Tất bật cuối năm
Từ đầu tháng 12, cứ ngày nào được nghỉ học, cô sinh viên Nguyễn Hoàng Dũng (năm 2, ĐH Sài Gòn) lại dắt xe đạp đi từ tờ mờ sáng tới tối khuya mới về. Dũng cho biết: “Phải tranh thủ nhận nhiều ca, ai kêu gì mình làm nấy, miễn việc làm chính đáng là được”.
Năm nay, việc làm Tết khá đa dạng. Bên cạnh những việc làm thêm thường gặp: phục vụ, ôsin, bảo vệ đường hoa Nguyễn Huệ, trông nhà, chạy xe máy đưa đón khách đi tàu xe, có hàng loạt công việc khác như bán lộc đầu xuân, gói bánh tét… Một sinh viên nếu biết cách sắp xếp thời gian hợp lý, có thể cùng lúc nhận làm 2-3 việc khác nhau.
Sinh viên Lê Minh Tâm dạy đàn tại trường THPT Nguyễn Đình Chiểu. |
Mấy hôm nay, để tiện cho việc đi làm, Dũng chuyển hẳn từ quận Thủ Đức vào quận Bình Thạnh ở nhờ phòng bạn bè. Dũng nhận phụ bàn ở một quán phở trên đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) từ 5h tới 15h vào các ngày thứ 2, thứ 4, thứ 6 hàng tuần. Nói là phụ bàn, song trong đó bao gồm cả việc rửa chén bát, xách nước, giao hàng… Hết ca, chưa kịp nghỉ ngơi, Dũng vội vã chạy về phòng lấy đồng phục đi làm ca tối ở nhà hàng tiệc cưới tại quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Thông thường, một ngày làm việc của sinh viên có tiền công chưa đến 100.000 đồng. Nhưng thời gian cao điểm này, người lao động bắt đầu đổ về quê lo tết, hiếm người làm nên mức lương cao hơn gấp 2-3 lần.
Dũng tâm sự, đi làm cả ngày vậy chỉ mong có thể đóng đủ tiền học phí cho kỳ học tiếp theo, số còn dư thì mua thuốc cho mẹ. Đôi lúc, bản thân cũng cảm thấy áp lực và mệt mỏi. Cô bạn ngậm ngùi kể lại, cách đây mấy hôm có nhận dọn dẹp nhà cửa cho một gia đình ở chỗ Bến xe miền Tây. Vừa thi xong môn cuối tại trường, Dũng đạp xe qua đó thì bị lạc đường, phải mất 2 tiếng mới tìm ra địa chỉ ngôi nhà. Thế nhưng, sau 4 tiếng dọn dẹp ngôi nhà 4 tầng, chủ nhà lại nói trừ tiền vì đi trễ, chỉ 25.000 đồng/h dọn dẹp, giảm 5.000 đồng so với thỏa thuận ban đầu. “Lúc đó, tự nhiên nghĩ lại thấy tủi thân lắm, muốn cãi nhau một trận đòi cho bằng đủ tiền công của mình. Nghĩ thì nghĩ vậy thôi, rồi âm thầm dắt xe ra về coi như đóng phí rủi ro” - Dũng nói.
Những ngày này cô bạn Lê Thị Lợm (sinh viên ĐH Luật) cũng bận rộn không kém với 2 lớp dạy thêm và công việc osin cao cấp. Lần đầu tiên trong đời Lợm đi làm ôsin tại một ngôi nhà ở phường 4, quận 4, TP.HCM, Lợm không khỏi ngỡ ngàng khi nhận 70.000 đồng tiền công cho 2 người, 2 giờ dọn dẹp nhà vệ sinh, lau cầu thang, rửa chén bát cật lực. Sau đó, Lợm phải giải thích, kì kèo mãi chủ nhà mới trả đủ 150.000 đồng. Nguyên nhân đơn giản là do quá trình thỏa thuận về số lượng người cần thuê giữa 2 bên chưa rõ ràng.
Lợm chia sẻ: “Lỗi một phần cũng tại mình chỉ hỏi họ trả công ra sao mà không nói trước mình làm 2 người. Rút kinh nghiệm từ lần đó, đi đâu, làm gì mình cũng tìm hiểu chi tiết việc làm, thỏa thuận kỹ càng trước khi chính thức nhận việc”.
Bạn Lê Thị Lợm tranh thủ dạy thêm buổi tối. |
Nguyễn Thị T. (sinh viên năm 3, cao đẳng Kinh tế công nghệ TP.HCM) xin gia đình ở lại tết đi làm thêm dành dụm tiền mua lại máy tính vừa bị mất. Qua sự giới thiệu của một người quen, T. được chỉ dẫn đến làm tại một quán cà phê nhỏ, không có tên quán, nằm cuối đường D1 (quận Bình Thạnh). Thấy bà chủ có vẻ hiền lành, lại nghĩ là quán qui mô hộ gia đình nên T. nhận lời. Hết ngày làm đầu tiên T. mới vỡ lẽ đây là một quán trá hình. Bán nước giải khát chỉ là cớ, thực chất thì hoạt động mát xa và mại dâm. “Biết môi trường làm việc không tốt, chiều hôm đó làm chưa hết ca, mình xin về rồi bỏ của chạy lấy người luôn, bỏ không nhận lương bữa đó nữa” - T. kể.
Tết muộn
Sáu năm lên Sài Gòn học, sáu cái tết “đến muộn, hết sớm” của cậu sinh viên khiếm thị Lê Minh Tâm (sinh viên năm 2, ĐH Sư phạm TP.HCM). Sinh ra trong gia đình có 5 anh em bị khuyết tật bẩm sinh, cuộc sống của Tâm gắn liền với suy nghĩ kiếm tiền lo cho gia đình và tiếp tục đi học. Thu nhập chính của Tâm từ việc dạy đàn và rong rủi bán vé số. “Thấy bạn bè về nhà hết, cũng muốn về phụ ba mẹ lo chuẩn bị đón tết, dọn dẹp nhà cửa lắm chớ, nhưng về rồi sau tết lấy gì sống, lấy gì để đóng tiền trường. Quà tết trễ cho ba mẹ chỉ là hộp sữa, bịch thuốc tây, tấm áo mỏng, mà vẫn vui vì đó là thành quả lao động của mình”, Tâm chia sẻ.
Giá vé tàu, xe về quê lại là một nỗi lo lớn khác của sinh viên xa quê, nhất là sinh viên ở miền Trung, miền Bắc. Nguyễn Thị Nhị (cao đẳng Ladec) đã 3 năm không về quê Thanh Hóa đón tết do tiền xe quá đắt đỏ, ngày tết lại tăng mạnh. Tết của Nhị là cái tết chạy đôn, chạy đáo, tất bật làm thêm tại TP.HCM. Đêm giao thừa năm nào, Nhị cũng đi làm tới khuya. “Quanh năm có ba ngày tết, con về nhà đi, có mắm ăn mắm, có muối ăn muối”, không biết bao nhiêu lần cô sinh viên bật khóc khi nghe mẹ nghẹn ngào thủ thỉ trong điện thoại như thế.
Nhị chia sẻ: “Ba mẹ ở nhà làm quần quật ngoài ruộng cũng chỉ được mấy chục ngàn đồng. Mình đỡ đần được phần nào thì hay phần ấy". Khác với mọi năm, năm nay Nhị bắt đầu đi làm thêm từ rất sớm, dành dụm tiền để về quê. "Dù đến mồng 9 âm lịch mới về, nhưng được về với gia đình, tết muộn vẫn sẽ vui và ấm áp” - Nhị nói thêm.
Lừa đảo việc làm Tết
Sau khi gửi hồ sơ đến một công ty đăng tuyển dụng bảo vệ dịp tết trên mạng. Nguyễn Hồng Thiện (sinh viên ĐHGTVT) được hẹn ra một quán cà phê để phỏng vấn. Ngày 14/12, Thiện nhận được thông báo trúng tuyển. Với danh nghĩa công ty nước ngoài, có văn phòng tại quận Bình Tân, trả lương hậu hĩnh, bên kia yêu cầu Thiện để được đi làm phải đóng 1 triệu làm tiền cọc và đồng phục. Nếu không có tiền, có thể đóng trước 50%, bao giờ nhận đồng phục và chính thức đi làm thì đóng 50% còn lại.
Thiện gom tiền đóng trước 500.000 đồng, nhưng mãi đến ngày 20/12 vẫn chưa thấy phía công ty kia liên lạc lại. Thiện nghi ngờ gọi điện thoại hỏi thì được trả lời do chưa đóng đủ tiền nên hồ sơ nhân viên chưa hoàn tất.
Thiện chia sẻ: “Lợi dụng tâm lý mong muốn kiếm việc làm tốt, lương cao trong dịp tết của hầu hết sinh viên, bọn lừa đảo tung ra nhiều thủ thuật, mánh khóe rất tinh vi. Vì vậy, trước khi đi xin việc, nên tìm hiểu thật cụ thể về nơi làm việc đó. Cách đảm bảo chất lượng công việc nhất là tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm nhờ tư vấn”.