Bộ GD&ĐT thông tin đề thi tốt nghiệp THPT 2024 về cơ bản giữ ổn định so với các năm trước. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Chỉ còn khoảng nửa năm nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 và bắt đầu kỳ tuyển sinh đại học 2024-2025, nhiều học sinh lớp 12 bắt đầu chạy nước rút, ôn tập và chuẩn bị làm hồ sơ xét tuyển đại học. Thế nhưng, cùng với việc học hành, các sĩ tử 2006 lại có thêm nỗi lo khác.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ là kỳ thi cuối cùng dành cho những học sinh theo học chương trình giáo dục phổ thông 2006. Từ năm 2025, học sinh sẽ thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều thay đổi lớn về mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục.
Điều này khiến nhiều học sinh lứa 2006 sợ rằng nếu chẳng may trượt tốt nghiệp hoặc trượt nguyện vọng yêu thích năm nay, cơ hội để thử sức lại trong năm tiếp theo cũng không cao như trước.
Lo lắng từ năm lớp 11
Chia sẻ với Tri thức - Znews, Lan Anh (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) cho hay chương trình sách giáo khoa mới có nhiều thay đổi so với chương trình mà các em đang theo học. Nữ sinh cũng cho rằng với hình thức thi thay đổi, nếu thi lại, các em sẽ gặp những khó khăn nhất định.
“Từ cuối lớp 11, em đã nghe bạn bè bàn luận nhiều về vấn đề này nên chưa thi đã thấy căng thẳng rồi. Các thầy cô có nhắc nhở về việc sách giáo khoa có sự thay đổi ở khóa sau nên càng áp lực hơn”, Lan Anh nói.
Học sinh 2006 là lứa học sinh cuối cùng thi tốt nghiệp theo chương trình cũ. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn. |
Nữ sinh cũng cho hay một phần lý do em căng thẳng như vậy là bởi sức học không quá nổi trội. Em lại dùng điểm thi tốt nghiệp THPT làm phương thức xét tuyển chính vào đại học.
“Em không có chứng chỉ ngoại ngữ, không tham gia các kỳ thi riêng nên phải cố gắng hết sức ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Nếu thi được điểm thấp, không đỗ nguyện vọng 1, em sẽ hẹp cửa nếu muốn thi lại năm sau", nữ sinh chia sẻ.
Trần Ngọc (học sinh lớp 12 ở Hà Nội) cùng chung nỗi lo giống Lan Anh. Học sinh 2006 là lứa học sinh cuối cùng thi theo chương trình cũ, nữ sinh lo rằng nếu năm nay không đậu tốt nghiệp và đậu đại học, năm sau em sẽ phải thi theo chương trình mới giống học sinh 2007.
Nếu chuyện này xảy ra, Ngọc sẽ phải học thêm kiến thức cả 3 năm của chương trình mới, vừa mất sức vừa mất thời gian.
Ngoài nỗi lo phải thi lại với học sinh 2007, Trần Ngọc còn thêm một nỗi lo là “sợ bị Bộ GD&ĐT đánh úp”.
Dù học lực ở mức giỏi, luôn duy trì trong top 10 của lớp, Ngọc vẫn luôn căng thẳng mỗi khi nghĩ đến kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nữ sinh luôn sợ rằng Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra câu hỏi khó, không có trong đề minh họa, hoặc ngữ liệu đề thi nằm ngoài chương trình học.
“Em thấy bây giờ chỉ học trong sách giáo khoa thì không đủ, em phải luyện thêm nhiều nội dung ngoài sách, thậm chí nâng cao độ khó đề thi lên. Em thi thử ở trường đề thi lúc nào cũng khó hơn, chắc thầy cô cũng muốn cho chúng em chuẩn bị tinh thần trước, lúc vào phòng thi đỡ phải bỡ ngỡ”, nữ sinh chia sẻ.
Không dám nghỉ ngơi, sợ đủ thứ
“Phải đậu đại học bằng mọi giá” là điều mà Trần Ngọc luôn nghĩ đến. Ngoài ôn thi tốt nghiệp THPT, nữ sinh còn học thêm IELTS và ôn thi đánh giá năng lực. Hiện tại, ngoài học chính khóa, lịch học thêm của nữ sinh gần như kín cả tuần, không có ngày nghỉ.
Do đặt mục tiêu đạt IELTS 7.0, mỗi tuần, Ngọc học 4 buổi IELTS, mỗi buổi chia đều cho một kỹ năng. Dù học phí đắt, lịch học kín gần như không thở nổi, nữ sinh vẫn chấp nhận học vì sợ rằng IELTS thấp hơn 7.0 sẽ khó vào đại học.
“Bây giờ bạn bè xung quanh em ai cũng có IELTS, trung bình cũng phải 6.0-6.5 trở lên. Em mà không có IELTS 7.0 thì cơ hội vào ngành học yêu thích sẽ bấp bênh lắm”, Ngọc nói.
Mới đây, Ngọc cũng đăng ký thêm lớp ôn thi đánh giá năng lực dù bản thân không giỏi các môn tự nhiên. Giáo viên luyện thi cho Ngọc cũng khuyên cô nên cân nhắc lại, không nên “cố quá rồi thành quá cố”, nhưng nữ sinh vẫn quyết tâm học vì cho rằng thà học thừa còn hơn bỏ sót.
Lan Anh học không dám nghỉ, sách vở chất thành từng chồng trên bàn học. Ảnh: VNCC. |
Tương tự, quá lo lắng cho kỳ thi lớn nên ngay từ hè lớp 11, Lan Anh đã lên kế hoạch học tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.
Nữ sinh cho hay suốt từ tháng 7, ngay cả cuối tuần hay nghỉ lễ, em đều không dám nghỉ ngơi bởi ám ảnh không học sẽ rơi rớt kiến thức. Ba chữ “trượt đại học" cứ lơ lửng trên đầu khiến nữ sinh lao vào học ngày học đêm.
Ngoài giờ học chính khóa vào buổi sáng, Lan Anh học chuyên đề 4 buổi chiều/tuần ở trường. Các buổi còn lại, em học thêm Toán, Văn, Tiếng Anh. Mỗi môn 2 buổi/tuần. Đó là còn chưa kể thời gian Lan Anh tự học vào các buổi tối.
Em cũng chẳng thể lơ là các môn học còn lại bởi dự định dùng thêm điểm học bạ để xét tuyển vào các trường đại học có mức điểm thấp hơn.
Quay cuồng với bài vở, có thời điểm, Lan Anh liên tục thức đến 3h để làm bài. Điều này khiến em bị đau dạ dày, sức khỏe xuống dốc trông thấy.
“Em không dám nghỉ. Chỉ khi nào bị ốm hoặc cơ thể báo động, em mới nghỉ ngơi một chút. Nhưng dù chỉ nghỉ một ngày thôi, em cũng có cảm giác không theo kịp các bạn", nữ sinh nói.
Nhìn chồng sách vở, tài liệu ôn tập trên bàn, Lan Anh cho hay đó vẫn không là gì với những bạn dự định thi thêm các kỳ thi riêng hoặc ôn thi chứng chỉ tiếng Anh để xét tuyển đại học. Giống như nữ sinh, nhiều học sinh cuối cấp cũng mang áp lực “phải đỗ" trong kỳ thi cuối cùng của chương trình cũ.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.