Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh viên ngành Toán thất nghiệp vì thụ động

Các chuyên gia và nhà tuyển dụng nhận định sinh viên ngành Toán có nhiều cơ hội việc làm nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao do chưa chủ động nắm bắt kiến thức và cơ hội.

Toán học là ngành mang tính ứng dụng cao, sinh viên ngành này có khá nhiều lựa chọn sau khi ra trường. Họ có thể học tiếp để theo con đường nghiên cứu, làm giáo viên tại các trường phổ thông hay giảng viên đại học, cao đẳng...

Với sự phát triển của kinh tế, đặc biệt là thị trường tài chính, cử nhân ngành Toán có thể theo đuổi những công việc ứng dụng toán hoặc logic toán học.

Nhiều cơ hội vẫn thất nghiệp

Ngày 16/10, tại buổi tọa đàm Sinh viên Toán và việc làm, bà Phạm Bạch Dương, Phó giám đốc Công ty kiểm toán hàng đầu thế giới Pwc, khẳng định cơ hội việc làm cho sinh viên ngành này rất nhiều.

Bà cho hay tại Pwc, cử nhân ngành Toán có thể ứng tuyển vào các vị trí kiểm toán, pháp chế về thuế hay tư vấn doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Bảo Trung, người hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, nhận định sự phát triển của ngành Tài chính luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vì thế, nhà đầu tư cần những người có kiến thức về toán để hạn chế rủi ro.

Theo bà Phùng Thị Kim Dung, giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, số liệu cử nhân thất nghiệp cao một phần do khắt khe trong định nghĩa “có việc làm”.

Nữ giáo viên nêu quan điểm sinh viên không nhất thiết phải là nhân viên chính thức. Cử nhân có thể lựa chọn giảng dạy tại các trung tâm hoặc làm nhân viên hợp đồng nếu họ muốn theo đuổi nghề sư phạm.

viec lam sinh vien nganh Toan anh 1
Bà Phạm Bạch Dương khẳng định sinh viên ngành Toán có nhiều cơ hội việc làm. Ảnh: Hoàng Như.

GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, cho biết ở nước ngoài, sinh viên ngành Toán chỉ khó xin vào giảng dạy tại các trường đại học, cơ hội bên ngoài rất nhiều.

Ông cho rằng nguyên nhân thất nghiệp ở nước ta không chỉ nằm ở tình trạng kinh tế chưa phát triển mà bản thân người học chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.

“Thị trường cần người lao động nhưng bản thân cử nhân cũng phải có cái gì đó để 'bán' cho nhà tuyển dụng”, ông Hoa nói.

Yếu ngoại ngữ, thiếu kỹ năng mềm

TS Hồ Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Oracle, nhận định sinh viên ngành Toán có lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động vì họ có lối tư duy logic, phương pháp luận tốt. Đây là hai yếu tố giúp họ dễ chuyển ngành. Tuy nhiên, nhiều sinh viên thụ động, thiếu ngoại ngữ và kỹ năng mềm.

Bà Bạch Dương khẳng định nếu sinh viên ngành Toán biết tiếng Anh, cơ hội trúng tuyển của họ rất cao. Ngoại ngữ được đánh giá là chìa khóa thành công cho cử nhân.

Trong khi đó, GS Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội, nói khả năng sử dụng ngoại ngữ của sinh viên còn kém. Rất ít sinh viên, kể cả những người học hệ đào tạo bằng tiếng Anh, có thể nghe hiểu bài giảng của giáo sư nước ngoài hay sử dụng tiếng Anh để soạn giáo án, giảng bài.

GS.TS Lê Tuấn Hoa lại cho rằng trước khi học các kỹ năng khác, sinh viên cần dành thời gian nắm vững kiến thức chuyên ngành. Ngoại ngữ chỉ là công cụ hỗ trợ.

Ngoài ra, sinh viên ngành này còn thiếu kỹ năng mềm. Họ có kiến thức nhưng không thể nói rõ mình học được cái gì ở trường và ứng dụng như thế nào vào quá trình làm việc, nghĩa là cử nhân chưa biết cách tiếp thị bản thân.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia Toán học và nhà tuyển dụng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chủ động trong việc học ngoại ngữ, tự học, tự đọc sách để có thêm kiến thức và tìm kiếm, tiếp cận cơ hội việc làm.

viec lam sinh vien nganh Toan anh 2
Các chuyên gia và nhà tuyển dụng nhận định sinh viên ngành Toán còn thụ động. Ảnh: Hoàng Như.

Bạn Như Quỳnh, sinh viên năm 2 ĐH Sư phạm Hà Nội 2, thừa nhận thụ động là khuyết điểm lớn của bản thân cũng như các bạn học khác.

“Em có nhiều vấn đề thắc mắc nhưng không dám đặt câu hỏi vì sợ gây phiền phức cho giảng viên và bạn học”, Quỳnh chia sẻ.

Trong khi đó, quá trình học tập, tìm kiếm việc hay làm việc sau này đều đòi hỏi sinh viên phải thực sự chủ động nắm bắt cơ hội.

Về vấn đề này, GS Thái nêu thực tế mâu thuẫn vẫn tồn tại giữa việc dạy toán tại các cơ sở đào tạo với thực tế cuộc sống khi sinh viên xin việc, đi làm. Nếu sinh viên trông chờ hoàn toàn vào trường học, giáo viên, họ sẽ đánh mất cơ hội của bản thân.

Theo ông Thái, đại học là môi trường hàn lâm. Sinh viên phải chủ động chuyển đổi kiến thức học ở trường thành cái mình cần để ứng dụng vào cuộc sống, công việc.

Sinh viên chán học vì chọn sai ngành

Nhiều thí sinh trượt nguyện vọng 1 trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 đã chọn “đại” một ngành ở nguyện vọng 2, 3. Hậu quả là mới vào năm học mới, nhiều sinh viên đã chán học.

Nguyễn Sương - Hoàng Như

Bạn có thể quan tâm