Theo nghiên cứu về thành kiến giọng nói của tổ chức giáo dục Sutton Trust (Anh), nhiều sinh viên đại học cho hay họ tự ti về giọng địa phương của mình hơn so với những học sinh 16-18 tuổi hoặc người đi làm. Trong đó, sinh viên sắp tốt nghiệp lo lắng nhiều hơn cả vì họ chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới của sự nghiệp.
Theo đó, trong cuộc khảo sát, 35% sinh viên nói rằng họ tự ti về giọng của mình, cao hơn học sinh lớp 12 (24%) và người đi làm (23%).
30% sinh viên đại học cho biết từng bị trêu chọc hoặc kỳ thị trong trường do giọng nói. 33% lo sợ giọng nói có thể cản trở họ trong tương lai. Đối với đối tượng người đi làm, chỉ 25% cho hay từng bị kỳ thị về giọng nói và 19% lo lắng giọng nói sẽ ảnh hưởng không tốt đến tương lai.
Nhiều sinh viên cho biết họ do dự khi phát biểu trong giờ học vì từng bị nhận xét "giọng địa phương của họ nghe vô học và vênh váo". Ảnh minh họa: Erudera. |
Những trải nghiệm không tốt này đặc biệt phổ biến hơn ở những sinh viên có nền tảng kinh tế, xã hội thấp hơn và ở vài vùng miền nhất định. 41% sinh viên miền Bắc nước Anh lo ngại giọng nói có thể ảnh hưởng đến khả năng thành công của họ trong tương lai, trong khi con số này ở sinh viên miền Nam, trừ London, chỉ có 19%.
Hồi tháng 9, một cuộc khảo sát của ĐH Union (Anh) chỉ ra phần lớn học giả xuất thân từ tầng lớp lao động nước này cảm thấy gốc gác là thứ kìm hãm sự nghiệp của họ. Cụ thể, giọng địa phương được cho là một trong những yếu tố khiến họ cảm thấy thiệt thòi.
Theo báo cáo của Sutton Trust, giọng địa phương vẫn là một rào cản ở nhiều nơi. Tổ chức này khuyến khích các công ty, tổ chức nên có hành động để đa dạng hóa giọng nói tại nơi làm việc.
Ngoài ra, nhiều người được hỏi cảm thấy áp lực phải thay đổi giọng nói vì bị phân biệt đối xử. Theo các nhà nghiên cứu, áp lực này có thể trầm trọng hóa những gánh nặng xã hội mà họ vốn phải chịu.
Những người tham gia nghiên cứu xếp hạng giọng Anh - Anh truyền thống (received pronunciation - còn được biết đến là "tiếng Anh của Nữ hoàng") là chuẩn nhất. Trong khi đó, các giọng tại thành phố công nghiệp như Manchester, Liverpool và Birmingham hay giọng dân tộc thiểu số bị xếp hạng thấp nhất.
Theo Devyani Sharma, Giáo sư Xã hội học tại ĐH Queen Mary London kiêm tác giả nghiên cứu, báo cáo này cho thấy "hệ thống phân cấp lâu đời" vẫn còn tồn tại ở Anh.
"Theo đó những người có giọng địa phương, có gốc gác là tầng lớp lao động và dân tộc thiểu số ít có tiếng nói trong một số nghề nghiệp hoặc vị trí có thẩm quyền. Điều này làm tăng thêm sự lo lắng và thiệt thòi cho những người nói giọng địa phương", bà nói thêm.
Mục Giáo dục gợi ý những tựa sách hay cho những độc giả quan tâm đến vấn đề khám phá và phát triển bản thân.