Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Số ca mắc mới trên cả nước có xu hướng giảm nhẹ

Biểu đồ thể hiện số ca mắc mới trên toàn quốc đang có dấu hiệu đi xuống từ ngưỡng 16.000 còn 14.000 người/ngày. Các địa phương đang nỗ lực cho mục tiêu hạn chế nguy cơ tử vong.

Từ 16h ngày 26/12 đến 16h ngày 27/12, Bộ Y tế thông tin cả nước ghi nhận thêm 14.872 ca mắc Covid-19, trong đó 5 ca nhập cảnh và 14.867 trường hợp tại 59 tỉnh, thành phố.


Biểu đồ thể hiện số ca mắc Covid-19 hàng ngày cho thấy tốc độ lây nhiễm trên cả nước đang có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, số ca mắc Covid-19 tại các tỉnh, thành phố lại có sự chênh lệch lớn cùng chiều hướng trái ngược.

Số ca nhiễm tại Hà Nội tiếp tục tăng nhanh

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 27/12, thành phố phát hiện thêm 1.948 trường hợp nhiễm nCoV. Hà Nội cũng là địa phương ghi nhận số ca mắc mới cao nhất cả nước trong 24 giờ qua. Đây là số người dương tính lớn nhất của Hà Nội từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Trước bối cảnh đó, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập triển khai các giải pháp giảm tử vong cho bệnh nhân Covid-19.

Theo đó, các trường hợp nghi ngờ, ca bệnh xác định nhiễm nCoV cần được phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận và điều trị kịp thời.

tinh hinh dich covid-19 anh 1

Số ca nhiễm nCoV tại Hà Nội. Nguồn: Sở Y tế Hà Nội.

Người bệnh đến khám, chữa bệnh phải được sàng lọc kỹ, đặc biệt lưu ý hỏi về lịch sử tiêm chủng vaccine Covid-19 (100% đối với người bệnh phải nhập viện, ghi nhận tại phiếu khám vào viện).

Các cơ sở khám, chữa bệnh phải sắp xếp luồng di chuyển, khu vực khám, buồng bệnh ưu tiên để bảo vệ nhóm nguy cơ cao gồm: Người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine phòng Covid-19.

Mỗi cơ sở tiếp nhận, điều trị Covid-19 phải sẵn sàng điều trị 2 tầng để xử trí cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 chuyển độ.

Sở Y tế Hà Nội đặc biệt yêu cầu tất cả bệnh viện không được từ chối bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch, đảm bảo F0 được chuyển đến cấp cứu tại cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất. Sau khi sức khỏe của bệnh nhân ổn định, bệnh viện thực hiện khám, phân loại mức độ bệnh và đánh giá nguy cơ để phân luồng đến nơi điều trị phù hợp.

Các cơ sở tiếp nhận, điều trị Covid-19 cũng được yêu cầu cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; Rà soát lại cơ sở hạ tầng, hệ thống oxy (bình, bồn, chai, thiết bị phụ trợ) bảo đảm tồn trữ và cung cấp oxy y tế cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến bệnh viện theo phân tầng điều trị.

Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến nay, 98,93% người dân trên 18 tuổi tại Hà Nội đã được bao phủ 2 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19. Thành phố cũng đã bắt đầu tổ chức tiêm chủng mũi tăng cường vaccine Covid-19 cho người dân trên địa bàn.

Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cập nhật gần nhất cho thấy Hà Nội hiện có 10.260 F0 tự theo dõi tại nhà, 5.005 ở khu cách ly và 4.889 trường hợp nhiễm nCoV phải điều trị tại bệnh viện.

Trong số này, 3.045 người diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng. Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 1.512 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 332 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch, 289 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 10 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 9 người thở máy không xâm lấn và 24 ca thở máy xâm lấn.

Dịch tại TP.HCM “hạ nhiệt”, tập trung tiêm mũi tăng cường

Trong ngày 26/7, TP.HCM chỉ còn xếp ở vị trí thứ 9 trên cả nước với 560 ca nhiễm SARS-CoV-2. Thành phố cũng đã có 8 ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc Covid-19 dưới ngưỡng 1.000 người.

Trung bình mỗi ngày, địa phương này ghi nhận dưới 50 ca tử vong, trong đó có nhiều ca từ các tỉnh, thành phố khác chuyển đến.

Sở Y tế TP.HCM nhận định việc phát hiện kịp thời F0 trong nhóm nguy cơ để can thiệp ngay góp phần giảm nguy cơ tử vong. Các quận, huyện đang tiếp tục triển khai xét nghiệm tầm soát cho tất cả người dân thuộc nhóm nguy cơ và cung cấp ngay thuốc kháng virus cho F0 nhóm này.


Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết từ tháng 9 đến nay, phương án xét nghiệm của thành phố không thay đổi. Việc đánh giá tình hình dịch không phải chỉ dựa trên số ca nhiễm mà còn so sánh số ca nhập viện, chuyển nặng, tử vong.

“Đây là tín hiệu lạc quan nhưng không nên chủ quan. Thành phố vừa thí điểm học trực tiếp trở lại đối với học sinh khoảng 2 tuần, tình hình tương đối ổn định. Thành phố có thể tạm vui mừng nhưng không quá chủ quan và lơ là trước lễ, Tết truyền thống và khi các hoạt động dần mở lại. HCDC khuyến cáo người dân tuân thủ 5K, để kéo dài sự lạc quan này”, ông Tâm nói.

Về tiến độ tiêm mũi 3, Bộ Y tế yêu cầu hết quý I/2022, thành phố hoàn thành tiêm mũi nhắc lại cho người dân 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành vào tháng 1/2022. Đây là một thử thách bởi nhiều điều kiện khách quan và trong bối cảnh thời gian chỉ còn hơn 1 tháng.

Về kế hoạch mở lại karaoke, massage trên địa bàn, UBND thành phố đang khẩn trương theo dõi tình hình dịch bệnh hàng ngày để xem khi nào có thể mở lại dịch vụ này.

TP.HCM là nơi triển khai tiêm vaccine đầu tiên và nhiều nhất cả nước. Đến nay, thành phố đã tiêm hơn 15 triệu mũi vaccine Covid-19, trong đó gần 8 triệu mũi một, gần 7 triệu mũi hai và hơn 140.000 mũi ba. Tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm đủ liều 2 mũi vaccine của thành phố cũng đã đạt 98,74%.

Số ca mắc tại nhiều địa phương vẫn cao

Hải Phòng ghi nhận tới 931 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày 27/12 và vươn lên vị trí thứ 3 cả nước (xếp sau Hà Nội và Tây Ninh). So với ngày trước đó, địa phương này tăng tới 664 trường hợp dương tính.

Để chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhập của biến chủng Omicron và kiểm soát dịch Covid-19, UBND thành phố đã yêu cầu các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý về nhu cầu nhập cảnh cho chuyên gia, người lao động thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế.

tinh hinh dich covid-19 anh 2

Lực lượng y tế Hải Phòng đến lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho F1 cách ly tại nhà. Ảnh: Nguyễn Dương.

Ngoài ra, một số cơ quan chức năng có thẩm quyền phải xác minh đối tượng chuyên gia, người lao động nhập cảnh; tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.

UBND thành phố cũng giao Sở Y tế Hải Phòng hướng dẫn UBND các quận, huyện giám sát chặt chẽ người nhập cảnh tại nơi cư trú và chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm cho người nhập cảnh tại nơi cư trú theo quy định.

Hải Phòng là một trong những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao của cả nước. Ngoài ra, thành phố cũng đã triển khai tiêm mũi tăng cường cho người dân trên địa bàn.

Tỉnh Tây Ninh trong ngày 27/12 ghi nhận 943 ca nhiễm nCoV và xếp thứ 2 cả nước. Số ca mắc hàng ngày tại địa phương này duy trì ở ngưỡng 900-1.000 trường hợp trong nhiều ngày qua và chưa có xu hướng giảm. Tây Ninh cũng liên tục nằm trong nhóm có số ca mắc nhiều nhất toàn quốc trong khoảng một tháng qua.

Đến nay, Tây Ninh đã đạt tỷ lệ người dân trên 18 tuổi được tiêm một mũi vaccine Covid-19 lên tới 97,4%. Tỷ lệ này của tỉnh với mũi 2 cũng đạt 90,56%.

10 địa phương có số lượng F0 cao nhất trong 7 ngày qua
Nguồn: Bộ Y tế
Nhãn Hà Nội Cà Mau Tây Ninh Vĩnh Long Khánh Hòa Đồng Tháp Cần Thơ TP.HCM Bạc Liêu Trà Vinh
Trung bình số F0 trong 7 ngày ca 1814 1019 939 832 789 773 751 750 582 539

Trước tình hình dịch phức tạp, UBND tỉnh kêu gọi người dân và toàn xã hội không chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm thông điệp 5K và tích cực tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; tăng cường khai báo y tế điện tử, quét mã QR tại các địa điểm.

Tương tự Tây Ninh, từ đầu tháng 11 đến nay, Vĩnh Long liên tiếp ghi nhận hàng trăm ca nhiễm nCoV trong ngày. Từ ngày 26/11, tỉnh luôn duy trì ở mức 500-800 ca nhiễm/ngày. Trung bình 14 ngày qua, Vĩnh Long phát hiện khoảng 600-700 ca mắc mới.

Địa phương này cũng đã hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19 cho người trên 18 tuổi. Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt Kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 năm 2021-2022 cho 95% dân số từ 18 tuổi trở lên của tỉnh Vĩnh Long.

Theo đó, mục tiêu chung của kế hoạch là phòng, chống dịch chủ động bằng việc tiêm nhắc mũi 3 vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng, đảm bảo 95% dân số từ 18 tuổi trở lên cư trú tại địa bàn tỉnh Vĩnh Long đều được tiêm nhắc mũi 3 cuối năm 2021 và năm 2022 hoàn toàn miễn phí.

Tỷ lệ bao phủ vaccine của Việt Nam ở mức cao

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định tỷ lệ bao phủ ít nhất một mũi vaccine và đủ liều cơ bản của Việt Nam đã vượt mức mục tiêu mà Tổ chức Y tế Thế giới đề ra đến hết năm 2021, 40% dân số của mỗi quốc gia được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Với tiến độ tiêm chủng hiện nay, đến hết tháng 12, toàn quốc sẽ đảm bảo bao phủ mũi một cho dân số từ 18 tuổi trở lên và cơ bản bao phủ mũi 2 (khoảng 90%). Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ bao phủ cơ bản đủ liều cho trẻ em từ 12 tuổi theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, để tăng cường miễn dịch phòng bệnh Covid-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, căn cứ khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và kinh nghiệm sử dụng vaccine của các quốc gia khác, Bộ Y tế đã hướng dẫn việc triển khai tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên và các tỉnh, thành phố đã bắt đầu triển khai thực hiện.

Đến nay, tốc độ tiêm chủng, tỷ lệ bao phủ vaccine của Việt Nam đã đạt mức độ cao trong khu vực và trên thế giới. Nhờ đó, Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để thành công trong công tác ngoại giao vaccine và tiếp cận được nhiều hơn so với số đã được cam kết từ đầu năm 2021. Đây là kết quả rất quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân và góp phần tạo điều kiện thuận lợi để từng bước đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.


Trước những diễn biến còn phức tạp của dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam; tăng cường biện pháp giám sát, truy vết, điều tra, xử lý ổ dịch. Người dân tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Nhóm nguy cơ cao cần được quản lý chặt chẽ; tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả người thuộc nhóm nguy cơ cao; tổ chức tiêm vét vaccine, thực hiện tiêm lưu động ngay tại nhà, bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ; tổ chức chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ cao theo dõi sức khỏe, xử trí và điều trị ngay khi phát hiện mắc bệnh.

Đại diện Bộ Y tế cũng yêu cầu khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể, thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 lưu động ngay tại nhà, không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; đến ngày 31/12 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người 12-18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh toàn bộ người dân đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cần đi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng.

Thêm 14.867 ca mắc Covid-19, Hà Nội có 1.948 và TP.HCM 560 F0

Hà Nội dẫn đầu với hơn 1.900 ca mắc mới. Xếp sau lần lượt là Tây Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Long.

Bạn có thể quan tâm