Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức Lễ khai bút đầu xuân

Sáng 20/2 (mùng 5 Tết Mậu Tuất), Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai bút đầu xuân tại Đình thờ Tiên triết Chu Văn An, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng lãnh đạo các cấp của Ủy ban Nhân dân thành phố và ngành giáo dục Thủ đô, đại diện thầy, trò, phụ huynh học sinh một số trường ở Hà Nội đã tới tham dự buổi lễ.

khai chu dau nam anh 1
Các ông đồ tại khu Hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN.

Hoạt động này đã được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội triển khai từ năm 2014. Năm nay, ngành giáo dục và đào tạo thủ đô khai bút đầu xuân Mậu Tuất với các thông điệp về sự học gồm: “Học để làm người”; “Học thầy không tày học bạn”; “Học ăn, học nói, học gói, học mở”; “Học, học nữa, học mãi”; “Học một biết mười”; “Học đi đôi với hành."

Phát biểu tại Lễ khai bút, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh Lễ khai bút đầu xuân là việc làm thiết thực của ngành giáo dục và đào tạo thủ đô nhằm thực hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Khai bút đầu xuân là nét đẹp văn hóa dân tộc, có ý nghĩa linh thiêng, là sự khởi đầu một năm mới mang đậm dấu ấn truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Khai bút có ý nghĩa đề cao sự học, vì thế những nét bút đầu tiên của năm mới cũng tượng trưng cho khởi đầu một sự nghiệp, sự học trong năm mới. Và hơn hết, gửi gắm trong những nét chữ đầu năm ấy còn là ước nguyện chung về một năm thi cử đỗ đạt, học hành tấn tới, sự nghiệp như ý.

Trước anh linh Vạn thế sư biểu Chu Văn An, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng đã báo cáo những thành tích của ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội trong năm 2017. Quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục được ổn định và phát triển, mạng lưới trường lớp được mở rộng, đáp ứng được yêu cầu đa dạng học tập của học sinh.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, Hà Nội triển khai thí điểm đào tạo chương trình song bằng, tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh hội nhập và quốc tế hóa chuẩn đào tạo THPT của thành phố. Các chương trình môn học chuẩn quốc tế được áp dụng ở nhiều nhà trường đạt hiệu quả giáo dục cao, khẳng định vị thế của giáo dục thủ đô.

Trong các cuộc thi quốc tế và khu vực năm 2017, học sinh thủ đô đã đạt 138 huy chương, trong đó có 39 huy chương vàng, 42 huy chương bạc.

Ngay trong những ngày đầu năm 2018, đoàn học sinh giỏi của thủ đô dự thi quốc gia các bộ môn văn hóa lớp 12 tiếp tục dẫn đầu toàn quốc về số lượng và chất lượng giải với 132 giải, trong đó có 10 giải nhất.

Năm 2018, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2018 (tăng thêm 80 trường).

Ngành tiếp tục tập trung tổ chức triển khai và thực hiện tốt phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, chú trọng một số nội dung mang tính đột phá như tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực người học; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên.

Khi người trẻ vươn mình ra thế giới

Bằng tài năng và trí tuệ, nhiều bạn trẻ đang mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, dấu ấn đó chưa đủ, họ cần được trao cơ hội và tự mình nỗ lực hơn rất nhiều.

https://www.vietnamplus.vn/so-giao-duc-va-dao-tao-ha-noi-to-chuc-le-khai-but-dau-xuan/489043.vnp

Theo Nguyễn Cúc / Vietnamplus

Bạn có thể quan tâm