Zing.vn trích dịch bài viết trên BBC, SmartCompany và Monster về thực trạng những người lao động vẫn cố gắng đến cơ quan dù bị ốm với mong muốn đảm bảo vị thế của mình ở nơi làm việc.
Hơn 54% người Australia vẫn đi làm mặc dù bị bệnh và khoảng 21% người lao động chưa từng sử dụng ngày nghỉ ốm (sick leave) vì có quá nhiều việc.
Tình trạng trên khiến các doanh nghiệp nước này tiêu tốn 34 tỷ USD mỗi năm bởi những người bị ốm dễ bị chấn thương, mắc lỗi nhiều hơn, làm việc kém năng suất và có khả năng truyền nhiễm bệnh cho người khác nếu vẫn đến chỗ làm.
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, số ngày nghỉ ốm của công nhân Anh đã giảm gần một nửa kể từ năm 1993. Trước đây, một nhân viên trung bình từng có 7,2 ngày nghỉ ốm trong một năm. Năm 2017, con số này chỉ còn 4,1 ngày.
Không chỉ riêng Anh hay Australia, việc nhân viên bị ốm nhưng vẫn cố gắng có mặt tại văn phòng làm việc trở thành một nét “văn hóa” được đánh giá là thiếu lành mạnh trong xã hội hiện đại.
Sợ bị cấp trên đánh giá, sợ không thể theo kịp người khác hay thậm chí bị đuổi việc là những nguyên nhân khiến cho tình trạng này ngày càng gia tăng ở nhiều nước trên thế giới.
Đi làm dù bị ốm đang là thực trạng ngày càng gia tăng trên thế giới. Ảnh: Istock. |
Sợ bị phán xét
Một cuộc khảo sát năm 2015 từ nhà cung cấp bảo hiểm AXA PPP (Anh) chỉ ra có gần 40% nhân viên nói lý do không dám gọi điện báo ốm vì họ sợ bị cấp trên đánh giá hoặc không tin tưởng.
Văn hóa nơi làm việc đôi khi khiến người lao động cảm thấy họ có khả năng bị bỏ rơi khỏi các cuộc thảo luận về công việc hoặc cơ hội thăng tiến quan trọng nếu nghỉ ốm.
Các nghiên cứu cũng cho thấy sự ngờ vực và phán xét từ cấp trên là một trong những nguyên nhân dẫn tới ngày càng nhiều nhân viên cố gắng làm việc ngay cả khi bị bệnh.
Chỉ có 42% các nhà quản lý cấp cao được thăm dò bởi AXA PPP đồng ý rằng cảm cúm là một lý do nghiêm trọng đủ để vắng mặt.
Sự phát triển của công nghệ tạo nên động lực làm việc mới. Nhiều người không nhất thiết phải có mặt tại văn phòng. Họ có thể được trang bị tất cả các công cụ cần thiết - máy tính và Wi-Fi - để làm việc tại nhà.
Nhưng chính sự tự do, linh hoạt, có thể làm việc ở bất cứ đâu là nguồn cơn khiến nhiều người sử dụng lao động hình thành cảm giác nghi ngờ khi theo dõi, quản lý những người cấp dưới của họ.
George Boué, Phó chủ tịch nhân sự tại công ty bất động sản thương mại Stiles Corporation, nói rằng sự phán xét này xuất phát từ những thế hệ lớn tuổi, họ không tin ai đó có thể thực sự làm việc hiệu quả mà không tới văn phòng thường xuyên.
Những nguyên nhân này dẫn đến một thói quen của người lao động được gọi là “presenteeism”: Mọi người đi làm ngay cả khi họ bị bệnh.
Theo Viện Phát triển Nhân sự Chartered, số trường hợp “presenteeism” đã tăng hơn gấp 3 lần trong thập kỷ qua. Trong hơn 1.000 người tham gia vào nghiên cứu năm 2018, 86% thừa nhận đã chứng kiến các trường hợp nhân viên đi làm khi bị ốm trong công ty của họ.
Nhiều người cố gắng làm việc bất chấp tình trạng sức khỏe không ổn định vì sợ bị "bỏ lại" phía sau. Ảnh: Finance. |
Bên cạnh việc sợ bị đánh giá thấp về thái độ làm việc, còn có các nguyên nhân khác khiến nhiều người vẫn cố gắng đi làm dù sức khỏe không đảm bảo.
Theo một cuộc khảo sát năm 2014 của Tổ chức Vệ sinh Quốc gia (NSF) của Mỹ, 4/10 công nhân được khảo sát nói rằng họ vẫn đến làm việc vì sợ sẽ có quá nhiều việc phải làm khi trở lại sau một ngày bị ốm. 1/4 trong số đó bày tỏ họ đi làm dù bị ốm vì ông chủ hy vọng họ có mặt bất kể nguyên nhân gì.
Không ít người không thể nghỉ vì cảm giác phải có trách nhiệm với công việc của mình. Những dự án dở dang, deadline cận kề khiến họ không thể an tâm để trì hoãn, nghỉ ngơi hoặc bàn giao cho người khác.
Vấn đề tiền bạc cũng là một lý do. 1/3 trong số những người được NSF khảo sát cho biết họ không được trả tiền nếu nghỉ ốm nên buộc phải đi làm để chi trả cho những hóa đơn cơ bản.
Có rất nhiều người làm các công việc thời vụ (casual) hoặc theo hợp đồng (contractor) sẽ không được hưởng quyền lợi nghỉ bệnh có lương tại Australia. Do đó, một số người phải cố gắng đi làm để kiếm tiền dù bị bệnh.
Sự lắng nghe, thấu hiểu từ cả hai phía
Thực tế, để người ốm đi làm có khả năng gây tổn hại cho công ty nhiều hơn là cứ để họ nghỉ ngơi. Người ốm có thể lây bệnh cho những nhân viên khác khi đến cơ quan. Đặc biệt là những nhân viên bị mắc bệnh liên quan đến tâm lý, nên cho phép họ nghỉ ngơi, có thời gian để phục hồi.
Theo chuyên gia, nếu bị ốm, thay vì đến mọi người nên sớm báo cho người quản lý của mình. Điều đó thể hiện sự tôn trọng của mình và cho cấp trên thời gian để sắp xếp nhân sự.
Trên hết, thông báo một cách trung thực là cách tốt nhất để tránh những hiểu nhầm không đáng có hay sự trách móc nếu công việc không thể hoàn thành.
Trách nhiệm của các nhà quản lý chính là tạo ra một nền văn hóa nơi nhân viên cảm thấy được trao quyền được có thời gian nghỉ ngơi. Ảnh: Nanna Prieler. |
“Người sử dụng lao động cần phải tin tưởng nhân viên xin nghỉ ốm và nếu có thể, nên xem xét cho phép họ làm việc tại nhà”, Glen Parkinson, giám đốc doanh nghiệp vừa và nhỏ của AXA PPP, viết.
“Cách đúng đắn nhất là tuân theo các chính sách và thủ tục của tổ chức. Nói dối hay phóng đại tình trạng sức khỏe của mình là việc làm sai hoàn toàn”, Mark Marsen - giám đốc nhân sự tại công ty dịch vụ y tế, thành viên của hội đồng chuyên môn về nhân sự của Hiệp hội Quản lý Nhân sự - nói.
Theo Marsen, có 2 kiểu người quản lý. Loại thứ nhất không tin tưởng thái độ làm việc của nhân viên nên thường đề ra nhiều quy tắc khắt khe. Những người này sẽ có xu hướng nghĩ về điều tồi tệ nhất của bất kỳ nhân viên nào, đặc biệt là khi bệnh tật được đưa ra như một cái cớ để xin không đến văn phòng.
Một kiểu quản lý khác sẽ cố gắng thiết lập các tiêu chuẩn hợp lý và tin tưởng nhân viên của họ là người nghiêm túc.
“Trách nhiệm của các nhà quản lý chính là tạo ra một nền văn hóa nơi nhân viên cảm thấy được trao quyền có thời gian nghỉ ngơi”, Mark Marsen nói.
Chuyên gia này cho rằng tìm kiếm sự cân bằng sẽ luôn là một con đường hai chiều, đòi hỏi cả nhân viên và sếp phải xem xét trách nhiệm và phúc lợi của đối phương thay vì gia tăng áp lực.