Sau hai ngày chấm thẩm định, Bộ GD&ĐT kết luận điểm thi ở Hòa Bình hoàn toàn trùng khớp với mức công bố ngày 11/7.
Làm việc với Zing.vn, ông Nguyễn Đức Lương - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình - thông tin rõ hơn về kết quả này cũng như một số nghi vấn còn tồn tại sau kết luận của bộ.
Biên bản sơ sài chỉ chiếm số lượng nhỏ
- Ngay sau khi có thông tin phản ánh điểm thi cao bất thường, cũng như Hà Giang, Sơn La, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hòa Bình tuyên bố kỳ thi tại tỉnh diễn ra nghiêm túc. Cơ sở nào khiến Hòa Bình tự tin như vậy, thưa ông?
- Không phải năm nay Hòa Bình mới có thí sinh điểm cao. Tôi rất tự tin Hòa Bình cũng có học sinh giỏi, những em đó thi điểm cao là chuyện bình thường.
Đương nhiên, dư luận phản ánh thí sinh đạt điểm cao bất thường, chúng tôi phải kiểm tra lại nhiều khâu, từ công tác ôn tập đến tổ chức coi thi, chấm thi, quy trình tổ chức, lãnh đạo chỉ đạo như thế, anh em thực thi ra sao.
Ông Lương tự tin khẳng định Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hòa Bình tổ chức thi nghiêm túc, đúng quy chế. Ảnh: Quang Anh. |
Khi bộ chưa có ý kiến về chấm thẩm định, Sở GD&ĐT Hòa Bình đã rà soát các khâu, bước. Đặc biệt, trong quá trình tổ chức, bộ đã lên kiểm tra khâu ôn tập, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự và khẳng định Hòa Bình thực hiện chu đáo.
Trong quá trình coi thi, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, dẫn đoàn lên kiểm tra những khâu liên quan, phân công phân nhiệm, kế hoạch thực hiện của ban chỉ đạo.
Ở khâu chấm thi, ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT - PV) lên kiểm tra hồ sơ, báo cáo, đi thực tế tại các tổ chấm tự luận và trắc nghiệm. Qua 3 đợt kiểm tra như thế, sở tự tin khẳng định kỳ thi nghiêm túc.
Nhưng không vì thế mà chủ quan, chúng tôi vẫn kiểm tra, xem xét. Thấy các nội dung đều đảm bảo đúng quy chế, sở mới yên tâm.
- Quá trình chấm thẩm định tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hòa Bình diễn ra như thế nào?
- Sau khi báo chí đưa tin, sở GD&ĐT và ban giám đốc đã hội ý, chủ động báo cáo UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT, xin ý kiến chỉ đạo.
Ngày 20/7, bộ ra quyết định chấm thẩm định bài thi trắc nghiệm của Hòa Bình. Sau 2 ngày làm việc, chiều tối 23/7, bộ đưa ra kết luận về công tác chấm thẩm tra tại tỉnh.
Thông cáo báo chí khẳng định không phát hiện vi phạm trong quá trình chấm thi ở Hòa Bình. Hội đồng chấm thẩm định rút toàn bộ phiếu trả lời trắc nghiệm gốc đối với bài thi đạt 8 điểm trở lên để chấm thẩm định.
Kết quả cho thấy 100% bài thi đã chấm thẩm định trùng khớp với kết quả chấm thi, không thay đổi điểm so với kết quả do Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hòa Bình đã công bố ngày 11/7.
Khi có kết quả, ban chỉ đạo thi THPT quốc gia Hòa Bình đã tiếp nhận, đặc biệt những kiến nghị, trong đó có đề cập một số biên bản còn sơ sài. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm vấn đề này.
- Vì sao một số biên bản được lập sơ sài, do cán bộ làm công tác thi không nắm rõ quy chế hay có người muốn lợi dụng sự sơ sài này để che giấu khuất tất?
- Số lượng biên bản sơ sài không nhiều. Kết luận của bộ chỉ ra rất rõ là một số biên bản, không phải một lô biên bản nào. Quá trình làm việc có rất nhiều biên bản. Hội đồng chấm thẩm định nhặt ra từ 402 phòng thi.
Từng phòng, từng túi có 3-4 lần đóng, mở niêm phong nên quá trình có một vài cái sơ sài. Do quá trình làm cũng mệt mỏi, anh em để sót, một số cái không được kỹ.
Sau kết luận của bộ, ban chỉ đạo thi của tỉnh đã chỉ đạo ngay, tuân thủ nghiêm ngặt, không gây ra lỗi trong các kỳ thi sau. 10 cái tốt nhưng chỉ một cái sơ sài là không được.
Thí sinh điểm cao không phải con lãnh đạo
- Bộ GD&ĐT đã kết luận Hòa Bình thực hiện nghiêm túc việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018. Nhưng trước đó, khi nhận phản ánh về điểm cao bất thường, ông phản ứng như thế nào?
- Tôi khẳng định Hòa Bình là tỉnh miền núi khó khăn nhưng các năm đều có thí sinh đạt điểm cao ở các khối. Khi còn thi học sinh giỏi quốc gia hai bảng A, B, Hòa Bình nhiều năm liền là đơn vị dẫn đầu bảng B.
Đại diện Sở GD&ĐT Hòa Bình khẳng định thí sinh đạt điểm cao không phải con lãnh đạo sở, tỉnh. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Những năm qua, khi các cụm thi do trường đại học tham gia coi thi, tỉnh cũng có thí sinh đạt điểm rất cao, có em đạt điểm 10, có em nằm trong top 3 khối C. Điều này cho thấy dù đa số học sinh học chưa tốt, Hòa Bình vẫn có những em đạt điểm thi rất cao.
Ngoài ra, việc chỉ đạo công tác ôn thi của ngành rất rõ, tập trung bồi dưỡng những học sinh có năng lực, tố chất để thi vào trường đại học tốp đầu. Sở cử giáo viên có kinh nghiệm, phương pháp, bỗi dưỡng phù hợp.
Sau khi Bộ GD&ĐT có hướng dẫn về công tác tổ chức thi 2018, Sở GD&ĐT Hòa Bình đã có định hướng chỉ đạo ôn tập cho học sinh, bám sát từng đối tượng, đổi mới phương pháp.
Khi bộ công bố đề minh họa, sở lập đội ngũ cốt cán, tìm hiểu đề minh họa rồi bồi dưỡng, tập huấn giáo viên dạy ôn thi cho lớp 12, sát, phù hợp đối tượng (thi đại học hay chỉ cần tốt nghiệp).
Do đó, điểm cao không có gì bất thường. Học sinh chuyên Văn thi điểm môn Văn, Sử, Địa cao là đúng. Học sinh chuyên Toán thì điểm Toán, Lý, Hóa cao là bình thường.
- Những thí sinh đạt điểm cao có thuộc diện “con ông cháu cha” như dư luận nghi vấn?
- Trước hết, tôi khẳng định năm nay lãnh đạo tỉnh, sở không có con em dự thi THPT quốc gia.
Thí sinh đạt điểm cao là những em chăm ngoan, học giỏi, thi giỏi. Đặc biệt, những bài điểm cao nằm rải rác ở tất cả điểm thi, chủ yếu là học sinh THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, Phổ thông Dân tộc Nội trú, THPT Công Nghiệp, Lạc Thủy, Lương Sơn và một số trường ở thị trấn, trung tâm các huyện.
Quy trình chặt chẽ, lỗ hổng ở con người
- Từ sai phạm chấm thi ở Hà Giang và Sơn La, với vai trò là nhà quản lý giáo dục, theo ông, vấn đề này có thể khắc phục bằng cách nào?
- Quy trình chặt chẽ nhưng vấn đề nằm ở con người. Như ở Hà Giang, Sơn La, trong khi triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, con người chưa thực sự tuân thủ quy chế, dẫn đến sai phạm.
Nếu các hội đồng thi thực hiện đúng, nghiêm túc quy chế, có lẽ sẽ không xảy ra sự việc đó. Bởi ngoài hai tỉnh trên, các tỉnh khác, trong đó có Hòa Bình, thực hiện đầy đủ nghiêm túc từng khâu, từng bước các quy trình thì không thể xảy ra những vi phạm như thế.
Dư luận đặt nghi vấn về điểm thi ở Hòa Bình khi số thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên của Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình chiếm 35% cả nước. Đồ họa: Lệ Nhân. |
- Sau sai phạm ở Hà Giang và Sơn La, nhiều người cho rằng nên giao việc chấm thi cho các trường đại học. Ông nghĩ như thế nào về ý kiến này?
- Thời đi thi, tôi chẳng biết ai chấm. Một thời gian sau các trường ĐH tự chấm. Năm vừa rồi, Hòa Bình thi ở cụm ĐH Lâm Nghiệp, tôi cũng không biết ai chấm. Khi bộ trả về cho các sở, bộ phân công thì sở tuân thủ theo quy chế, quy trình.
Việc giao chấm thi cho trường đại học hay không do bộ phân tích ưu điểm, hạn chế rồi đưa ra biện pháp phù hợp. Tôi cho rằng biết được nguyên nhân sẽ tìm ra giải pháp.
- Từ góc độ nhà quản lý giáo dục, ông có góp gì về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia?
- Việc rút kinh nghiệm, trao đổi với bộ, tôi mong chờ dịp tổng kết năm học, đánh giá các mặt tích cực, tồn tại của kỳ thi. Lúc đó, có nhiều thông tin, tôi sẽ trả lời cụ thể hơn.
Xin cảm ơn ông!
Nghi vấn điểm thi bất thường ở tỉnh này được đặt ra khi số thí sinh đạt điểm Toán từ 9 trở lên là 27 em, chiếm 4,7% cả nước. Trong khi, với đề thi Toán năm 2017 được đánh giá dễ hơn rất nhiều, cả tỉnh chỉ có 100 em đạt 9 điểm trở lên, chiếm 0,46% cả nước.
Nếu xét điểm thi theo khối chính (A00, A01, B00, C00, C03, D01), trong 324 thí sinh cả nước được tổng điểm 27, Hà Giang có 67, Sơn La 26, Hòa Bình 22 em.
Ở tổ hợp C03 (Toán, Ngữ văn, Lịch sử), cả nước có 10 thí sinh được 27 điểm trở lên, Hòa Bình có 2 thí sinh.