Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Số F0 tăng cao, Việt Nam chủ động phòng dịch trước Tết Nguyên đán

Trước thềm năm mới, Bộ Y tế đã có đề xuất dừng hoạt động đông người không cần thiết để phòng dịch. Hà Nội cũng dự kiến chỉ bắn pháo hoa tại một điểm.

Ngày 18/12, Bộ Y tế thông tin Việt Nam ghi nhận thêm 15.883 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, tăng 668 ca so với ngày trước đó. Xu hướng gia tăng người mắc Covid-19 tiếp tục được ghi nhận tại Việt Nam.


Trong thời gian tới, khi dịp Giáng sinh, Tết dương lịch và đặc biệt là Tết Nguyên đán diễn ra, khối lượng biến động dân cư lớn cùng việc tập trung đông người đang mang đến nhiều lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch.

Hơn 1.000 ca mắc mới mỗi ngày tại 2 thành phố lớn

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 18/12, thành phố ghi nhận 1.412 trường hợp nhiễm nCoV. Sau một ngày lập kỷ lục mới, số ca nhiễm nCoV tại Hà Nội đã giảm nhẹ. Tuy nhiên, số lượng này vẫn ở ngưỡng cao. Đáng nói hơn, thành phố đã trải qua 4 ngày liên tiếp có số ca nhiễm mới trên mức 1.300 người.

Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến nay, 92,25% người dân trên 18 tuổi tại Hà Nội đã được bao phủ 2 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19.

Về công tác điều trị, 13.843 bệnh nhân Covid-19 tại Hà Nội đã khỏi. 11.719 F0 đang được điều trị, trong đó, 8.944 ca tại bệnh viện, cơ sở y tế; 2.775 người đang cách ly, điều trị tại nhà.

phong dich covid-19 truoc tet nguyen dan anh 1

Số ca nhiễm nCoV tại Hà Nội liên tục tăng cao. Nguồn: Sở Y tế Hà Nội.

Cập nhật mức độ dịch mới nhất cho thấy Hà Nội vẫn đang ở cấp 2 (màu vàng - nguy cơ). 8 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 1 là Ba Vì, Long Biên, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất và Ứng Hòa. 21 quận, huyện ở cấp độ 2 và duy nhất quận Đống Đa ở cấp độ 3 (177 ca cộng đồng/100.000 dân/tuần).

Trong bối cảnh đó, mới đây, Hà Nội đã đặt mục tiêu đảm bảo tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 cho toàn bộ người dân trên địa bàn; Điều chỉnh giải pháp thích ứng linh hoạt với diễn biến của dịch, công tác an sinh, xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

UBND Hà Nội cũng vừa yêu cầu tăng cường quản lý, giám sát trường hợp nhập cảnh từ quốc gia đã ghi nhận biến chủng Omicron; kiểm tra công tác phòng, chống dịch khu vực có nguy cơ cao như bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe…

Đáng chú ý, các địa phương được yêu cầu triển khai tối đa việc quản lý, điều trị F0 diễn biến nhẹ và không triệu chứng tại nhà khi đủ điều kiện; sẵn sàng kích hoạt cơ sở tiếp nhận điều trị F0; chỉ đạo điều tiết, hỗ trợ lực lượng, trang thiết bị giữa xã, phường, thị trấn.

Tất cả quận, huyện trên địa bàn cũng phải đảm bảo việc cấp phát thuốc theo phác đồ điều trị và hướng dẫn đầy đủ quy trình cách ly, điều trị, xét nghiệm đối với người bệnh trong 24 giờ đầu tiên khi phát hiện ca nhiễm.

TP.HCM trong vòng 24 giờ qua cũng ghi nhận 1.019 ca mắc Covid-19 mới. Dẫu vậy, theo báo cáo của Sở Y tế thành phố, số ca mắc mới trong tuần này của TP.HCM đã giảm so với tuần trước đó, từ 8.686 ca xuống 7.527 ca. Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần hiện là 90,1.

Ngày 18/12, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký công văn khẩn thông báo cấp độ dịch tại TP.HCM. Theo đó, TP.HCM vẫn duy trì cấp độ dịch 2 với 10 quận, huyện cấp độ 1; 11 địa phương cấp độ 2; và chỉ có quận 10 ở cấp độ 3.

Như vậy, so với tuần trước, quận 10 là địa phương duy nhất tăng cấp độ dịch từ 2 lên 3. Ba địa phương giảm cấp độ dịch là quận 3, huyện Cần Giờ (từ cấp 2 xuống cấp 1), quận 4 (từ cấp 3 xuống cấp 2).

phong dich covid-19 truoc tet nguyen dan anh 2

Cụ bà 70 tuổi được tiêm vaccine phòng Covid-19 ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức). Ảnh: Duy Hiệu.

Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, TP.HCM đã bao phủ được 2 mũi vaccine cho 95,3% người trên trên 18 tuổi. Thành phố cũng là địa phương duy nhất trên cả nước đã tiêm vaccine mũi 3 cho người dân.

Tuy nhiên, tính đến 18/12, sau 10 ngày “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, Sở Y tế TP.HCM phát hiện 14.816 người thuộc nhóm nguy cơ nhưng chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 (chiếm tỷ lệ 4%).

"Trung tâm y tế đang khẩn trương thuyết phục và triển khai tiêm ngay cho những người thuộc nhóm nguy cơ nhưng chưa tiêm vaccine. Nếu người thuộc nhóm nguy cơ gặp khó khăn trong đi lại, các quận, huyện sẽ triển khai đội tiêm tại nhà", thông báo của Sở Y tế TP.HCM nêu.

Cà Mau dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới, Tây Ninh, Bến Tre chưa “giảm nhiệt”

Ngày 18/12 ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng vọt tại Cà Mau với 1.244 (tăng 270 trường hợp so với ngày trước đó), qua đó đưa địa phương này vượt qua TP.HCM để dẫn đầu cả nước.

Trung bình trong tuần qua, số ca mắc mới tại Cà Mau cũng ở ngưỡng 1.043 trường hợp/ngày, xếp thứ 3 trên toàn quốc. Đây cũng là ngày thứ 6 liên tiếp tỉnh ghi nhận trên 1.000 ca mắc Covid-19.

Số ca mắc Covid-19 tại Cà Mau trong 7 ngày qua
Nguồn: Bộ Y tế
Nhãn 12/12 13/12 14/12 15/12 16/12 17/12 18/12
Số ca mắc Covid-19 ca 675 793 1011 1072 1339 1071 1341

Trước tình hình đó, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân đã cùng đoàn công tác tới kiểm tra thực tế tại Bệnh viện dã chiến số 8 và khảo sát lò đốt rác ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị sở y tế cùng đội ngũ chuyên trách tại bệnh viện nhanh chóng đề xuất để được hỗ trợ, đảm bảo cho công tác điều trị bệnh nhân nếu trong quá trình hoạt động có vấn đề khó khăn. Đồng thời, ông yêu cầu sở xây dựng làm đầu mối, chủ trì phối hợp cùng các đơn vị có liên quan rà soát các điều kiện cần thiết cho bệnh viện nhằm đáp ứng yêu cầu cách ly điều trị, nhất là đối với vấn đề xử lý rác thải, vệ sinh môi trường.

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh cũng có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành cùng UBND các huyện, thành phố Cà Mau tăng cường thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Theo dự báo, trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh sẽ còn phức tạp hơn. Trong khi đó, biến chủng Omicron đã xuất hiện và lây lan nhanh tại nhiều quốc gia, châu lục. Từ đây, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành, đơn vị có liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân.

Sở Y tế được yêu cầu phối hợp với các đơn vị thường xuyên cập nhật cấp độ dịch, bám sát tình hình dịch tại địa phương. Mặt khác, các huyện, thành phố trong tỉnh phải khẩn trương tổng rà soát đối tượng tiêm vaccine trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ tiêm đủ liều cho 100% người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trước 31/12 và người từ 12 tuổi đến 18 tuổi trước 30/1/2022.

Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, tỷ lệ tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 cho người trên 18 tuổi của Cà Mau cũng đã đạt 101,17% (bao gồm cả các trường hợp chuyển tới từ địa phương khác).

Tại Tây Ninh, 941 ca mắc Covid-19 đã được phát hiện trong vòng 24 giờ qua, đứng thứ 4 cả nước. Hầu hết bệnh nhân Covid-19 được công bố tại địa phương này cũng được phát hiện xét nghiệm sàng lọc. Điều này cho thấy ca bệnh trong cộng đồng tại Tây Ninh vẫn còn ở mức khá cao. Trong khoảng từ tháng 12 đến nay, Tây Ninh luôn trong nằm nhóm 5 tỉnh, thành phố có ca F0 cao nhất cả nước.

Số ca mắc Covid-19 tại Tây Ninh trong 7 ngày qua
Nguồn: Bộ Y tế
Nhãn 12/12 13/12 14/12 15/12 16/12 17/12 18/12
Số ca mắc Covid-19 ca 920 919 931 922 19724 940 941

Đến nay, Tây Ninh cũng đã đạt tỷ lệ người dân trên 18 tuổi được tiêm một mũi vaccine Covid-19 lên tới 97,05%. Tỷ lệ này của tỉnh với mũi 2 cũng đạt 89,39%.

Trước tình hình dịch phức tạp, UBND tỉnh kêu gọi người dân và toàn xã hội không chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm thông điệp “5K” và tích cực tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; tăng cường khai báo y tế điện tử, quét mã QR tại các địa điểm.

Bến Tre sau một ngày ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất (17/12) đã nằm trong nhóm địa phương ghi nhận lượng giảm người nhiễm nCoV nhiều nhất với 826 trường hợp (giảm 420 người so với ngày 17/12).

Số ca mắc Covid-19 tại Bến Tre trong 7 ngày qua
Nguồn: Bộ Y tế
Nhãn12/1213/1214/1215/1216/1217/1218/12
Số ca mắc Covid-19 ca 72286757310357601246826

Ngành y tế của tỉnh cũng nhận định hiện số ca cộng đồng và tử vong trên địa bàn tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương.

Thống kê của Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 (Bộ Y tế) cho thấy đến nay, Bến Tre đã tổ chức tiêm mũi 2 vaccine cho 93,59% người dân trên 18 tuổi.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam mới đây cũng nhấn mạnh địa phương này đang tích cực thực hiện công tác tiếp nhận, điều trị để hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.

Tăng cường phòng, chống dịch trước dịp lễ, tết sắp tới

Bộ Y tế mới đây đã có công văn khẩn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo những nội dung về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.

Theo đó, Bộ Y tế nêu rõ hiện nay nhiều địa phương vẫn ghi nhận số mắc Covid-19 hàng ngày trong cộng đồng, đặc biệt tại các địa tỉnh, thành phố có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.

Ngoài ra, biến chủng Omicron đang lan truyền nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch.

Việc sinh hoạt, đi lại, giao thương của người dân trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán phải tuyệt đối tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K.

phong dich covid-19 truoc tet nguyen dan anh 3

Nhiều người trẻ chuẩn bị tinh thần tiếp tục xa gia đình trong các dịp nghỉ lễ sắp tới. Ảnh: Thạch Thảo.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng vừa ký ban hành công điện chỉ đạo tăng cường biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 dịp cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố được yêu cầu thường xuyên đánh giá cấp độ dịch, hạn chế đến mức thấp nhất hoạt động tập trung đông người; kịp thời điều chỉnh biện pháp hành chính phù hợp, xem xét dừng hoạt động tập trung đông người không cần thiết, hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại địa phương theo diễn biến dịch và chỉ đạo của Trung ương, thành phố.

Căn cứ cấp độ dịch trên địa bàn, các quận, huyện cũng phải khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo hạn chế hoạt động tập trung đông người dịp cuối năm, Giáng sinh, Tết, đám tang, đám cưới; hướng dẫn tổ chức lễ Giáng sinh bằng hình thức trực tuyến.

Ngoài ra, theo kế hoạch tổ chức Tết Nhâm Dần 2022 vừa được ban hành, UBND Hà Nội giao Bộ Tư lệnh thủ đô phối hợp các đơn vị, tham mưu phương án tổ chức điểm bắn pháo hoa duy nhất tại Công viên Thống nhất. Trong quá trình bắn pháo hoa, Hà Nội sẽ tổ chức truyền hình trực tiếp để phục vụ nhân dân trên toàn thành phố.

Việc bắn pháo hoa tại một thay vì 30 điểm tại tất cả quận, huyện trên địa bàn như những năm trước để đảm bảo an toàn, tiết kiệm và phù hợp với công tác phòng, chống dịch của thành phố. Đây là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa tại một điểm nhằm hạn chế tụ tập đông người gây mất an toàn khi dịch bệnh vẫn phức tạp.


Xem xét dừng hoạt động đông người dịp Tết

Các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại địa phương có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán đang được xem xét dừng.

Thêm 15.883 người mắc Covid-19, Hà Nội có 1.244 ca

Hà Nội xếp thứ hai trong số các tỉnh, thành có số ca mắc mới cao bên cạnh Cà Mau (1.341) TP.HCM (1.019), Tây Ninh (941), Bến Tre (826).

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm