Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch tay chân miệng

Số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng tại TP.HCM giảm

Theo HCDC, số ca bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng giảm lần lượt là 11,9%, 28% so với trung bình 4 tuần trước.

Ngày 14/9, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông tin tính đến tuần 37 (từ 5/9 đến 11/9), địa phương ghi nhận 54.026 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 536,7% với cùng kỳ năm 2021 (8.485 ca). Trong đó, số ca sốt xuất huyết nặng là 1.128 ca. Tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến tuần 37 là 2,09% (1.128/54.026), cao gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 0,58% (49/8.485).

Trong tuần 37, thành phố ghi nhận 2.579 ca bệnh sốt xuất huyết, giảm 11,9% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca nội trú cũng giảm 21,8% và ngoại trú giảm 1,2%, không ghi nhận trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, HCDC cho biết sau khi điều tra xác minh, tuần 36 báo cáo bổ sung một ca tử vong do sốt xuất huyết tại Củ Chi. Như vậy, tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến tuần 37 là 19 trường hợp, tăng 15 ca so với cùng kỳ năm trước (4 ca).

mac sot xuat huyet anh 1

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết ở TP.HCM. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Trong tuần 37, hầu hết quận, huyện đều có số mắc giảm so với số mắc trung bình 4 tuần trước.

Về tình hình dịch tay chân miệng, đến nay, thành phố ghi nhận 13.720 trường hợp mắc bệnh. Trong tuần 37, thành phố ghi nhận thêm 311 ca bệnh tay chân miệng, giảm 28% so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó, số ca bệnh giảm ở cả các trường hợp khám ngoại trú và nhập viện điều trị nội trú.

Theo HCDC, trong tuần 37, thành phố ghi nhận 156 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 88 phường, xã thuộc 21/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức; tăng 53 ổ dịch mới so với tuần 36.

Tổng số ổ dịch được xử lý phun hóa chất trong tuần là 268 và không có phường, xã nào xử lý ổ dịch diện rộng. Tuần này, thành phố cũng không ghi nhận ổ dịch tay chân miệng mới. Số ổ dịch tích lũy đến tuần 37 là 66.

Những bệnh mạn tính làm tăng nguy cơ mắc cúm mùa

Những người mắc hen suyễn, tim mạch, đái tháo đường... có nguy cơ cao trong việc gặp phải biến chứng nghiêm trọng của cúm mùa.

Dịch tay chân miệng

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm