Sinh viên trường Y và những tình huống trớ trêu
Gặp côn đồ, người nhà đưa phong bì, chứng kiến những tai nạn cướp đi sinh mạng con người… là những câu chuyện các sinh viên năm cuối của ĐH Y chia sẻ trong ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Trong ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), ngày tôn vinh những con người đang ngày đêm đem lại sự sống cho hàng triệu bệnh nhân, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với một số sinh viên đang theo học năm cuối chuyên ngành Bác sĩ đa khoa tại ĐH Y Hà Nội đang thực tập tại bệnh viện Bạch Mai, nghe họ kể những câu chuyện trong quá trình tập làm bác sĩ.
Sinh viên ĐH Y Hà Nội. |
Thường xuyên đương đầu với những tình huống trớ trêu
Xuất thân trong một gia đình làm nghề nông, vất vả để kiếm từng đồng tiền, bát gạo, và mẹ thì ốm đau liên miên, động lực đó đã giúp cô sinh viên Dương Thị Hoài theo đuổi ngành Y. Trong quá trình đi thực tập, Hoài đã gặp không ít những kỷ niệm “để đời”. Cô kể lại: “Một lần trong buổi trực đêm, chúng em gặp một nhóm bệnh nhân là dân anh chị, đâm chém nhau bị thương và đưa vào viện. Gặp nhân viên y tế, họ chửi bới, dọa nạt. Mặc dù vậy chúng em vẫn phải làm đúng vai trò của mình, nhanh chóng sơ cứu ban đầu cho các bệnh nhân”.
Sinh viên Dương Thị Hoài (bên trái). |
Không gặp phải côn đồ, nhưng chàng trai Phạm Chí Hiển (sinh viên chuyên ngành Bác sĩ đa khoa) chia sẻ nhiều lần phải đối mặt với “vấn nạn phong bì” từ phía người nhà bệnh nhân. Hiển chia sẻ: “Có lần đi trực, mình gặp một đôi vợ chồng tầm ngoài 30 tuổi. Chị vợ bị bệnh suy thận mệt đến mức không đi lại được. Gia cảnh hai người chắc cũng rất khó khăn. Khi mình đưa chị bệnh nhân đi chiếu chụp, anh chồng liền đưa phong bì cho mình vì “sợ bác sĩ vất vả”. Mình từ chối ngay và nói anh ấy giữ lại mua thuốc cho chị. Thực sự, khi đứng ở cương vị một bác sĩ mới hiểu được họ phải chịu rất nhiều áp lực. Gần đây báo đài hay nói về việc nhận phong bì, nhưng thực sự còn rất nhiều bác sĩ tận tâm với người bệnh”.
Đây cũng là tình huống mà rất nhiều sinh viên ngành Y phải đối mặt khi đi thực tập. Về vấn đề này, một nam sinh cho biết: “Bệnh nhân ai cũng muốn được khám nhanh, chăm sóc tận tình. Và họ nghĩ rằng nếu đưa cho bác sĩ càng nhiều tiền họ sẽ nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình hơn. Nhưng thực tế, khi nhìn thấy người bệnh, hầu hết bác sĩ, y tá, điều dưỡng và thậm chí là sinh viên thực tập như chúng mình luôn tâm niệm phải làm hết trách nhiệm của mình. Trong quá trình thực tập tại Bạch Mai, Việt Đức mình chưa bao giờ chứng kiến cảnh bác sĩ nhận phong bì”.
Đối với chàng sinh viên từ nhỏ đã mơ làm bác sĩ, Nguyễn Trung Nghĩa quá trình thực tập để lại trong bạn rất nhiều ấn tượng. Trong đó đặc biệt nhất có lẽ là lần đầu tiên Nghĩa đi học ngoại khoa đã phải chứng kiến một trường hợp nạn nhân bị ô tô cán, đưa vào bệnh viện Bạch Mai với tình trạng rất thảm thương. Dù các bác sĩ đã có những biện pháp cấp cứu kịp thời nhưng đều không thể cứu sống bệnh nhân. Lần đầu chứng kiến một người bỏ mạng, Nghĩa tâm sự: “Dù đã nhiều lần được tiếp cận với các xác chết trong quá trình học, nhưng mình vẫn không khỏi choáng váng và sợ hãi”.
Thích ý tưởng “bác sĩ người máy” của Táo quân 2013
Qua quá trình thực tập, các sinh viên trường Y đều nhận thức được bác sĩ là một nghề vất vả, gian khổ bởi gánh trên vai trách nhiệm là mạng sống, sức khỏe của người bệnh. Nhưng hiện nay, khi nhắc đến nghề này người ta bàn nhiều đến chuyện y đức xuống cấp, hay bác sĩ nhận phong bì. Điều đó được phản ánh một phần trong chương trình Táo quân hàng năm, không bao giờ thiếu Táo Y tế.
Chia sẻ về quan điểm này của xã hội, Nguyễn Trung Nghĩa cho biết: “Khi xem Táo quân, mình thấy họ nói rất nhiều về mặt trái của ngành y, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong ngành thôi. Nhìn những cảnh như vậy chúng mình cũng rất đau xót bởi các bác sĩ cùng đã làm được rất nhiều việc tốt”.
Hình ảnh Xuân Bắc trong vai "bác sĩ người máy" của chương trình Táo quân 2013. |
Nhắc đến hình ảnh “bác sĩ người máy” trong chương trình Táo quân năm nay, chàng trai này cho rằng điều đó thể hiện tầm nhìn sâu sắc của những người làm chương trình. Bởi nó thể hiện hệ thống đào tạo ngành y còn một số hạn chế khi bác sĩ ra làm việc như máy.
Trung Nghĩa còn chia sẻ: “Mỗi khi xem Táo quân có nhắc đến những mặt hạn chế của ngành, càng giúp mình có thêm động lực học tốt và làm việc tốt hơn”.
Đồng tình với quan điểm này, nữ sinh Dương Thị Hoài chia sẻ: “Mỗi nghề đều có những mảng tối và đối với nghề y đó là vẫn còn tồn tại một đội ngũ cán bộ y tế không có trình độ chuyên môn. Chuyện Táo quân năm nay em cảm thấy đã phản ánh được một sự thật đó là: bác sĩ khi khám chữa bệnh phải dung cái đầu để suy nghĩ, bởi mỗi người mỗi bệnh, không ai giống ai. Như thế, họ mới tìm ra được phương pháp điều trị tốt nhất và đỡ tốn kém nhất cho bệnh nhân chứ không phải như một cái máy”.
Nghề Y là một nghề đặc biệt
Chia sẻ cảm xúc về ngày dành để tôn vinh những nhân viên của ngành Y mà tiêu biểu là các bác sĩ, hầu hết các bạn sinh viên đều cảm thấy xúc động và nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ phía bạn bè và gia đình.
Chàng trai Phạm Chí Hiển tâm sự: "Nghề y là một nghề đặc biệt. Tuy vô cùng mệt mỏi và vất vả nhưng khi nhìn thấy bệnh nhân khỏe mạnh thì đó là một điều vô cùng hạnh phúc".
Chưa biết đến ngày Thầy thuốc Việt Nam khi mới bước chân vào trường ĐH Y, nhưng đối với Trung Nghĩa ngày hôm nay ngày càng có ý nghĩa sâu sắc khi cậu được tiếp xúc với bệnh nhân. Nghĩa trải lòng: "Nhìn người bệnh, mình càng cảm thấy vai trò của người bác sĩ càng lớn. Dù chưa từng nhận được lời chúc nào của những người bệnh, nhưng chúng mình vẫn luôn có những hoạt động ý nghĩa để ghi nhớ ngày hôm nay".
Sinh viên Nguyễn Trung Nghĩa. |
Còn đối với cô gái Dương Thị Hoài nghề y thực sự rất thú vị và không bao giờ nhàm chán, bởi: "Việc tìm ra bệnh cho một người nào đó để chữa trị cho họ là cả một quá trình, và có cả những đêm mất ngủ để tìm tòi rồi đưa ra chẩn đoán chính xác, nhưng tất cả sự vất vả đó đều rất thú vị".
Cô gái này khẳng định: "Mình không biết trong tương lai khi chính thức trở thành bác sĩ sẽ gặp những khó khăn gì nhưng với một công việc có tính chất đặc biệt như nghề y, phải chịu trách nhiệm trước mạng sống của một con người, mình sẽ luôn cố gắng trở thành một bác sỹ chân chính có bản lĩnh và lương tâm. Bản lĩnh tức là ko bị cám dỗ trước những vật chất tầm thường, không ngừng trau dồi kiến thức, phấn đấu trở thành bác sỹ giỏi cũng là một cách kiếm tiền chân chính. Bác sĩ có lương tâm tức là biết đồng cảm với nỗi đau của bệnh nhân khi phải đối mặt với ranh giới giữa cái sống và cái chết để hết mình vì người bệnh".
Dù vẫn còn nhiều vất vả khi theo đuổi nghề y và nhiều khi vẫn chưa được xã hội nhìn nhận một cách toàn diện và đúng đắn, nhưng những sinh viên này luôn khát khao được cống hiến cho một trong những nghề vinh quanh nhất được xã hội tôn trọng gọi là thầy.
An Hoàng
Theo Infonet