Ngày 8/4, quy định cấm thầy giáo yêu sinh viên của trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ, TP HCM được dư luận quan tâm. Trong khi các giảng viên trong trường ủng hộ, thì sinh viên - đối tượng ảnh hưởng trực tiếp từ lệnh cấm - thể hiện nhiều băn khoăn.
Từng sợ hãi khi được thầy theo đuổi
Quy định nội bộ của trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ đã có từ hơn một năm. Việc xử lý chỉ áp dụng với giảng viên.
Nguyễn Kim Thảo - nữ sinh từng được thầy giáo theo đuổi khi học THPT - đồng tình với quy định cấm yêu. Kim Thảo nhớ lại: “Thầy quan tâm em rất nhiều. Thầy mua hoa, chocolate, để thư ngăn bàn… Em rất sợ. Mọi người trong trường đều biết, đồn thổi không hay về kết quả học tập của em rằng, do ưu ái. Em rất ác cảm với việc thầy trò yêu nhau".
Sợ bố mẹ lo lắng, Thảo giấu kín chuyện này với gia đình, nhưng thẳng thắn chia sẻ cùng hiệu phó nhà trường. Sau đó, người thầy đem lòng yêu cô đã chuyển công tác.
Kim Thảo (đứng đầu) - nữ sinh trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ. |
Tuy ủng hộ trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ, nhưng Kim Thảo quan niệm: “Tình cảm là điều không nên ngăn cấm. Quy định chỉ mang tính chất cảnh báo và hạn chế”.
Trái ngược Kim Thảo, sinh viên Dương Mỹ Hằng thẳng thắn: "Em không đồng tình lệnh cấm". Hằng chia sẻ, tình yêu giữa thầy và trò rất tốt đẹp, không nên cấm đoán. Hơn nữa, "giáo viên" cũng chỉ là chức danh. Họ có quyền được yêu như bao người khác.
Bản thân Mỹ Hằng từng chứng kiến cặp vợ chồng nên duyên từ mối quan hệ này. “Nhà trường nên gặp riêng và trao đổi với người trong cuộc để ủng hộ họ, đồng thời nên giữ kín chuyện, không để cả trường biết", Mỹ Hằng đề xuất.
Nam sinh Lê Khải Hoàng nhận định, quy định trên hơi khắt khe. “Hãy để mỗi người luôn sống là chính mình, nhưng không trái chuẩn mực xã hội”.
Trước giả thiết là "người trong cuộc", nữ sinh Lữ Thị Thúy An chọn cách giữ kín tình cảm cho đến khi ra trường. Việc đi quá giới hạn sẽ ảnh hưởng uy tín, công việc của thầy giáo, là điều Thúy An lo sợ. Còn Kim Thảo sẽ đợi thời điểm tốt hơn để bày tỏ tình cảm: "Em nghĩ nếu đó là tình yêu thật sự, dù có trốn tránh cũng không thoát được".
Nên tăng cường biện pháp phạt, không nên cấm
Theo lý giải của tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn Kiệt - hiệu trưởng Cao đẳng Nghề Việt Mỹ, trường học phải tạo ra môi trường an toàn và công bằng.
Trên thế giới, đầu năm 2015, Đại học Harvard quy định, giảng viên và sinh viên không được yêu đương. Trước đó, Đại học Yale, Đại học Connecticut đưa ra những quy định tương tự lần lượt vào năm 2010 và 2013.
Là người ảnh hưởng trực tiếp từ nền giáo dục phương Tây, hiện giảng dạy tại Cao đẳng Việt Mỹ, giáo sư Dianne Ruggiero chia sẻ: “Tình yêu chân thật giữa thầy và trò là điều có thể xảy ra. Nếu vậy, một trong hai người nên rời khỏi trường. Điều đó có thể giữ được tình cảm chân thành này”.
Cũng theo giáo sư Dianne Ruggiero, lệnh cấm giúp nhà trường tự vệ trước trách nhiệm pháp lý. Phụ huynh có thể cáo buộc giáo viên tội hiếp dâm, sinh viên tố giảng viên sàm sỡ khi mối quan hệ kết thúc.
Nhiều bạn trẻ cho rằng, cấm yêu không phải biện pháp hay. |
Nếu giảng viên Cao đẳng Nghề Việt Mỹ đồng tình việc cấm yêu, nhiều đồng nghiệp khác lại phản biện. Theo thầy Lại Tiến Minh, giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội, đây không phải biện pháp hay, dù có thể giảm tiêu cực trong trường học.
“Tôi nghĩ có thể thay bằng cách thực hiện chặt chẽ việc cho điểm giáo viên, tăng cường hệ thống kiểm tra, giám sát. Điều này sẽ loại bỏ tình trạng 'đổi tình lấy điểm'. Không có lý do gì để ngăn cấm tình yêu thực sự giữa thầy và trò. Chúng ta cần phân biệt rõ giữa việc yêu và những hành vi trái đạo đức”, thầy Minh nêu quan điểm.