Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Sinh viên rải hồ sơ sau Tết, không muốn chờ có bằng mới xin việc

Sau Tết Nguyên đán, nhiều sinh viên năm cuối, sinh viên mới ra trường bắt đầu rải CV. Một số người lại chọn nghỉ ngơi và thử trải nghiệm những hoạt hoạt động mới.

Dù chưa có bằng đại học, nhiều sinh viên năm cuối đã bắt đầu tìm việc làm. Ảnh: Cottonbro studio/Pexels.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, vừa trở lại Hà Nội, Linh Hương (sinh viên năm 4) đã bắt đầu rải hồ sơ tìm việc. Tháng 6 mới là đợt xét tốt nghiệp nhưng Hương muốn tìm việc sớm để chủ động hơn, tránh bỏ trống thời gian vô ích.

Tốt nghiệp đại học vào thời điểm thị trường việc làm ngành công nghệ có nhiều biến động, Linh Hương khá thận trọng khi chọn nơi nộp hồ sơ. Hiện, Hương đã nộp CV vào 8 công ty và đang chờ phản hồi.

Với những kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian làm part-time và thực tập cuối năm 2022, Hương hy vọng sẽ nhận được lời mời phỏng vấn từ các công ty để tìm kiếm cơ hội việc làm.

“Mọi người nói mình tìm việc khi chưa có bằng đại học là sớm quá nhưng mình nghĩ là mình không nên chờ có bằng mới chạy đi xin việc. Tìm việc từ sớm sẽ có lợi hơn vì mình có thể chủ động thời gian và kịp thời ứng phó với những tình huống không thể lường trước”, Hương nói.

Rải CV nhiều nhưng ít được phản hồi

Cũng đang trong quá trình tìm việc làm sau Tết, Thu Hằng (tốt nghiệp một trường đại học ở Hà Nội) vẫn hàng ngày lên mạng tra cứu, tìm kiếm thông tin tuyển dụng công việc phù hợp với ngành học. Khoảng 6-7 sơ yếu lý lịch đã được gửi đi, nhưng đến nay, Hằng mới nhận được phản hồi từ 2-3 công ty.

sinh vien tim viec anh 1

Thu Hằng muốn tìm hiểu kỹ công ty trước khi làm việc. Ảnh: NVCC.

“Mình vẫn đang tìm hiểu về mức lương, chế độ phúc lợi của những công ty này. Mình cũng cần cân nhắc thêm về địa điểm làm việc”, Hằng chia sẻ.

Năm 2022, Hằng làm hai công việc cùng lúc để trang trải thu nhập. Nhưng trước Tết Nguyên đán, cô quyết định nghỉ một đầu việc để nghỉ ngơi và tìm cơ hội mới dù biết nếu chỉ làm một việc, cô chỉ có đủ tiền sinh hoạt, không có tiền để dành.

“Hiện tại, mình chưa tìm được công việc phù hợp, vẫn làm công việc kia để duy trì thu nhập. Thời gian còn lại, mình sẽ học thêm ngoại ngữ, đi du lịch và thực hiện những dự định vẫn còn dang dở”, Hằng nói với Zing.

Diệu Linh (sinh năm 2001) cũng đang rải hồ sơ tìm việc giống Linh Hương và Thu Hằng. Linh hoàn thành chương trình đại học vào cuối năm 2022 nhưng vẫn chưa nhận bằng do quá trình xét duyệt, cấp bằng tốt nghiệp tạm thời mất khá nhiều thời gian.

Thiếu bằng đại học, quá trình tìm việc của Diệu Linh gặp khó khăn vì hầu hết công ty, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực Linh theo đuổi đều yêu cầu bằng cấp khi ứng tuyển.

sinh vien tim viec anh 2

Diệu Linh chưa được cấp bằng đại học nên tìm việc khá vất vả. Ảnh: NVCC.

Trước Tết Nguyên đán, Linh từng làm ở bộ phận chăm sóc khách hàng của một công ty nhưng mức lương khá thấp, không đủ để cô chi cho những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống. Do đó, cô quyết định nghỉ công việc này để tìm việc mới lương cao hơn, phù hợp với ngành học và giúp cô nâng cao kỹ năng làm việc để gắn bó lâu dài.

Linh đã gửi CV cho 6 công ty nhưng chưa được phản hồi. Cô nghĩ rằng hồ sơ thiếu kinh nghiệm, thiếu bằng đại học là nguyên nhân khiến cô không lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng. Hơn nữa, sau Tết, nhu cầu nhảy việc nhiều khiến việc tuyển dụng căng thẳng hơn, mức độ cạnh tranh cao hơn.

Linh hiểu rõ những điều đó nên cô không dám kỳ vọng quá nhiều. Cô chỉ mong có thể tìm được công việc liên quan ngành học với mức lương 7-10 triệu đồng/tháng.

Cho bản thân thời gian chuẩn bị

Khác với những người bạn vội vàng tìm việc sau Tết, Đức Bảo (21 tuổi) lại chọn nghỉ ngơi để bản thân có thêm thời gian lựa chọn công việc phù hợp.

sinh vien tim viec anh 3

Nhiều bạn trẻ nghỉ ngơi sau Tết và lên những kế hoạch mới cho tương lai. Ảnh: Pexels.

Trước đây, khi còn là sinh viên năm nhất, Bảo làm part-time tại các nhà hàng vì công việc phù hợp với sinh viên cần xoay ca theo lịch học. Nhưng sau một năm làm việc, Bảo nhận thấy những công việc này chỉ mang lại thu nhập ổn, không hỗ trợ gì cho ngành học hiện tại và công việc sau này.

Do đó, Bảo bắt đầu chuyển hướng chọn những công việc part-time liên quan ngành học. Dù thời gian làm việc ngắn, lương không cao, Bảo vẫn cảm thấy những công việc này đáng giá vì giúp cậu học được nhiều kỹ năng mới, chuẩn bị cho hành trình làm việc sau này.

Sau Tết Nguyên đán, Đức Bảo sẽ trở lại trường vào ngày 5/2. Thời gian này, Bảo muốn dành toàn lực cho việc học để tốt nghiệp, không vội rải CV tìm việc. Nam sinh cho rằng việc nghỉ ngơi, tự cho bản thân thời gian để “tĩnh” cũng là một cách để tự soi chiếu, xem xét bản thân phù hợp với công việc, công ty nào.

Hơn nữa, thị trường việc làm sau Tết cạnh tranh khá gay gắt, Bảo nhận thấy bản thân chưa đủ "chín" nên không vội, muốn tự trau dồi, tích lũy thêm rồi mới nộp hồ sơ.

Thu Uyên (mới tốt nghiệp đại học tại TP.HCM) cũng chọn nghỉ ngơi thay vì tìm việc. Sau khi tốt nghiệp vào tháng 6/2022, Uyên làm việc tại một công ty tài chính ở TP.HCM nhưng đã xin nghỉ trước Tết Nguyên đán.

Dù làm công việc đúng chuyên ngành, mức lương khá ổn so với sinh viên mới ra trường, Uyên vẫn chọn nghỉ cảm thấy công việc đó không phù hợp, khiến bản thân kiệt sức.

Sau hơn nửa năm tốt nghiệp, khi bạn bè đã bắt đầu cuộc đua tìm việc và làm việc, Thu Uyên lại chọn rời khỏi cuộc đua, tự cho mình không gian riêng để nghỉ ngơi và “tái tạo năng lượng”.

Vốn không phải là người dễ bị áp lực đồng trang lứa, Uyên cho biết cô sẽ không cố chạy theo xu hướng tìm việc của mọi người. Đến nay, cô vẫn chưa có kế hoạch nộp hồ sơ hay tìm việc mới.

Trong 3 tháng tới, Uyên dự định sẽ dùng tiền tiết kiệm để đi du lịch và thử làm vlog, sáng tạo nội dung. Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Uyên bắt đầu thử chụp ảnh, quay video và cảm thấy khá hứng thú với hoạt động này. Cô cho biết nếu suôn sẻ, cô sẽ tiếp tục theo đuổi việc sáng tạo nội dung và trở thành một freelancer thay vì làm nhân viên văn phòng như trước đây.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Làm gì ở tuổi 20 để sau này không phải hối hận?

Triệu phú tự thân Steve Adcock đã tận dụng thời gian ở độ tuổi 20 để đạt được ước mơ nghỉ hưu sớm và đi du lịch khắp nước Mỹ cùng vợ.

Lan Anh - Thái An

Bạn có thể quan tâm