Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Sinh viên phải có giấc mơ vĩ đại và mục tiêu rõ ràng'

Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại TP.HCM khuyên sinh viên nên học hỏi nhiều hơn ngoài xã hội. Sự thay đổi lớn bắt nguồn từ quyết tâm nhỏ.

Sáng 6/9, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức lễ khai giảng năm học mới với nhiều thông điệp truyền lửa cho sinh viên.

Thay đổi vai trò của người thầy

Phát biểu chúc mừng các tân sinh viên tại buổi lễ, ông Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước, cựu sinh viên của trường, bày tỏ sự tự hào khi trường liên tục có những bước phát triển mới trong việc đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn.

Nguyên Chủ tịch nước cũng ấn tượng với thành quả hợp tác quốc tế của nhà trường với việc ký kết hợp tác với hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, có mối quan hệ đối tác với hơn 250 trường, viện và các cơ quan quốc tế.

Theo ông Trương Tấn Sang, quốc gia muốn phát triển nhất thiết phải có hai yếu tố: Hệ thống giáo dục đại học chất lượng và đội ngũ lao động được đào tạo bài bản.

khai giang DH Khoa hoc Xa hoi va Nhan van anh 1
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại lễ khai giảng của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: Ngọc Phượng.

Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, chất lượng đào tạo không chỉ được đo bằng trí tuệ, sáng tạo của người học mà còn cả yếu tố nhân cách, nhân bản, tinh thần yêu nước. Như vậy, giáo dục đại học trở thành "đầu vào", tạo nên sự phát triển của đất nước. 

Mặt khác, theo ông Sang, trong văn hóa phương Đông, người thầy giữ vị trí thứ hai trong cương thường "quân, sư, phụ". Thiên chức của người thầy không chỉ là truyền bá tri thức mà còn đào tạo người tài cho xã hội. 

"Lương sư hưng quốc" - thầy giỏi có thể làm cho quốc gia hưng thịnh. Trong xã hội Việt Nam, người thầy luôn nhận được sự tôn trọng, bởi người thầy là nhân tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả giáo dục. Có thầy cô giỏi mới có học trò giỏi", ông Trương Tấn Sang nói.

Trong quá trình đổi mới, vai trò của người thầy được nhìn nhận theo quan điểm mới. Theo ông Sang, ngoài vai trò là người truyền thụ kiến thức, thầy cô còn khuyến khích và là động lực cho học trò không ngừng sáng tạo, phát huy hết khả năng trong học tập, nghiên cứu.

Định hình mục tiêu, học ngoài sách vở và kết bạn

 Chia sẻ những cảm xúc với sinh viên trong năm học mới, bà Ureerat Ratanaprukse, Tổng lãnh sự Vương quốc Thái Lan tại TP.HCM, bồi hồi nhớ lại quãng thời gian còn ngồi trên giảng đường đại học.

khai giang DH Khoa hoc Xa hoi va Nhan van anh 2
Bà Ureerat Ratanaprukse, Tổng Lãnh sự Vương quốc Thái Lan tại TP.HCM. Ảnh: Ngọc Phượng.

Bà cho rằng trong những năm tháng sắp tới, sinh viên sẽ có những trải nghiệm thú vị như "học cùng lớp, chia sẻ ý kiến khác nhau, ăn cùng nhau và thậm chí có thể cùng ngủ gật trong các tiết học".

Bà chúc mừng các tân sinh viên đã vượt qua những hành trình khác nhau để đến được giảng đường đại học. Lời khuyên của bà cho các bạn trẻ là trong 4 năm đại học hãy tìm kiếm và định hình mục tiêu của riêng mình; học tập bên ngoài sách vở; kết bạn.

"Khi ngủ, các em phải mơ những giấc mơ thật vĩ đại và thức dậy với mục tiêu rõ ràng. Những sự thay đổi lớn bắt nguồn từ quyết tâm nhỏ. Nó bắt đầu bằng việc đặt ra mục tiêu đơn giản mỗi ngày và đến mục tiêu của tháng, của học kỳ và của năm".

Tổng lãnh sự quán Thái Lan nói tiếp: "Mục tiêu này có thể đạt được rồi đến mục tiêu khác có thể đạt được, nó sẽ tạo cho các em động lực và niềm tin để làm những điều lớn lao hơn. Và bất chợt mọi thứ, không cần biết nhỏ hay lớn, khó khăn như thế nào, dường như đều có thể đạt được".

Theo bà, việc học là quá trình kéo dài cả cuộc đời. Kinh nghiệm phục vụ công tác ngoại giao hơn 30 năm đã giúp bà rút ra kết luận rằng kiến thức luôn nằm ngoài sách giáo khoa và lớp học.

"Tôi khuyến khích các em du lịch khắp thế giới, học hỏi nhiều ý kiến, triết lý và văn hóa ngoài lớp học, làm việc với cộng đồng, địa phương và các bạn cùng lớp. Quan trọng nhất là các em phải học cách đền ơn xã hội và đất nước của mình. Tôi tin tưởng rằng môi trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ mang đến cho các em những hoạt động ngoài giờ như vậy", bà Ureerat Ratanaprukse khuyên.

Bà cũng chân thành khuyên sinh viên nên tìm cho mình những người bạn thân vì bốn năm đại học trôi qua rất nhanh. Ngoài gia đình, bạn bè sẽ là điểm tựa tin cậy cho các bạn trẻ khi đối mặt những khó khăn của cuộc sống.

"Thời gian là tài sản quý giá của các em, phải tậm dụng thời gian của mình theo cách có lợi nhất cho bản thân, xã hội và đất nước. Trong thời đại mà tất cả đều bị chi phối bởi công nghệ thông tin, Internet giúp rút ngắn thời gian và không gian. Chúng ta phải tận dụng lợi thế này để học hỏi những điều mới mẻ nhiều và nhanh nhất có thể", bà Ureerat Ratanaprukse chia sẻ.

Tại sao học từ tháng 8, khai giảng ngày 5/9? Theo chương trình của các sở GD&ĐT, hầu hết trường bắt đầu năm học từ tháng 8. Dù vậy, lễ khai giảng vẫn tổ chức vào ngày 5/9 vì một số lý do.

Hàng nghìn học sinh tưởng nhớ thầy Văn Như Cương ngày khai giảng

Trong lễ khai giảng năm học 2018-2019, hàng nghìn học sinh trường Lương Thế Vinh, Hà Nội, cùng ghép ảnh và tưởng nhớ thầy Văn Như Cương.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm