Phụ huynh lo ngại con dùng điện thoại di động nhưng không phục vụ cho việc học. Ảnh minh họa: Freepik. |
“Tôi ủng hộ các nhà trường cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp. Các cháu mang theo điện thoại đến lớp, dùng cho việc học thì ít mà phục vụ nhu cầu cá nhân như nhắn tin, lướt mạng, chơi game thì nhiều".
Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thu, phụ huynh tại Hà Nội, khi được hỏi về việc học sinh sử dụng điện thoại trong trường học.
Không riêng chị Thu, nhiều phụ huynh bày tỏ ủng hộ với quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường, kể cả giờ ra chơi. Họ cho rằng các em đang ở độ tuổi chưa ý thức được những cám dỗ khi dùng điện thoại, nên không cho sử dụng là biện pháp bảo vệ trẻ tốt nhất.
Muốn tịch thu điện thoại nhưng sợ con nổi loạn
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, chị Thu không phủ nhận lợi ích khi học sinh sử dụng điện thoại di động, nhất là trong việc học tập. Bên cạnh đó, hiện tại, nhiều giáo viên cũng theo thói quen giao bài tập hoặc trao đổi các vấn đề trên các nhóm chat mạng xã hội, buộc học trò phải sử dụng thiết bị.
Tuy nhiên, chị cũng lo lắng thay vì dùng vào mục đích học tập, học sinh lại lên mạng xem những kênh không phù hợp, "chat chit" linh tinh hoặc chơi game bạo lực. Nếu mang đi học, trẻ lại dán mắt vào điện thoại, không vận động, không giao tiếp thực tế, giảm sự tập trung của trẻ, ảnh hưởng tới học hành. Không chỉ học sinh THPT mà ngay cả bậc THCS, tình trạng này cũng xuất hiện.
Chị Thu cũng nhớ lại năm ngoái, giáo viên chủ nhiệm lớp con chị lập một nhóm chat riêng với học sinh để thuận tiện trao đổi việc học và công việc của lớp. Thế nhưng cuối cùng, các con lại cãi nhau ầm ĩ, xích mích từ nhóm chat ra đời thực, dù mới học lớp 6.
“Quá nhiều vấn đề tiêu cực từ chiếc điện thoại, vì vậy, tôi nghĩ việc cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học là điều cần thiết. Năm nay, tôi cũng sắm cho con điện thoại để tiện liên lạc, nhưng chỉ mua loại ‘cục gạch’. Tôi cũng mừng vì thầy cô thu điện thoại của các con vào đầu giờ và chỉ trả lại khi tan học", chị Thu chia sẻ.
Chị Hà Anh từng muốn tịch thu điện thoại của con vì sợ con "nghiện". Ảnh minh họa: Shutterstock. |
Tương tự, chị Hà Anh (phụ huynh tại Hà Nội) cũng mong các trường ở Hà Nội áp dụng rộng rãi quy định cấm học sinh dùng điện thoại khi đi học.
Vị phụ huynh cho biết con trai chị đang học tại một trường THCS công lập. Từ khi con lên cấp 2, chị sắm điện thoại thông minh để con sử dụng vì bạn bè ở lớp đều có, nếu con không có lại sợ con tủi thân.
Chị Hà Anh thừa nhận điện thoại di động có nhiều lợi ích như tiện liên lạc, nhắn tin với con, cho phép con tra cứu bài vở trên mạng. Trong thời gian Covid-19 những năm trước, điện thoại di động cũng làm bạn với con trai chị Hà Anh trong việc học online.
Thế nhưng, thiết bị thông minh này cũng gây ra những mặt trái như khiến thị lực của con bị kém đi, con mải mê xem YouTube, TikTok nên đôi khi ham chơi hơn ham học. Nhiều lần, chị Hà Anh cũng tính chuyện tịch thu điện thoại của con, nhưng sợ con trẻ ở tuổi “ẩm ương” lại gây phản tác dụng.
Do đó, người mẹ rất mong các trường học có thể thắt chặt quy định về việc sử dụng điện thoại như một cách để rèn thói quen tốt cho rẻ. Chị cũng mong nhà trường sẽ có những biện pháp nâng cao nhận thức về việc dùng đồ điện tử để trẻ bớt “nghiện” và phụ thuộc vào đó.
“Tôi thấy nhiều khi bụt chùa nhà không thiêng, bố mẹ ở nhà nói con không nghe nhưng thầy cô ở trường lại nghe răm rắp. Nên tôi cũng mong nhà trường có thêm những biện pháp để giúp các con giảm thói quen dùng điện thoại di động”, chị Hà Anh đề xuất.
Cấm nhưng cũng cần khéo léo
Nói thêm về việc cấm trẻ dùng điện thoại ở trường, chị Hà Anh cho rằng các trường cũng cần áp dụng quy định một cách khéo léo vì không phải tất cả học sinh, phụ huynh đều ủng hộ điều này.
Người mẹ thấy rằng trong cuộc sống hiện đại, khi điện thoại thông minh trở thành “vật bất ly thân”, mọi người sẽ rất khó để bắt đầu một thói quen mới mà không có điện thoại.
“Bây giờ chúng ta bắt người lớn cai nghiện điện thoại còn khó chứ đừng nói đến trẻ con. Nên tôi nghĩ rằng các trường cứ làm từng bước thôi, đừng cấm đột ngột quá”, chị Hà Anh nói.
Theo đó, người mẹ đề xuất các trường không nên cấm điện thoại tuyệt đối ngay từ đầu, mà nên đi từ những bước nhỏ như cấm trẻ dùng điện thoại trong lớp, giống như cách nhiều trường hiện nay vẫn làm. Khi trẻ dần quen với việc không dùng điện thoại lúc học, trường có thể tiếp tục cấm các con dùng trong giờ ra chơi và sau đó là cấm hoàn toàn việc trẻ mở điện thoại khi ở trường.
Ngoài ra, vị phụ huynh nhấn mạnh một điều rằng không riêng học sinh, giáo viên và cha mẹ cũng cần tuân thủ để làm gương cho trẻ.
“Nếu nhà trường có thể áp dụng quy định một cách đồng bộ và tuần tự, tôi cũng sẽ hạn chế cho con chơi điện thoại ở nhà. Gia đình và nhà trường phải cùng phối hợp thì mới cai điện thoại cho con hiệu quả được”, người mẹ nói.
Chiếc điện thoại "cục gạch" chị Thu mua cho con để hạn chế nghiện màn hình. Ảnh: NVCC. |
Đồng tình với quan điểm trên, chị Nguyễn Thu cũng cho rằng việc cấm học sinh sử dụng điện thoại yêu cầu sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, không thể phó mặc hoàn toàn cho giáo viên.
Theo chị, các nhà trường và gia đình nên cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại di động ngay từ bậc THCS bởi ở độ tuổi “ẩm ương", các con chưa ý thức được cám dỗ xuất phát từ chiếc điện thoại. Để phục vụ việc học tập, các con có thể đổi sang máy tính.
Còn ở bậc THPT, độ tuổi lớn hơn, có thể tự quản lý bản thân, chị Thu nói rằng nên cấm sử dụng trong giờ học, không nhất thiết phải cấm hoàn toàn cả giờ giải lao. Điều này xuất phát bởi các con đang sống trong thời đại công nghệ. Học sinh có thể sử dụng điện thoại di động nhưng cần sử dụng đúng mục đích và được sự cho phép của thầy cô nếu trong giờ học.
“Còn ngoài giờ học, nhà trường, gia đình nên khuyến khích các con tự giác. Nếu cấm, tôi nghĩ cần có hoạt động hấp dẫn hơn để các con giải trí, như đọc sách, truyện, chơi thể thao…”, chị Thu nói.
Theo chị, chính các giáo viên cũng cần thay đổi thói quen, làm gương cho học trò. Nếu để trao đổi thông tin, liên lạc, giáo viên có thể thông qua phụ huynh, hoặc trao đổi trực tiếp tại lớp. Chính điều này cũng tăng kết nối, tương tác giữa giáo viên với học sinh, gia đình.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.