“Giải quyết ô nhiễm nhựa và nylon” là chủ đề của ngày Môi trường thế giới năm 2018. Đến nay, chủ đề này vẫn chưa hết nóng, thậm chí còn trở thành “cuộc chiến” lớn tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thời gian gần đây, các trường đại học liên tục đẩy mạnh chiến dịch nói “không” với rác thải nhựa, ban hành quy định ngưng sử dụng chai nhựa, ống hút nhựa... Tại Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), vấn đề này đã đi vào quá trình học tập thực tế của sinh viên bằng những dự án vì cộng đồng.
Mới đây, UEF đã tiến hành công bố các đề tài của môn học Thiết kế dự án - Project Design (PD) chủ đề “Môi trường”. Với hơn 40 đề tài tham gia của 380 sinh viên, UEF đã góp thêm tiếng nói cho chiến dịch giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường sống, trước tiên là trong cộng đồng sinh viên trường.
Sinh viên UEF đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường qua môn học gắn thực tiễn. |
Hoạt động học tập kỹ năng thực tế này còn cho thấy được sức sáng tạo, khả năng phát hiện, giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm và tư duy nhạy bén của sinh viên UEF trước các vấn đề xã hội. Bên cạnh đó trong tháng 6 tới, Trung tâm kết nối cộng đồng của nhà trường cũng triển khai dự án mang tên “Nâng cao nhận thức của giảng viên, sinh viên UEF về rác thải không phân hủy”.
Sinh viên UEF trong chuỗi dự án với chủ đề “Môi trường”. |
Những năm qua, các tầng lầu của nhà trường đều bố trí các bình nước nóng lạnh và ly để sinh viên uống. Việc này sẽ giúp sinh viên hạn chế việc mua nước chai và ống hút từ các quán vào trường. Đối với cán bộ, nhân viên, các thầy cô đều mang theo bình giữ nhiệt, chai đựng nước để mua nước uống từ các quán, hoặc lấy nước từ bình nước nóng lạnh để sử dụng.
Các bạn trẻ đều tâm huyết với dự án của mình. |
Theo TS. Hồ Viễn Phương - Chánh văn phòng trường, từ kết quả đạt được của các đề tài, dự án đã triển khai, UEF sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, khuyến khích cán bộ, giảng viên, sinh viên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, ít độc hại để thay thế dần cho các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa. Tất cả sẽ chung tay giúp UEF trở thành trường học thân thiện với môi trường.