Mới tốt nghiệp khoa Việt Nam học, trường Đại học Hà Nội, Saleem Hammad (sinh năm 1993) đang dành kỳ nghỉ hè về Palestine để thăm gia đình trước khi bắt đầu sự nghiệp tại Việt Nam. Là một trong những sinh viên Palestine đầu tiên học ở Việt Nam, năm 2015, Saleem trở thành sinh viên xuất sắc giành giải đặc biệt cuộc thi nói tiếng Việt do khoa Việt Nam học tổ chức.
Saleem Hammad hy vọng bản thân và những người Palestine khác tại Việt Nam sẽ trở thành cầu nối để góp phần phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
|
Cầu nối ẩm thực Việt
Đối với Saleem, điều khó khăn nhất khi mới đến Việt Nam là rào cản ngôn ngữ, Saleem kể, việc sống cùng những người Việt thân thiện mến khách đã giúp anh tiếp thu tiếng Việt dễ dàng và trở nên thân thuộc như tiếng mẹ đẻ.
“Tôi nghĩ mình có duyên khi đến Việt Nam và cũng may mắn học được tiếng Việt. Tôi coi đất nước này là quê hương thứ hai của mình. Tình yêu với Việt Nam của tôi cũng giống như với đất mẹ Palestine vậy.
Nếu có một mơ ước, tôi mong muốn Palestine cũng có được hoà bình, độc lập tự do giống như Việt Nam vào một ngày không xa”.
Saleem Hammad
Saleem chia sẻ: “Tôi đã cảm nhận được sự thân thiện của người Việt và sự hiếu khách ở đây. một đất nước nhỏ bé nhưng có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, với những người dân cần cù chăm chỉ.
Dù tôi đi đến bất cứ nơi nào, từ miền ngược đến miền xuôi, Nam hay Bắc cũng cảm nhận được tình cảm nồng ấm và hiếu khách của người dân. Đó chính là Việt Nam!”.
“Tôi nghiện món ăn truyền thống ở Việt Nam, nhất là phở. đó cũng chính là món ăn mà tôi đã nấu khi về Palestine cho cả gia đình ăn thử và mọi người đều nói ẩm thực Việt Nam rất ngon. Vào dịp Tết, tôi cũng làm bánh chưng của người Việt cho gia đình tôi. nguyên liệu thì ở Palestine có hết, nhưng tôi chỉ thay nhân thịt lợn bằng nhân thịt cừu”, anh nói.
Anh chia sẻ rằng: người Ả rập nghe đến Việt Nam họ sẽ nghĩ đến rừng núi và Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Khi tôi về Palestine, tôi đã nói với mọi người ở đây rằng Việt Nam thực sự là thiên đường. tôi cũng cho họ xem những bộ phim mà tôi làm ở Việt Nam.
Họ rất ngạc nhiên về những cảnh đẹp ở Hạ Long, Sa Pa, Nha Trang, Đà Lạt… tôi hy vọng bản thân mình cũng như những người Palestine khác tại Việt Nam sẽ trở thành cầu nối để giữ vững và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Tôi coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Tình yêu với Việt Nam của tôi cũng giống như với đất mẹ Palestine vậy”, anh nói.
Noor M.Tahir (trái) từng viết đơn với mong muốn gia nhập quân đội Việt Nam.
|
Những câu chuyện đẹp về Việt Nam
Cũng là sinh viên đầu tiên của Iraq đến học tập tại Việt Nam từ năm 1998, Noor M.Tahir (thuộc dân tộc Ả Rập, có quốc tịch Iraq) cũng theo chuyên ngành ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tại Đại học Quốc gia Hà Nội để hiểu hơn văn hóa Việt. 10 năm nay, anh chưa một lần quay trở lại Iraq kể từ khi mẹ, chị ruột và anh rể mất từ năm 2006.
Nói về lý do, Noor nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng 3 lần chết hụt khi anh tranh thủ về nước và gia nhập lực lượng dân quân tình nguyện để giữ Baghdad (thủ đô Iraq), lúc chiến tranh đang có nguy cơ nổ ra tại Iraq. Vì vậy, Noor cũng ít khi trở về Iraq. anh luôn hy vọng, một ngày nào đó, Iraq có thể được trở lại hòa bình như trước đây.
Từng làm việc trong lĩnh vực ngoại giao (làm tại Đại sứ quán Qatar gần 4 năm) và tham gia kinh doanh, Noor cho rằng Việt Nam là một nước có nền chính trị ổn định, sự hòa bình không phải ở đâu cũng có được.
Yêu Việt Nam, Noor tâm huyết dành một năm để dịch cuốn sách “54 dân tộc Việt Nam” từ tiếng Việt sang tiếng Ả Rập. Sau đó, anh mang tặng cho tất cả Đại sứ quán, các tổ chức Iraq hay Ả Rập tại Việt Nam để truyền bá hình ảnh Việt Nam.
Noor từng là cầu nối cho nhiều người Iraq trẻ khi đến Việt Nam, anh giới thiệu tất tần tật hình ảnh Việt Nam cho bạn bè qua những buổi nói chuyện.
“Việt Nam và Iraq có mối quan hệ tốt với nhau, hơn nữa tôi có duyên với Việt Nam rất nhiều. Tôi muốn tham gia đóng góp công sức bảo vệ Việt Nam và muốn cảm ơn bằng sức mạnh vì những gì Việt Nam đã giúp đỡ tôi trong gần 20 năm qua cũng như dân tộc tôi”, Noor nói.
Hiện, câu chuyện về cuộc đời Noor đã tái hiện thành những câu chuyện, tên sách do chính anh đặt, đó là “Phở Lạc Đà” đang chờ xuất bản. Noor giải thích: “Phở là biểu tượng ẩm thực của Việt Nam, còn Lạc Đà là biểu tượng của Ả Rập.
Tôi muốn hai cụm từ này như cầu nối giữa hai dân tộc, hai quê hương tôi luôn trân quý. Tôi hy vọng, trong năm nay sẽ cố gắng xuất bản được cuốn sách này”, anh nói.