Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Số lượng bệnh nhân Covid-19 chưa vượt quá khả năng điều trị'

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, số lượng bệnh nhân và tác động từ biến chủng mới gây áp lực cho hệ thống y tế ở vụ dịch lần này. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn kiểm soát tốt.

Theo thống kê của Bộ Y tế tới ngày 8/6, Việt Nam đang có khoảng hơn 300 bệnh nhân Covid-19 có diễn biến nặng, nguy kịch hoặc tiên lượng nặng. Thời gian qua, chúng ta cũng ghi nhận liên tiếp các trường hợp tử vong sau khi diễn biến nặng do nhiễm SARS-CoV-2.

Các chuyên gia nhận định so với các vụ dịch trước, diễn biến của bệnh nhân Covid-19 lần này tại Việt Nam có nhiều điểm khác biệt và đang gây khó khăn cho hệ thống y tế.

Vừa qua, một số thông tin cho rằng Việt Nam có thể áp dụng chiến lược điều trị các bệnh nhân Covid-19 diễn biến nhẹ hoặc không có triệu chứng tại nhà nhằm tránh gây quá tải cho hệ thống y tế.

2 vấn đề khi điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khẳng định: "Số lượng bệnh nhân Covid-19 chưa vượt quá khả năng điều trị". Do đó, hiện Việt Nam vẫn kiểm soát được tình hình.

"Tại Bắc Ninh, chúng tôi đang hỗ trợ kỹ thuật để ngành y tế của địa phương này đảm bảo tiếp nhận và điều trị được 3.000 bệnh nhân. Các đơn vị chúng tôi dự kiến triển khai công tác điều trị đều đảm bảo tốt yếu tố hạ tầng, trang thiết bị, kỹ thuật cũng như con người", bác sĩ Cấp cho biết.

dieu tri benh nhan covid-19 anh 1

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo.

Trong khi đó, ngày 8/6, tại Bắc Giang - địa phương có số ca mắc Covid-19 lớn nhất trong làn sóng dịch lần này - bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh cũng thông tin dự kiến trong 2 ngày tới, 3 bệnh nhân diễn biến nặng có thể được xuất viện.

Tương tự bác sĩ Linh, các nhân viên y tế tại Bắc Giang cũng đang nỗ lực trong việc điều trị bệnh nhân diễn biến nặng kết hợp mở rộng đơn vị hồi sức cấp cứu trên địa bàn.

"Tất cả y bác sĩ của các bệnh viện trên địa bàn Bắc Giang đang phối hợp cùng đội phản ứng nhanh từ Bệnh viện Chợ Rẫy tốt và tiến bộ rất nhiều. Cả các điều dưỡng cũng đã tiến bộ rõ rệt sau 2 tuần đồng hành", bác sĩ Linh nhận định.

Theo thống kê của Tiểu ban Điều trị, Bộ Y tế, Việt Nam hiện có tổng cộng 139 bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng phải thở oxy, 29 trường hợp thở máy không xâm nhập và 25 ca nguy kịch. Trong khi đó, 3.080 bệnh nhân chỉ có biểu hiện lâm sàng nhẹ, 1.703 người khác chưa có triệu chứng.

Với sự tiến bộ của các bác sĩ cũng như điều dưỡng hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng ngành y tế Việt Nam sẽ kiểm soát tốt được số lượng bệnh nhân này.

dieu tri benh nhan covid-19 anh 2

Bác sĩ Trần Thanh Linh thông tin về tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Giang. Ảnh: BYT.

"Đa số bệnh nhân Covid-19 có diễn biến nhẹ trong tuần đầu tiên. Tuy nhiên, sang tuần thứ 2, một số trường hợp sẽ diễn biến nặng từ đây. Do đó, khi các y bác sĩ ở tuyến dưới phát hiện và xử lý sớm, tỷ lệ bệnh nhân nguy kịch cũng như tử vong sẽ giảm đi. Nếu làm tốt, chúng ta vẫn ưu tiên điều trị tất cả bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện", bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khẳng định.

Theo vị chuyên gia này, nếu áp dụng chiến lược điều trị bệnh nhân diễn biến nhẹ tại nhà, Việt Nam sẽ gặp phải 2 vấn đề:

Đầu tiên, nguy cơ các bệnh nhân được điều trị tại nhà lây nhiễm virus cho người thân trong gia đình rất cao. Đặc biệt, với mô hình gia đình của Việt Nam với từ 3 đến 4 thế hệ chung sống gồm cả người già, trẻ nhỏ, người có bệnh nền, việc lây nhiễm sẽ rất nguy hiểm.

Thứ hai, khi điều trị tại nhà, các bệnh nhân Covid-19 sẽ rất khó được phát hiện sự thay đổi bệnh lý từ sớm để có phương án xử lý, kiểm soát kịp thời. Việc các bệnh nhân nhập viện khi đã có diễn biến nặng sẽ giảm hiệu quả điều trị.

Số lượng bệnh nhân diễn biến nặng cao

Về sự khác biệt trong vụ dịch lần này, bác sĩ Cấp nhận định điểm đầu tiên là số lượng bệnh nhân Covid-19 rất lớn.

"Số lượng bệnh nhân quá lớn rõ ràng sẽ tạo ra sức ép khổng lồ với hệ thống điều trị của chúng ta. Số lượng bệnh nhân lớn cũng dẫn đến số bệnh nhân có diễn biến nặng tăng cao", bác sĩ Cấp chia sẻ.

Khác biệt thứ hai ở vụ dịch lần này là sự xuất hiện của biến chủng virus B.1.617.2, được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ. Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết có vẻ các bệnh nhân nhiễm biến chủng này xuất hiện diễn biến lâm sàng nhanh hơn so với những biến chủng trước đó của SARS-CoV-2.

dieu tri benh nhan covid-19 anh 3

Việc điều trị các bệnh nhân Covid-19 lần này khó khăn hơn do số lượng đông và biến chủng mới. Ảnh: BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

"Ngoài ra, tỷ lệ bệnh nhân có phản ứng viêm quá mức cũng cao hơn. Tình trạng này yêu cầu các y bác sĩ phải can thiệp nhiều biện pháp kỹ thuật hơn. Đây cũng chính là gánh nặng lớn với hệ thống hồi sức cấp cứu trong điều trị bệnh nhân Covid-19", bác sĩ Cấp giải thích.

Để sớm khắc phục được tình trạng này, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam cần chú trọng vào việc nâng cao năng lực điều trị của các tuyến, cơ sở tiếp nhận ban đầu.

Ông giải thích: "Khi các tuyến điều trị ban đầu như bệnh viện dã chiến làm tốt, tỷ lệ bệnh nhân có diễn biến nặng và nguy kịch sẽ giảm xuống. Từ đó, chúng ta cũng giảm được gánh nặng với khoa hồi sức cấp cứu tại bệnh viện tỉnh và tuyến trung ương".

Ngày 8/6, 171 ca mắc Covid-19 mới, riêng Bắc Giang 98 bệnh nhân

Tối 8/6, Bộ Y tế công bố 53 ca Covid-19 ghi nhận tại Bắc Giang (21), Bắc Ninh (15), TP.HCM (14), Hà Nội (2), Hà Tĩnh (1).

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm