Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Số ca sởi tăng, nguy cơ lây chéo

Dịch sởi đang có dấu hiệu bùng phát trở lại với số ca mắc gia tăng nhanh tại nhiều địa phương. Đặc biệt, nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca nhập viện do mắc sởi bắt đầu tăng từ cuối năm ngoái và tiếp tục tăng trong năm nay. Nếu như cả năm 2024, bệnh viện tiếp nhận 796 ca mắc sởi, thì chỉ trong gần ba tháng đầu năm 2025, con số này đã lên tới 1.367, trong đó 10 ca không qua khỏi (1%). Đáng chú ý, tỷ lệ trẻ mắc sởi khi chưa được tiêm chủng chiếm phần lớn.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Bệnh viện Nhi Hà Nội. TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội, cho biết có tới 70% ca mắc sởi tại đây phải nhập viện điều trị.

Đáng lo ngại, sởi có khả năng lây lan rất mạnh, với nguy cơ lây nhiễm lên đến 90% đối với những người chưa có miễn dịch nếu tiếp xúc gần với người bệnh trong không gian kín chỉ trong vòng 15 phút.

benh soi anh 1

Một bệnh nhi sởi đang được điều trị ở Bệnh viện Nhi Hà Nội.

Hai tuần qua, Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận hơn 100 ca mắc sởi, hầu hết phát hiện khi đã xuất hiện ban đỏ và có biến chứng viêm phổi. Đáng chú ý, không chỉ trẻ em mà người lớn cũng đang mắc sởi.

BS Lê Thu Thủy, khoa Bệnh nghề nghiệp, cho biết chỉ trong tháng này, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 10 ca mắc sởi là người lớn, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận trường hợp nào. Khoa Nhi của bệnh viện từ đầu năm đến nay cũng đã điều trị 135 trẻ mắc sởi, với hơn 20 trẻ đang điều trị nội trú.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, số ca mắc sởi diễn biến nặng gia tăng. Bé N.T.Q. (5 tháng tuổi, Bắc Giang) bị sởi biến chứng viêm phổi, suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), nguy cơ đe dọa tính mạng cao. BS Lê Thị Thu Hiền, Khoa Nhi, nhận định đây là minh chứng rõ ràng về mức độ nguy hiểm khi trẻ mắc sởi khi chưa được tiêm phòng.

Từ đầu năm 2025 đến nay, số ca mắc sởi ở Hà Nội gia tăng đáng kể, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch. Trong tuần từ 14-21/3, Thủ đô ghi nhận 182 ca mắc mới, nâng tổng số ca tích lũy lên 1.058 tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết điều đáng lo ngại là 87% trẻ mắc bệnh chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Nhằm tăng tỉ lệ bao phủ vaccine, cuối năm 2024, Hà Nội tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ 1-5 tuổi, đạt 96,6%. Tiếp đó, chiến dịch tiêm cho trẻ 6-9 tháng tuổi cũng được triển khai, đạt 86% (gần 18.000 trẻ). Sở Y tế đã thành lập 4 đoàn kiểm tra, giám sát các điểm tiêm, phấn đấu đạt trên 95% trẻ trong độ tuổi được tiêm đến hết 31/3.

Tuy nhiên, một ca không qua khỏi đã được ghi nhận tại Hà Nội. Theo ông Bùi Văn Hào, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, bé gái 4 tuổi này chưa được tiêm vaccine, dù trước đó đã được mời tiêm bổ sung nhưng gia đình không đồng ý.

Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) Hoàng Minh Đức nhận định số ca mắc sởi sẽ còn tăng. Phần lớn bệnh nhân là trẻ 9 tháng đến dưới 15 tuổi (chiếm 72,7%) và hơn 95% trong số đó không được tiêm vaccine.

Trước nguy cơ dịch sởi lây lan nhanh trong bệnh viện, TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân luồng, cách ly bệnh nhân ngay từ khi đăng ký khám.

Bệnh viện cần tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, bố trí khu khám riêng cho bệnh nhân sởi nhằm giảm nguy cơ lây lan chéo, tránh lặp lại bi kịch dịch sởi 2014 khi có tới 100 trẻ không qua khỏi do lây chéo tại bệnh viện. Ông cảnh báo các cơ sở y tế cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phân luồng, thu dung, điều trị và cách ly bệnh nhân.

Bệnh sởi có tốc độ lây lan nhanh hơn cả Covid-19, do virus có thể tồn tại trong không khí hoặc trên bề mặt đến hai giờ sau khi người bệnh rời đi. Trung bình, một người mắc sởi có thể lây nhiễm cho 12-18 người khác.

Do đó, nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện là rất cao nếu không có biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt. Bệnh viện Nhi Trung ương đã triển khai kế hoạch ứng phó chi tiết, bao gồm sàng lọc, phân luồng, thu dung và bố trí khu vực cách li riêng cho bệnh nhân sởi.

Tuy nhiên, theo TS Cao Việt Tùng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, việc kiểm soát lây nhiễm chéo vẫn gặp nhiều thách thức do bệnh viện quá tải, số lượng phòng cách li hạn chế, trong khi bệnh nhân có triệu chứng không điển hình, dễ bị bỏ sót. Mặc dù bệnh viện có hơn 2.000 giường nội trú nhưng vẫn hạn chế do số lượng bệnh nhân nội trú đông, đặc biệt là phòng cách li tiêu chuẩn của đơn vị có hạn.

Cùng đó, tác nhân bệnh truyền nhiễm đa dạng, thời gian cách li phức tạp. Bệnh nhân nội trú thường nặng, nhiều bệnh lí nền, nguy cơ mắc sởi cao nếu gặp nguồn nhiễm.

“Việc phân luồng khó do bệnh nhân đông từ phòng khám đến đơn vị điều trị. Trong khi đó, biểu hiện lâm sàng sởi hiện nay không điển hình, khó nhận định, khó kiểm soát giao lưu giữa người bệnh và gia đình người bệnh.

Bên cạnh đó, còn chưa đồng bộ về quan điểm cũng như cách thức tiến hành quản lí ca bệnh và quản lí ca phơi nhiễm sởi giữa các bệnh viện”, TS Tùng nói.

Cuốn sách Đứa trẻ khỏe mạnh về cảm xúc mang tới cái nhìn toàn diện hơn về vai trò của việc giáo dục trong quá trình định hình tính cách của con trẻ. Trong hành trình nuôi dưỡng một đứa trẻ việc xây dựng một thế giới tinh thần phong phú, quan trọng không kém gì quá trình phát triển về thể chất.

Gánh hậu quả vì liều lĩnh đắp kiến ba khoang chữa ngứa

Người nhà nam thanh niên nghe họ hàng mách bảo đã bắt kiến ba khoang, chế thành bài thuốc dạng dịch lỏng rồi đắp lên người bệnh nhân để chữa ngứa. 

https://tienphong.vn/so-ca-soi-tang-nguy-co-lay-cheo-post1727839.tpo

Hà Minh/ Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm