Số lượng người bệnh mắc cúm A ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tăng đột biến. Ảnh: BVCC. |
Bác sĩ Đặng Thị Thu Phương, Phó khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết riêng đơn vị này trong ngày 18/1 đã tiếp nhận 42 người nhiễm cúm A điều trị nội trú, với đủ độ tuổi.
Đặc biệt, có nhiều ca bệnh tiến triển nặng, biến chứng, hay gặp nhất là biến chứng ở phổi, viêm cơ.
Các địa phương khác ở khu vực miền Bắc cũng đang có số lượng người mắc cúm A tăng cao từ tháng 12 đến nay. Đặc biệt, ở những khu vực tập trung đông người như trường học, nhà trẻ, khu công nghiệp… xảy ra các chùm ca bệnh.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trước đó cũng tiếp nhận nhiều người mắc cúm A phải nhập viện điều trị trong tình trạng nặng, thậm chí, có bệnh nhân bị biến chứng trắng phổi, viêm phổi.
Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày cũng tiếp nhận trên dưới 100 trẻ đến khám được xét nghiệm ra cúm A.
Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình trong 2 tuần trở lại đây tiếp nhận trung bình 15 trẻ nhỏ mắc cúm A. Đáng chú ý là một số trường hợp nặng, cần nhập viện điều trị.
Cúm A là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus Hemophilus influenza type A gây nên. Khác với cúm B, C gây bệnh lẻ tẻ hoặc những vụ dịch nhỏ, cúm A có thể gây thành dịch lớn, thậm chí đại dịch trên toàn cầu.
Cúm A lây truyền qua đường hô hấp khi tiếp xúc với virus qua những giọt bắn trong cơn ho, hắt hơi, chảy nước mũi. Đặc biệt, khi người mắc bệnh tiếp xúc gần và không mang khẩu trang, rất dễ lây cho người khác.
Người mắc cúm A có các biểu hiện đặc trưng như sốt cao đột ngột, có thể ớn lạnh, rét run, nhiễm trùng, đau nhức đầu, đau bắp cơ, ho, hắt hơi, chảy mũi, đau họng... khám có ran rít ở phổi.
Người bệnh mắc cúm A được điều trị và chăm sóc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Ảnh: BVCC. |
Khi người mắc cúm A bị biến chứng có thể xuất hiện các dấu hiệu: khó thở, tím tái, ho ra máu, co giật, rối loạn ý thức, sốc, tụt huyết áp, suy đa tạng…
Biến chứng của cúm A hay xảy ra hơn ở những người có nguy cơ cao như:
- Trẻ nhỏ
- Người cao tuổi
- Phụ nữ có thai
- Người mắc bệnh lý mạn tính về tim, phổi, thận, đái đường, cơ địa suy giảm miễn dịch…
Các biến chứng có thể gặp gồm: viêm phổi tiên phát do virus, viêm phổi thứ phát do vi khuẩn, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm cơ, hội chứng Reye, viêm xoang…
Hiện, vaccine cúm có nhiều ở các dạng khác nhau. Mọi người có thể tiêm phòng, đặc biệt là nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm cúm A, bác sĩ Phương khuyến cáo người dân chủ động đến các cơ sở y tế chuyên khoa để sàng lọc, khám, tư vấn điều trị, hạn chế những biến chứng nặng xảy ra.
Bên cạnh đó, sàng lọc và phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm cúm A cũng giúp giảm việc lây lan trong cộng đồng, hạn chế bùng dịch.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.