Đó là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị Đánh giá công tác tuyển sinh, đào tạo, giải quyết việc làm năm 2018 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2019 diễn ra ngày 12/3 tại Ninh Bình.
Thay mặt Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Giáo Đào tạo chính quy - cho biết năm 2018, sau nhiều năm, việc tổ chức tuyển sinh, đào tạo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) vượt chỉ tiêu theo kế hoạch, cho thấy dấu hiệu biến chuyển tích cực trong sự phát triển chung của hệ thống.
Tỷ lệ có việc làm tăng 5%
Cụ thể, tính đến tháng 12/2018, cả nước có 1.948 cơ sở GDNN trong đó có 397 trường cao đẳng, 519 trường trung cấp và 1.032 trung tâm GDNN. Tổng số sinh viên được tuyển lên đến hơn 2,2 nghìn.
Trong đó, tuyển sinh trình độ trung cấp và cao đẳng khoảng 545.000 người, chiếm 24,7 % so với tổng số tuyển sinh.
Ông Trương Anh Dũng - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - cho biết tỷ lệ sinh viên trường cao đẳng, trung cấp, GDNN, có việc làm sau khi ra trường tăng 5% so với năm 2017. Ảnh: NS. |
Năm ngoái, khoảng 2 triệu người tốt nghiệp GDNN. Cụ thể, tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp gần 420.000. Sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là gần 1,7 triệu người.
Theo báo cáo của 63 sở Lao động Thương binh & Xã hội, tính trung bình, năm 2018, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 85%. Trong đó, tỷ lệ ở bậc cao đẳng là 87%, trung cấp là 82%.
Ở những trường có uy tín về chất lượng đào tạo nghề, có quan hệ tốt với doanh nghiệp, tỷ lệ này ở mức cao hơn. Đặc biệt, 100% sinh viên tốt nghiệp CĐ Kỹ nghệ II, CĐ Cơ điện Hà Nội, CĐ Nghề số 1, CĐ Giao thông vận tải Trung ương II có việc làm.
Ngoài ra, lương khởi điểm bình quân của sinh viên GDNN cũng được cải thiện. Theo số liệu từ các sở, trung bình, sinh viên cao đẳng sau khi tốt nghiệp nhận lương 6 triệu đồng/tháng. Con số này đối với học sinh trung cấp là 5,5 triệu đồng/tháng.
Theo ông Vũ Xuân Hùng, các ngành, một số ngành nghề có mức lương khá cao như Điều khiển phương tiện thủy nội địa (7,5 triệu), Vận hành cần, cẩu trục (8 triệu), thậm chí, có những nghề ở một số trường, sinh viên ra trường có mức lương lên đến 10-15 triệu đồng/tháng.
Trao đổi với Zing.vn, ông Trương Anh Dũng - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - đánh giá: “Năm 2017, tỷ lệ việc làm đạt trên dưới 75% năm 2018, tăng lên 80%. Mặc dù chỉ tăng 5%, con số này hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều sinh viên đại học thất nghiệp. Nó cũng khẳng định chất lượng đào tạo của GDNN”.
Ông cho biết thêm hiện nay, 70%-80% nhân lực qua đào tạo ở nước ta là sinh viên tốt nghiệp từ hệ thống GDNN. Tuy nhiên, nhiều ngành nghề vẫn cần số lượng lớn người lao động qua đào tạo. Điển hình, ngành Công nghệ Thông tin cần một triệu nhân lực nhưng thực tế hiện nay mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu.
Đào tạo lao động cho thị trường ngoài nước
Không chỉ đáp ứng nhu cầu lao động trong nước, GDNN còn chịu trách nhiệm đào tạo kỹ năng, tay nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó cục trưởng Quản lý Lao động ngoài nước - cho biết trong 5 năm gần đây, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm trên 100 nghìn người và tăng đều qua các năm, trung bình mỗi năm tăng gần 10 nghìn người.
Ông Liêm cho biết Cục Quản lý Lao động ngoài nước đặt mục tiêu tăng tỷ trọng lao động Việt Nam ở nước ngoài có qua đào tạo lên 80%. Ảnh: NS. |
Các thị trường chính của lao động Việt Nam là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc (chiếm 90%-95%) và một số nước Đông Âu với ngành nghề cơ khí, sản xuất, chế tạo.
Cụ thể, khoảng 230 nghìn người Việt đang làm việc ở Đài Loan, chủ yếu trong các khu vực sản xuất chế tạo như cơ khí, điện, điện tử, may mặc, xây dựng. Một số lực lượng làm trong lĩnh vực dịch vụ như khán hộ công, giúp việc gia đình. Thu nhập tiết kiệm trung bình chỉ 600 USD/tháng.
Tại thị trường Nhật Bản, số lượng lao động Việt Nam khoảng 150 nghìn người. Bên cạnh đó, hàng chục nghìn lao động đi làm việc theo hình thức hợp đồng cá nhân (kỹ sư, lao động chuyên môn kỹ thuật), du học sinh ở lại công tác. Thu nhập tiết kiệm trung bình dao động từ 900-1.200 USD/tháng.
Con số trên tại thị trường Hàn Quốc là 50 nghìn với 80% theo chương trình cấp phép việc làm (EPS). Trung bình, những người này có mức thu nhập tiết kiệm khoảng 1.200-1.500 USD.
Thị trường Malaysia và Ả Rập cũng tiếp nhận lao động người Việt với số lượng lần lượt là 25 nghìn và 20 nghìn người. Thu nhập trung bình đạt 400-500 USD/tháng.
Đây cũng là mức lương phổ biến dành cho lao động Việt Nam tại thị trường Nga, khu vực Trung Đông. Trong khi đó, thu nhập trung bình tại một số nước Đông Âu nhỉnh hơn, khoảng 500-600 USD/tháng.
Theo ông Nguyễn Gia Liêm, thị trường lao động ngoài nước mong muốn tiếp nhận lao động có tay nghề. Nếu có tay nghề, người Việt Nam sẽ có điều kiện lao động tốt hơn, nhận lương cao hơn, ưu thế của họ được nâng lên rất nhiều. Hiện tại, 40% lao động nước ta ở nước ngoài đã qua đào tạo.
“Chúng tôi đang xây dựng chiến lược để tăng tỷ trọng lao động nước ngoài qua đào tạo, định hướng lên 60%, đến năm 2025 là 80%”, ông Liêm cho biết.