Bằng cách đó giới du học sinh siêu giàu đóng góp cho nước Anh mỗi năm hơn 10 tỷ USD.
Theo tờ Times of London, thủ đô London chính là điểm đến được yêu thích nhất của những học sinh phương xa đến nước Anh tìm kiếm giáo dục và đào tạo cao cấp.
Theo thống kê của tờ báo này, cứ sáu sinh viên tại Anh, có một người là du học sinh. Con số này gấp gần năm lần Mỹ với tỷ lệ du học sinh và sinh viên gốc Mỹ là 1/25.
Hơn bốn chục ngàn đô cho năm học
Cùng với sự gia tăng chóng mặt về lượng du học sinh được thu hút, mức học phí đối với du học sinh tại Anh cũng nhanh chóng “đội trần”. Nếu như mức học phí tối đa dành cho sinh viên gốc Anh chỉ suýt soát 13.000 USD thì học phí đại học của du học sinh tại đây cao hơn nhiều và chia làm nhiều loại khác nhau.
Cụ thể, du học sinh theo đuổi chương trình cử nhân các ngành khoa học xã hội - nhân văn sẽ phải đóng mức học phí từ 14.000 đến gần 25.000 USD; các ngành khoa học tự nhiên và kỹ sư là gần 29.000 USD; còn các ngành y học thì lên đến 43.000 USD.
Đáp ứng nổi mức học phí cao ngất ngưởng như thế này, phần lớn các du học sinh đại học tại Anh là con cái của những gia đình “siêu giàu” ở nước ngoài. Sức ảnh hưởng của thế hệ các du học sinh “siêu giàu” này đang ngày càng tăng cao tại Anh. Ngược lại, lượng sinh viên gốc Anh đã giảm đi gần 40.000 người trong năm năm qua.
Vung tiền không tiếc tay
Julia Stakhiva, 24 tuổi, hiện theo học cử nhân quản lý kinh doanh toàn cầu tại đại học tư Regent, là con gái của một gia đình giàu có kinh doanh thực phẩm tại Ukraine.
Tờ Times of London tiết lộ nữ sinh chi đến gần 21.000 USD cho các biện pháp thẩm mỹ như làm trắng răng, nâng mặt… kể từ khi đặt chân đến Anh. Số tiền này gần bằng mức học phí đại học của Stakhiva là khoảng 23.000 USD.
Nhưng đối với nữ thiếu gia người Ukraine, số tiền này có vẻ chẳng là bao. Báo chí Anh đồn đoán Stakhiva mới đây vừa sa thải một nữ trợ lý mà cô trả lương hơn 2.000 USD/tháng chỉ để đảm bảo các đồ uống tại hộp đêm vừa ý cô, đặt lịch cho nhân viên làm tóc tại thủ đô Moscow của Nga và chụp ảnh cuộc sống của Stakhiva để đăng lên mạng xã hội Instagram.
Trong thời gian học về thời trang tại Paris, nữ thiếu gia Ukraine được cho là đã chi ra hơn 287.000 USD để phẫu thuật thẩm mỹ.
Julia Stakhiva thường xuyên đăng tải hình ảnh về cuộc sống xa hoa của mình trên Instagram. Ảnh: METRO
|
Chơi tới bến, học tới nơi
Không phải “cậu ấm cô chiêu” nào cũng nhận nhiều chỉ trích về lối sống xa hoa của mình như Julia Stakhiva. Cũng có nhiều du học sinh giàu có “chịu học, chịu chơi” tại Anh.
Hassan Ahmed, sinh viên 23 tuổi theo học ngành quản lý tại ĐH London, là con trai của doanh nhân thành đạt người Pakistan. Ahmed hiện đang dành một năm thực tập quản lý cho một ngân hàng tại Abu Dhabi. Việc dành nhiều ngày liền học tại thư viện không phải là điều quá xa lạ đối với Ahmed.
Tuy nhiên, chàng sinh viên Pakistan cũng không ngần ngại chi khủng cho các cuộc vui của mình. Mức tiêu dùng của Ahmed có thể từ 7.000 đến 10.000 USD/tháng.
Cậu cũng sẵn sàng chi tiền để đi xem Thế vận hội Olympic tại Brazil hay đến Monaco để xem giải đua xe Grand Prix, đến các hộp đêm cao cấp hằng tuần để tạo mối quan hệ với xã hội thượng lưu “toàn cầu” đang dần hình thành tại London.
Julia Stakhiva và Hassan Ahmed chỉ mới là hai trong số rất nhiều những du học sinh với xuất thân giàu có lựa chọn London làm bến đỗ cho “sự học” của mình. Đa số những du học sinh này là con một, có xu hướng quay trở về quê hương để làm việc và kế thừa sự nghiệp của gia đình. Theo Times of London, chỉ có 3% các du học sinh tại Anh nộp hồ sơ xin visa làm việc tại Anh trong năm 2015.
London vớ bở
Sự hiện diện của các du học sinh đã mang về cho thủ đô London gần 3,3 tỷ USD mỗi năm tiền học phí và chi tiêu cá nhân, giúp tạo ra gần 70.000 việc làm và là một trong những động lực lớn cho thị trường bất động sản cho thuê tại thành phố có giá nhà đắt đỏ hàng đầu thế giới.
Cuộc đổ bộ của thế hệ các “cậu ấm cô chiêu” nước ngoài đến các trường đại học Anh mang lại lợi ích lớn cho cả đôi bên. Các du học sinh đặc biệt này nhận được chất lượng giáo dục hạng nhất tại những thành phố mà gia đình họ đầu tư tiền của. Các trường đại học thu được mức học phí và lợi nhuận khủng từ những phụ huynh “giàu sụ” đến từ Trung Quốc, Nga, Nigeria và các “cường quốc dầu mỏ” như Ả Rập Saudi.
Các du học sinh giàu có cũng là động lực lớn cho thị trường cho thuê nhà tại Anh, theo The Guardian. Báo cáo của tập đoàn bất động sản Savills cho biết, hơn 8 tỷ USD được đầu tư vào thị trường nhà đất tại Anh trong năm 2015, trong đó có thị phần thị trường nhà cho thuê cao cấp dành cho du học sinh là động lực rất lớn.
Theo tờ Times of London, các du học sinh giàu có cần phải tạo được “chỗ đứng” của mình trong xã hội thượng lưu toàn cầu thu nhỏ tại Anh và nơi ở cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Sinh viên Anh đổ xô… ra đi
Trong khi làn sóng các “cậu ấm cô chiêu” từ nước ngoài đang đổ xô đến nước Anh nhằm hưởng thụ nền giáo dục cao cấp, các sinh viên gốc Anh lại đang chật vật trước mức học phí ngất ngưởng ngay trên đất nước mình.
Theo tờ The Guardian, phần lớn sinh viên tại Anh đều xem các khoản vay học phí là gánh nặng đáng lo nhất nếu quyết định học đại học tại Anh.
Một khảo sát của quỹ Sutton (Anh) cho biết 76% người trẻ tại Anh lo ngại về mức sống đắt đỏ tại Anh, 68% lo ngại về mức học phí đại học quá cao và 58% sợ các khoản vay nợ đại học.
Theo The Guardian, số sinh viên tốt nghiệp nhưng mắc nợ ngân hàng các khoản hỗ trợ học phí thậm chí còn gấp đôi con số này tại Mỹ.
Lựa chọn phổ biến nhất của người trẻ tại Anh là đến học các trường đại học ở nước ngoài, thay vì ở lại nước Anh.
Một bảng danh sách mới đây của tờ The Guardian cho biết ĐH Malaya tại Malaysia chính là điểm đến lý tưởng hàng đầu cho những sinh viên Anh không muốn gánh món nợ khổng lồ sau khi tốt nghiệp.
Theo đó, Malaysia có mức học phí đại học chỉ tương đương 1/4 tại Anh và chi phí sống chỉ bằng 1/2 với chất lượng giáo dục đại học “có thể chấp nhận”.