DEEP ZOOM là cuộc thi báo chí dành cho sinh viên đại học - cao đẳng và các bạn trẻ yêu thích làm báo trên địa bàn TP.HCM. Đây là cuộc thi trong chuỗi sự kiện học thuật báo chí của Tuần lễ phóng viên trẻ 2021 do CLB Phóng viên trẻ, Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức.
Cuộc thi báo chí tạo ra sân chơi học thuật và kỹ năng, giúp các thí sinh hiểu rõ hơn về nghề báo, có định hướng đúng đắn, tự tin khi ứng tuyển vào những cơ quan báo chí.
Tham gia cuộc thi, các bạn trẻ có cơ hội trải nghiệm thực tế nghề báo, tranh tài cùng nhau trong phần thi 48h làm phóng sự, thực hiện phóng sự ảnh.
Sinh viên tham gia Tuần lễ phóng viên trẻ 2021. |
Trong lần trở lại này, cuộc thi ảnh online mở rộng phạm vi, là sân chơi cho tất cả bạn trẻ đam mê lĩnh vực nhiếp ảnh, ảnh nghệ thuật, ảnh báo chí, điểm nhấn là 48h làm phóng sự.
Top 30 thí sinh vào vòng bán kết sẽ được tham gia nhiều buổi workshop chia sẻ kỹ năng, tham quan tòa soạn để tìm hiểu về quy trình làm báo chuyên nghiệp.
Từ đó, các bạn sẽ áp dụng các kiến thức và trải nghiệm để thực hiện một phóng sự trong vòng 48h. Đặc biệt, top 5 thí sinh chung cuộc sẽ được khoa Báo chí và Truyền thông ưu tiên giới thiệu cộng tác tại các tòa soạn báo uy tín. Đây là cơ hội để các bạn sinh viên có đam mê với báo chí được thử sức.
“Cận” vào nghề báo
Báo chí là ngành nghề không còn xa lạ trong lĩnh vực truyền thông. Người làm báo gặp không ít khó khăn, vất vả để có được tác phẩm báo chí chất lượng, đem lại giá trị thông tin và nhân văn cho công chúng.
Cuộc thi muốn nhấn mạnh, sự thật được phản ánh trên báo chí không chỉ là những gì diễn ra trên bề mặt vấn đề, sự kiện. Muốn tiếp cận và phản ánh sự thật đó, người làm báo phải dấn thân, tìm hiểu kỹ càng bằng nhãn quan, kỹ năng và kinh nghiệm của mình, từ đó mới có thể đưa thông tin đến công chúng bản chất, chân thật.
Top 30 thí sinh lọt vào vòng bán kết được tham gia chuỗi workshop chia sẻ kỹ năng báo chí từ các nhà báo và diễn giả nổi tiếng. Đây cũng là điều kiện để các bạn trẻ tiến gần hơn với nghề và tìm hiểu được những khía cạnh khác của nghề báo.
Các buổi workshop trực tuyến có sự chia sẻ của nhà báo Huỳnh Sang về cách làm podcast, nhà báo Thuận Thắng về nguyên tắc làm nghề từ một phóng viên ảnh, cựu phóng viên VTV Huỳnh Tịnh Hoài Nhân về tư duy đề tài báo chí, phóng viên Trương Khởi về phóng sự truyền hình và quay dựng.
Bạn Bảo Trâm - sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) chia sẻ: “Tham gia đầy đủ các buổi chia sẻ, mình thấy rất hào hứng vì thế hệ đi trước giàu kinh nghiệm và tâm huyết”. Bảo Trâm tin rằng những gì được học không chỉ áp dụng cho cuộc thi và cho cả công việc sau này.
Bạn Minh Thu - sinh viên Khoa Văn hóa học (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết: “Mình cảm nhận được những thay đổi tích cực sau khi tham gia cuộc thi, trước hết là tự tin, sau là nỗ lực. Những câu chuyện và kinh nghiệm quý giá là điều mình sẽ luôn ghi nhớ”.
Cuộc thi truyền tải thông điệp: "Với niềm đam mê, tinh thần dám dấn thân và chấp nhận thử thách, dù bạn là ai, bạn vẫn có thể vững vàng đi đến cùng với lý tưởng của mình".