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trước đây, mỗi huyện có một xưởng cơ khí nông nghiệp, mỗi tỉnh có một bộ phận phụ trách mảng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có một tổng cục cơ khí. Nhưng đến giờ, từ cấp huyện cho đến cấp bộ, lĩnh vực này đã bị “xóa sổ”. 

Chính vì vậy, sinh viên ra trường không biết làm việc ở đâu. Đầu ra duy nhất là các công ty nước ngoài đang sản xuất các loại máy móc tại Việt Nam hoặc xuất khẩu lao động. Máy móc được nhập khẩu chủ yếu từ các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Vì trong nước không sản xuất, nên các công trình nghiên cứu khoa học của Học viện liên quan cơ giới hóa nông nghiệp đều không có “đất dụng võ” do không có các “mạnh thường quân” đầu tư. GS.TS. NGƯT Trần Đức Viên, giám đốc Học viện khẳng định, các nhà khoa học chỉ có thể làm công việc nghiên cứu. Còn sản phẩm nghiên cứu của họ có ra được thực tế hay không đó là một quãng đường dài và cần phải có sự đầu tư của nhà nước.

Trưởng khoa Cơ điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam Lê Minh Lư (SN 1961) bên một cỗ máy có tuổi đời ngang bằng với số tuổi của ông. Ảnh: HB.
Trưởng khoa Cơ điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam Lê Minh Lư (SN 1961) bên một cỗ máy có tuổi đời ngang bằng với số tuổi của ông. Ảnh: Tiền Phong.

Khó đầu vào

Thực trạng đầu ra đã ảnh hưởng đến đầu vào của ngành cơ khí nông nghiệp. Hiện cả nước trường đào tạo ngành này là Học viện Nông nghiệp Việt Nam và ĐH Nông lâm TP HCM. Công tác tuyển sinh của cả hai trường đều đang “thoi thóp”. Ông Lư cho biết, thời gian gần đây, điểm tuyển vào ngành chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT và tuyển đến NV2 mới đủ chỉ tiêu.

Trong khi đó, 5 năm trở lại đây số lượng sinh viên vào khoa Cơ điện có tăng dần. Năm 2012 khoa tuyển được 300 sinh viên, năm 2013 tuyển được gần 500 sinh viên, năm 2014 được gần 600 sinh viên. Nhưng riêng ngành cơ khí nông nghiệp, bức tranh vẫn không sáng sủa. 

Năm 2014, NV1 chỉ đạt 10% chỉ tiêu (30/300 chỉ tiêu). Sinh viên vào khoa cơ điện học xong một năm được chọn một trong 4 chuyên ngành. Chuyên ngành cơ khí nông nghiệp hầu như không sinh viên nào chọn mà chỉ “bị chọn” do không đủ điểm vào chuyên ngành khác.

Nỗi niềm sinh viên y trước khoảnh khắc sinh tử

Chứng kiến bệnh nhân co giật, trút hơi thở cuối cùng... là những thời điểm khó quên của các y, bác sĩ tương lai từ khi bắt đầu học nghề ở bệnh viện.

Không có kinh phí để đầu tư thiết bị máy móc là một khó khăn nữa đối với nhóm ngành đào tạo cơ điện nông nghiệp hiện nay. Máy móc  thực hành ở đây toàn “đồ cổ”, ông Lư cho biết rất nhiều máy của Học viện được Liên Xô tài trợ theo diện không hoàn lại từ những năm 1960 của thế kỷ trước. 

Những máy bào, máy phay, máy tiện, máy cắt, máy nện có niên đại sản xuất bằng đúng với tuổi của ông (1961) và đều vận hành theo kiểu thủ công. Trong khi đó, những loại máy này trên thế giới đang dùng công nghệ kỹ thuật số.

Theo ông Lê Minh Lư, những cỗ máy cũ kỹ, phủ bóng thời gian, thậm chí người ta còn không thể đọc niên đại trên máy, nhưng thầy trò vẫn phải sử dụng để sinh viên có cơ hội “va vấp” với máy móc. Những đầu máy kéo được sản xuất từ những năm 1980 được coi là “hiện đại” ở xưởng cơ khí của trường.

Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu của giảng viên, các nhà khoa học của Học viện vẫn đang nằm trong thí nghiệm và chưa biết khi nào ra được thực tế do không có kinh phí đầu tư.

Trước thực trạng trên, ông Lư đề xuất phải có bộ phận quản lý về cơ giới hóa nông nghiệp. Còn nếu cứ “thả” để người dân muốn làm gì thì làm như hiện nay, nền nông nghiệp của Việt Nam sẽ vẫn thế. Ông Lư khẳng định hiện tại, cơ giới hóa nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ nhưng toàn bộ máy móc trên các cánh đồng đều được nhập khẩu, mạnh ai người đó đưa vào, không có tiêu chuẩn, không có chiến lược và người vận hành đều không được đào tạo, không có trình độ chuyên môn.

http://www.tienphong.vn/giao-duc/sinh-vien-nganh-co-khi-nong-nghiep-bi-dau-ra-874701.tpo

Theo Hoa Ban/Báo Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm