Các chuyên gia nhận định đại dịch đã để lại di chứng đối với sức khỏe tâm thần của sinh viên thuộc "thế hệ Covid". Cuộc sống bí bách, thiếu thốn trong dịch khiến tình trạng âu lo thái quá, trầm cảm, tự làm hại bản thân ở những người trẻ gặp khó khăn trong đại học càng thêm trầm trọng.
Nhiều sinh viên ở Anh gặp vấn đề sức khỏe tâm thần do đại dịch Covid-19. Ảnh: Alamy. |
Gia tăng số lượng sinh viên gặp vấn đề sức khỏe tâm lý
Theo báo cáo của các trường đại học ở Anh, nhiều sinh viên đang gặp phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần sau đại dịch. Họ dự đoán vấn đề này sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 9 năm nay.
Larissa Kennedy, Chủ tịch Hội Sinh viên Quốc gia (NUS), chia sẻ các nghiên cứu của hội cho thấy sức khỏe tinh thần của sinh viên trở nên tệ hơn. Phần lớn các sinh viên chịu gánh nặng từ trạng thái lo âu thái quá. Larissa Kennedy bày tỏ lo lắng sâu sắc trước tình trạng sinh viên khủng hoảng sức khỏe tinh thần.
Theo The Guardian, nghiên cứu gần đây của tổ chức từ thiện sức khỏe tinh thần Humen cho thấy trong 7.385 sinh viên tham gia khảo sát, hơn 41% đánh giá trường học chưa làm tốt việc ngăn chặn các vấn đề phát sinh do đại dịch gây ra.
47% sinh viên cho rằng những khó khăn liên quan đến sức khỏe tinh thần tác động tiêu cực đến trải nghiệm tại trường đại học. Trong khi đó, 1/3 số sinh viên tham gia khảo sát chia sẻ họ không biết tìm sự giúp đỡ ở đâu.
Larissa Kennedy nhận định nguyên nhân khác gây ra vấn đề tâm lý trong sinh viên là áp lực học tập, kiểm tra cộng với chi phí sống tăng vọt. Chủ tịch Hội Sinh viên Quốc gia kêu gọi tài trợ để các trung tâm hỗ trợ sớm can thiệp, tránh cảnh hàng nghìn sinh viên lâm vào khủng hoảng.
Trong tháng 6, chính phủ Anh công bố tài trợ 3 triệu bảng Anh để rút ngắn khoảng cách giữa NHS (Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh) và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ở trường đại học. NUS cảnh báo việc tài trợ này chỉ là “muối bỏ bể” khi ước tính với số tiền đó, mỗi sinh viên nhận tài trợ 1 bảng Anh.
“Các trường đại học đã chứng kiến sự gia tăng số lượng sinh viên gặp khó khăn về sức khỏe tinh thần. Điều này tồn tại từ trước nhưng chắc chắn, đại dịch khiến tình hình gia tăng nghiêm trọng”, bà Rachel Sandby-Thomas (Hiệp hội Các nhà quản lý đại học - AHUA) nói.
Hỗ trợ sinh viên vượt qua khó khăn trong, sau đại dịch là vấn đề được nhiều trường ở Anh quan tâm. Ảnh: Host-Student. |
Hỗ trợ cải thiện sức khỏe tinh thần cho sinh viên
TS Dominique Thompson, chuyên gia y tế hàng đầu về sức khỏe tâm lý sinh viên, nói thêm các chuyên gia phát hiện ngày càng nhiều sinh viên gặp triệu chứng rối loạn ăn uống, lo lắng, cô đơn và tự làm hại bản thân.
Bà cho biết thế hệ trẻ chịu ảnh hưởng khủng khiếp từ đại dịch và giãn cách xã hội. Các sinh viên cần sự giúp đỡ để hình thành kỹ năng xã hội, được trấn an về khả năng học tập và hỗ trợ cải thiện cảm xúc.
Vị chuyên gia cho hay cần đặc biệt chú ý đến các sinh viên da màu, gốc Á hoặc dân tộc thiểu số, sinh viên thuộc cộng đồng LGBT+ và sinh viên khuyết tật.
Dữ liệu gần đây từ công ty cho sinh viên vay vốn cho thấy cuộc sống khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần do dịch Covid-19 gây ra có thể khiến tỷ lệ sinh viên bỏ học cao hơn. Họ thông tin thêm 3.076 sinh viên đã bỏ học từ khi đại dịch bùng phát.
Tổ chức từ thiện sức khỏe tinh thần Humen xếp hạng các trường đại học trong mảng hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho sinh viên dựa trên kết quả khảo sát cùng dữ liệu tự do thông tin, bao gồm số tiền trường chi ra và mức độ hài lòng của sinh viên.
Theo đó, ĐH Reading được xếp hạng cao nhất. Trường này chi trung bình mỗi sinh viên 70 bảng Anh. ĐH Oxford và Central Lancashire đứng ở vị trí thứ hai, thứ ba.
Paddy Woodman, Giám đốc Dịch vụ Sinh viên tại ĐH Reading, cho hay trường nhận thấy sức khỏe tinh thần của sinh viên chịu ảnh hưởng bởi một loạt các vấn đề.
Họ cho rằng trường đại học có vai trò giúp đỡ sinh viên mọi mặt trong cuộc sống. Điều này bao gồm giúp người học giải đáp các câu hỏi về phúc lợi và vấn đề không nhất thiết phải liên quan đến việc học, ví dụ chuyện sinh viên gặp khó khăn trong hòa hợp với bạn cùng nhà.
Giám đốc Woodman nhấn mạnh giúp đỡ sinh viên thích nghi với xã hội là trọng tâm đặc biệt, nhất là khoảng thời gian sau đại dịch. Bà quan sát và nhận thấy sinh viên mong muốn có không gian yên tĩnh hơn, thoải mái hơn để kết bạn. Ngoài ra, sinh viên cũng ít tham gia các hội nhóm buổi tối.
“Sinh viên đã bỏ lỡ sự chuyển đổi sang độ tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, trong môi trường an toàn như chính ngôi nhà của mình, các em vẫn có thể khám phá cơ hội, dự tiệc, học quy tắc ứng xử và quản lý bản thân”, bà Woodman chia sẻ.
Đại diện phát ngôn của tổ chức các trường đại học ở Anh quốc Universities UK cho biết họ đã đẩy mạnh nỗ lực để hỗ trợ sinh viên vượt qua những khó khăn sau đại dịch.
Người này nói thêm rằng đây là “ưu tiên chung” của cả Universities UK và NHS lẫn chính phủ. Các trường đại học đang thúc đẩy NHS, chính phủ đảm bảo tài trợ bền vững đồng thời vận hành các dịch vụ NHS trực tiếp cho sinh viên.