Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Sợ lây virus corona, hàng xóm đóng cửa khi vợ chồng tôi đi làm về’

Không chỉ du học sinh Trung Quốc bị xa lánh, nỗi lo sợ virus corona quá mức khiến nhiều người dè chừng với cả lao động đến từ các tỉnh thành từng ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh.

Từ quê Vĩnh Phúc trở về Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Đoàn Nhung đi làm được đúng 3 ngày rồi xin nghỉ phép hẳn 1 tuần. Cô gái ngoài 25 tuổi hoàn toàn khỏe mạnh, gia đình không có việc đột xuất và cũng chẳng có kế hoạch đi chơi gì trong thời gian này.

Nữ nhân viên văn phòng quyết định viết đơn xin nghỉ chỉ sau câu nói bâng quơ của chị đồng nghiệp: “Về từ nơi có dịch thì tốt nhất là ở yên trong nhà để người khác còn yên tâm đi làm”.

Dù đồng nghiệp không chỉ mặt, đặt tên ai, Đoàn Nhung quả quyết người này đang ám chỉ cô. “Mỗi ngày chị ấy lại bóng gió vài ba lần. Các đồng nghiệp khác dù không ai nói gì nhưng thái độ cũng dè chừng khác hẳn ngày thường”, Nhung chia sẻ.

virus corona anh 1

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều người gặp khó khăn khi trở lại làm việc giữa mùa dịch corona. Ảnh: Phương Lâm.

Tính đến ngày 6/2, có hơn 28.000 trường hợp nhiễm bệnh và 560 người tử vong vì chủng virus mới có tên corona hay nCoV trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, đã xác định 12 trường hợp dương tính với loại virus này, trong đó có 7 trường hợp ở Vĩnh Phúc, 1 ở Thanh Hóa, 1 ở Khánh Hòa và 3 tại TP.HCM.

Giữa nỗi hoang mang, lo lắng về sự lây lan của dịch bệnh, không chỉ Đoàn Nhung, nhiều người từng lui tới các địa phương ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh phải chịu cái nhìn không mấy thiện cảm, chào đón của bạn bè, đồng nghiệp khi trở lại thành phố lớn làm việc.

Sự kỳ thị, xa lánh vô cớ này cũng nhắm vào các lao động, du học sinh trở về từ Trung Quốc, thậm chí các nhân viên y tế trong nước đang phải đối phó với dịch bệnh.

Bị hàng xóm xa lánh vì làm việc ở bệnh viện

Trong những ngày gần đây, chị Hoài Hương (35 tuổi, y tá tại bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, tên đã được thay đổi theo đề nghị của nhân vật) liên tục nhận được những cuộc gọi hỏi thăm từ bạn bè, người thân.

Có khi giữa trưa, lúc lại 10, 11h tối, họ gọi bất kể ngày đêm. Trước là muốn chị Hương xác thực đủ loại thông tin thất thiệt đọc được đâu đó trên mạng xã hội, sau là thăm dò tình trạng sức khỏe của chị dạo này.

Dù cảm thấy khá mệt mỏi, nữ y tá luôn cố gắng trả lời tử tế các câu hỏi và xoa dịu sự lo lắng của mọi người. “Tôi hiểu được sự sợ hãi đó, đặc biệt là khi các thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh đang tràn lan trên mạng”.

Tuy nhiên, gần đây mọi chuyện trở nên phiền phức hơn chị nghĩ khi hàng xóm bắt đầu đồn thổi không hay về tình trạng sức khỏe của gia đình chị.

“Sợ lây virus, hàng xóm đóng cửa im lìm mỗi khi thấy vợ chồng tôi đi làm về, gặp trên đường cũng không chào hỏi như mọi khi thậm chí có người che miệng lúc đi ngang qua. Hôm trước, con trai tôi còn bị trẻ con trong xóm đuổi về, không cho chơi cùng”, chị Hương kể.

Gần 10 năm theo ngành y, lần đầu tiên chị Hương phải chịu sự kỳ thị, xa lánh bởi chính công việc cứu người của mình. “Tôi thấy tủi cho bản thân cũng như các đồng nghiệp của mình nhiều hơn là giận mọi người. Họ đáng thương hơn đáng trách khi thiếu hiểu biết về dịch bệnh và luôn hoang mang, lo sợ thái quá”.

“Tôi thấy ngại dù chẳng làm gì sai”

“Chắc đây sẽ là kỳ nghỉ Tết dài nhất mà cũng chán nhất của mình”, Uyên Phương (23 tuổi, lưu học sinh tại Trùng Khánh, Trung Quốc) chia sẻ với Zing.vn.

Hoàn thành chương trình học và trở về nhà ăn Tết vào đầu tháng 12 năm ngoái, trước khi virus corona bùng phát, Phương vẫn gặp không ít chuyện dở khóc dở cười vì sự hoang mang quá mức của người thân và bạn bè.

Gần 1 tuần trước Tết, cũng là thời điểm các thông tin về dịch bệnh khiến nhiều người lo lắng, Phương có triệu chứng ho, sốt nhẹ. Chính từ lúc này, Phương bị bố mẹ cách ly, không cho ra khỏi nhà. Bạn bè nghe tin cô bị bệnh cũng không ai dám lai vãng tới nhà.

“Tất cả kế hoạch hội họp đầu năm, kể cả họp lớp cấp 2, cấp 3 không ai còn hồ hởi thông báo với mình nữa. Thấy mọi người đều muốn tránh như tránh tà nên kể cả những đứa bạn thân chủ động nói muốn tới thăm mình cũng bảo thôi. Mình thấy ngại dù chẳng làm gì sai”.

virus corona anh 4

Khẩu trang trở thành vật bất ly thân của người dân khi ra đường. Ảnh: Phương Lâm.

Tuy chắc chắn bản thân không nhiễm virus corona vì đã quá thời gian ủ bệnh, cô vẫn đi khám theo sự hối thúc của bố mẹ và cả hàng xóm. Kết quả Phương chỉ cảm cúm thông thường.

“Có kết quả, mình chỉ thông báo với người nhà và một số bạn bè để họ yên tâm. Còn lại mình không muốn giải thích gì thêm”.

Vé máy bay quay trở lại trường vào ngày 3/2 của Phương đã tự động hủy khi Cục Hàng không đã tạm dừng toàn bộ các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona.

Kỳ nghỉ lễ tiếp tục kéo dài bất đắc dĩ. Dù đã phát chán với việc luẩn quẩn trong nhà suốt ngày, Phương cũng không muốn tụ tập, gặp gỡ bạn bè, người quen ở thời điểm này vì sợ những hiểu lầm không đáng có.

Nhiều cha mẹ vẫn đưa con đi mai mối dù dịch cúm lây lan ở Trung Quốc

Bất chấp sự lây lan của dịch bệnh, nhiều phụ huynh Trung Quốc quyết không từ bỏ kế hoạch mai mối, sắp xếp xem mắt cho con cái trong dịp Tết Âm lịch.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm