Trong 24 giờ qua, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.935 ca nhiễm mới, trong đó 34 ca nhập cảnh và 15.901 ca ghi nhận trong nước (giảm 736 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 10.912 ca trong cộng đồng).
Đáng chú ý trong đó là tình hình dịch tại Hà Nội đang cho thấy tín hiệu lạc quan khi số ca nhiễm trong ngày đã giảm dần từ gần 3.000 trường hợp còn 2.800 người thời gian qua.
Trong khi đó, một số địa phương có số ca mắc tăng như Đà Nẵng, Hải Phòng lại mang đến nhiều lo lắng khi dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.
Số ca mắc mới tại Hà Nội giảm dần
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội tối 21/1, địa phương này vừa ghi nhận thêm 2.805 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua. Đây cũng là ngày thứ 6 liên tiếp số ca mắc mới của Hà Nội thấp hơn ngày trước đó.
Tính từ ngày 29/4/2021 đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 105.861 ca mắc Covid-19. Bộ Y tế cũng ghi nhận Hà Nội là một trong 5 địa phương có số ca mắc Covid-19 tích lũy cao nhất trong đợt dịch lần này, bên cạnh TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh.
Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cập nhật lần gần nhất ngày 21/1, cho thấy Hà Nội có 1.681 F0 đang điều trị tại các bệnh viện diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng.
Nguồn: Sở Y tế Hà Nội. |
Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 2.261 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 640 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch (tăng 3,7% so với trung bình 7 ngày trước).
Trong đó, 535 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 29 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 19 người thở máy không xâm lấn, 57 ca thở máy xâm lấn.
Thành phố đã tiêm được tổng cộng 14.021.749 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19. Trong đó, tổng số mũi bổ sung đã tiêm là 233.858, mũi nhắc lại là 1.716.454.
Mới đây, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết số lượng ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố đang có xu hướng tăng như từng nhận định và có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch vẫn được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng, tử vong đang trong giới hạn kiểm soát.
Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá tình hình dịch trong thời gian qua đều nằm trong dự báo và “cơ bản kiểm soát được”. Tuy nhiên, khi có sự chủ động, sâu sát hơn ở một số cơ sở, tình hình dịch bệnh sẽ tốt hơn nữa. Dự báo dịp Tết Nguyên đán tới, tình hình dịch bệnh tiếp tục có nhiều phức tạp, các quận, huyện được yêu cầu bám sát tình hình thực tế và quyết liệt trong chỉ đạo điều hành.
Ông cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã tới xã, phường, thị trấn cần xây dựng kịch bản cụ thể trong những ngày Tết, phù hợp và bám sát diễn biến thực tế, tránh bỏ sót bệnh nhân Covid-19 và không để các trường hợp này thiếu thuốc điều trị.
Các quận, huyện rà lại lực lượng, phối hợp với ngành y tế, nếu cần thiết huy động sinh viên thuộc trường đại học, cao đẳng để bổ sung kịp thời trong thời điểm Tết. Các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở điều trị bệnh nhân; nâng công suất tổng đài 1022 trong những ngày Tết.
Tình hình dịch trái ngược tại các địa phương
Với 24 giờ qua cùng 227 F0 được phát hiện, TP.HCM đã có ngày thứ 6 liên tiếp ghi nhận số người mắc Covid-19 dưới ngưỡng 300 ca.
Về chùm ca nhiễm biến chủng Omicron trên địa bàn, Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết các cơ quan chức năng đã làm tròn trách nhiệm phát hiện sớm ca nghi mắc. Thời gian tới, TP.HCM tiếp tục thực hiện hoạt động phòng, chống dịch đã kích hoạt; truy vết khoanh vùng dập dịch với trường hợp nhiễm mới.
Theo bà, ngành y tế tiếp tục rà soát, sàng lọc đối tượng có nguy cơ và khi nghi ngờ thì giải mã trình tự gene để phát hiện sớm.
Trong dịp Tết Nguyên đán, hoạt động phòng chống dịch của TP.HCM vẫn được duy trì, tăng cường, đặc biệt là trong dịp lễ hội.
Đến nay, tất cả đối tượng đủ điều kiện tiêm vaccine theo quy định của Bộ Y tế tại TP.HCM đã hoàn tất tiêm mũi nhắc lại, mũi bổ sung. TP.HCM đang tiếp tục rà soát, lập danh sách người chưa tiêm và lập danh sách với cả nhóm trẻ em chưa tiêm để khi có thông tin từ Bộ Y tế sẽ triển khai
Trong ngày 21/1, Đà Nẵng ghi nhận 964 người mắc Covid-19, đứng vị trí thứ 2 trên toàn quốc về số F0 được ghi nhận trong ngày, chỉ đứng sau Hà Nội. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, số ca mắc Covid-19 trong ngày của Đà Nẵng đã tăng từ ngưỡng 100-200 lên khoảng 800-900 trường hợp.
Trung bình tuần qua, Đà Nẵng cũng đứng thứ 3 về số lượng F0 trong ngày với khoảng 911 ca/ngày.
10 địa phương có số lượng F0 cao nhất trong 7 ngày qua | |||||||||||
Nguồn: Bộ Y tế | |||||||||||
Nhãn | Hà Nội | Cà Mau | Đà Nẵng | Khánh Hòa | Bình Phước | Bến Tre | Bình Định | Hưng Yên | Trà Vinh | Thanh Hóa | |
Trung bình số F0 trong 7 ngày | ca | 2901 | 1148 | 911 | 578 | 569 | 560 | 521 | 516 | 500 | 489 |
Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến đã yêu cầu địa phương cần tập trung bảo vệ an toàn cho các chợ trên địa bàn. Bên cạnh các biện pháp như sắp xếp giãn cách, đeo kính chống giọt bắn, chính quyền phải hỗ trợ những điều kiện khử khuẩn và tổ chức xét nghiệm, ban quản lý chợ vận động tiểu thương đóng góp để xét nghiệm với tần suất 3 ngày/lần để tầm soát nguy cơ tại chợ. Nếu kiểm soát chặt, đảm bảo an toàn, các chợ sẽ được sớm mở cửa trở lại, duy trì hoạt động kinh doanh mua bán cho người dân.
Phó chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Y tế Đà Nẵng hướng dẫn chu đáo cho các địa phương cung cấp đủ trang thiết bị cho trạm y tế để thực hiện điều trị F0 tại nhà. Các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị một cơ số giường bệnh nhất định để sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trong trường hợp phát hiện khi họ đến khám chữa bệnh khác.
Đến nay thành phố đã đạt tỷ lệ bao phủ vaccine trên 99% cho người thuộc đối tượng tiêm chủng. Do đó, số ca mắc nhiều nhưng lượng người diễn biến nặng rất thấp. Mặt khác, theo Phó chủ tịch UBND thành phố, Đà Nẵng đã cố gắng chuẩn bị kỹ các điều kiện về năng lực xét nghiệm, điều trị cho bệnh nhân.
Trong ngày 21/1, tình hình dịch Covid-19 tại thành phố Hải Phòng biến động tăng nhẹ với 748 F0 mới, xếp sau Đà Nẵng và đứng thứ 3 cả nước.
Trong ngày, các địa phương thuộc TP Hải Phòng công bố đã có 748 ca mắc Covid-19 được điều trị khỏi. Trong 17.606 F0 đang được điều trị, 115 ca diễn biến nặng, nguy kịch. Tính tới thời điểm này, Hải Phòng đã ghi nhận 43 ca tử vong do Covid-19.
Theo thống kê, hiện TP Hải Phòng đã thực hiện hơn 3,7 triệu mũi tiêm vaccine phòng Covid-19. Trong đó, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên đã đủ 2 liều vaccine đạt 99,99%; tỷ lệ này ở nhóm trẻ 12-17 tuổi là 99,98%
Theo báo cáo của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau, ngày 21/1, địa phương này ghi nhận thêm 319 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đến nay, toàn tỉnh đã có 54.285 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
Thống kê của địa phương cũng cho thấy tổng số 5.453 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đang được điều trị tại Cà Mau, trong đó, 4.612 ca điều trị tại nhà.
Ban Chỉ đạo tỉnh đánh giá số ca mắc mới mỗi ngày của Cà Mau đang có xu hướng giảm. Đây là tín hiệu tốt cho thấy tình hình dịch tại tỉnh Cà Mau đang dần được kiểm soát tốt hơn.
Ngày 21/1, Sở Y tế Cà Mau đã công bố cấp độ dịch mới nhất. Theo đó, 100 xã/phường/thị trấn thuộc cấp độ một và chỉ một phường thuộc cấp độ 2. Với trạng thái bình thường mới, người dân Cà Mau đã có thể sinh hoạt thoải mái hơn, cuộc sống dần ổn định.
Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, người dân tại đây cũng có thể mua bán, trao đổi hàng hóa dễ dàng hơn bên cạnh tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch và nguyên tắc 5K.
Các địa phương thay đổi quy định, tạo điều kiện đón Tết Nguyên đán
Trong công điện ban hành ngày 19/1 vừa qua, Thủ tướng yêu cầu các địa phương không đặt ra quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế, của Chính phủ, gây khó khăn không cần thiết cho người dân nhất là trong dịp về quê ăn Tết Nhâm Dần 2022.
Ngày 20/1, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã ký văn bản hỏa tốc gửi chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng sở, ban, ngành đơn vị trực thuộc tỉnh để triển khai một số giải pháp thích ứng an toàn, kiểm soát dịch Covid-19 trước, trong và sau dịp Tết Nhâm Dần.
Quy định cách ly người về quê ăn Tết ở mỗi nơi một kiểu thời gian qua khiến người dân hoang mang. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh hủy bỏ việc yêu cầu người dân từ vùng dịch cấp độ 3, 4 phải cách ly tập trung 7-14 ngày khi về tỉnh.
Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cũng khẳng định địa phương không có chủ trương nào ngăn cản người dân về quê ăn Tết.
"Chúng tôi tạo mọi điều kiện để người dân và du khách đến Bình Định đón Tết, du xuân. Trải qua một năm làm ăn xa quê vất vả, ai cũng mong muốn về quê đoàn tụ gia đình. Do vậy, các địa phương cần tạo điều kiện để người dân đón Tết ấm áp bên tình thân", ông Long nói.
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, cho biết thêm địa phương không có quy định cách ly hay hạn chế đi lại đối với người đến, về tỉnh đón Tết.
Tuy nhiên, ngành y tế sẽ giám sát người về từ vùng dịch theo đúng chỉ đạo của Nghị quyết 128 của chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt dịch Covid-19 và khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K.
Chiều 21/1, UBND Hà Nội ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022.
Trong đó, thành phố yêu cầu rà soát, thống kê, lập phương án các trường hợp trong độ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng, người từ chối tiêm trên địa bàn; tổ chức các điểm tiêm cố định, lưu động, thực hiện chiến dịch cao điểm tiêm chủng xuyên Tết từ ngày 1/2 đến 28/2 theo lời phát động của Thủ tướng.
Tại chỉ thị mới, UBND Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương trực thuộc không đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Chính phủ, Bộ Y tế, gây khó khăn cho người dân nhất là trong dịp về quê ăn Tết.
Hà Nội sẽ tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trong dịp Tết Nhâm Dần 2022; dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tăng cường giám sát dịch bệnh tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao; tổ chức lực lượng phòng, chống dịch bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.