Ca khúc ngay sau đó đã được đơn vị sản xuất này đưa vào hợp tuyển Xuân chọn lọc với chủ đề Ly rượu mừng để phát hành trong dịp xuân Bính Thân 2016. Ca khúc do hai giọng ca Quang Dũng và Phạm Thu Hà thể hiện. Nhân dịp này, đơn vị sản xuất này cũng thực hiện một MV ca nhạc cho nhạc phẩm Ly rượu mừng với ý tưởng về sự sum họp của gia đình trong dịp Tết.
Ca sỹ Quang Dũng và Phạm Thu Hà biểu diễn lại ca khúc. Ảnh cắt từ trailer. |
Theo nhiều nguồn thông tin thì ca khúc này được cố nhạc sỹ Phạm Đình Chương sáng tác vào năm 1955 (có tài liệu nói năm 1952) nhưng được biết đến nhiều nhất là những năm giữa của thập niên 1960. Đây là ca khúc từng thịnh hành trong dịp Tết vào những năm cuối của thập niên 1960, đầu thập niên 1970 của nhiều gia đình, vùng miền. Ly rượu mừng được trình bày đầu tiên do ban hợp ca Thăng Long gồm bốn anh chị em Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Thái Hằng (Phạm Thị Quang Thái) và Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh) ở Sài Gòn. Từ đó bản nhạc này luôn được hát trong những ngày đón xuân cho tới 1975 và cả sau đó ở hải ngoại. Tuy nhiên, ở Việt Nam do ca từ mà ca khúc đã bị cấm biểu diễn một thời gian dài.
Ly rượu mừng là bài hát được nhạc sỹ họ Phan viết với nhịp ¾, theo điệu valse có tempo (hành độ) nhanh nên vừa có nét dìu dặt nhưng cũng đầy sự tươi vui, rộn ràng rất hợp với không khí ngày Tết. Nội dung bài hát hướng đến mời mọi người cùng uống rượu mừng xuân và nói những lời chúc Tết đến toàn dân và đất nước. Tuy bài hát không miêu tả những nét đặc trưng của Tết Việt như: hoa đào, bánh chưng, câu đối, pháo nổ, lì xì... nhưng cái không khí rộn ràng trong ngày Tết vẫn hiện lên rất rõ.
Các thành viên trong hợp ca Thăng Long. Ảnh: TL |
Giai điệu của bài hát linh hoạt theo nội dung nên cũng rất thích hợp cho hợp ca hoặc phối hợp giữa hợp ca và đơn ca.Trong mắt nhà thơ Du Tử Lê, nhạc sỹ Phạm Đình Chương từ lúc bắt đầu sự nghiệp sáng tác cho đến lúc rời xa cõi đời ở tuổi 62 đã cắm được những ngọn cờ trên nhiều đỉnh cao nghệ thuật. Trong đó, đỉnh cao trong sự nghiệp âm nhạc của ông được thời gian ghi nhận là ca khúc Ly rượu mừng.
“Theo tôi ca khúc Ly rượu mừng như một phẩm vật tinh thần dâng cúng tổ tiên mỗi độ xuân về. Đó là “ly rượu” đất nước gấm hoa, “ly rượu” tổ quốc độc lập, “ly rượu” ước mơ quê hương muôn đời thanh bình, được chia đều cho “anh nông phu,” “người thương gia,” “người công nhân,” qua tới “người chiến sĩ,” “bà mẹ già,” “đôi uyên ương” “người nghệ sĩ”… Một phân chia bình đẳng, đồng đều cho mọi tầng lớp. Tôi muốn nhấn mạnh thêm, người ta có thể tìm thấy đặc tính phân biệt giai cấp ở nhiều dân tộc nhiều quốc gia trên thế giới nhưng Việt Nam thì không", nhà thơ cho biết.
Bản in ca khúc Ly rượu mừng phát hành năm 1966. Ảnh: TL |
Với thời gian và không gian, một số tục lệ đón mừng Tết Nguyên Đán có thể sẽ thay đổi như chúng ta đang bỏ dần tục xông đất đầu năm. Hoặc nhiều gia đình người Việt ở hải ngoại vì lý do gia cư đã bắt đầu “thắp” những nén nhang điện (không mùi hương), đốt những giây pháo điện (không xác pháo)…nhưng “Ly rượu mừng” sẽ không thể thiếu đối với mỗi gia đình mỗi mùa xuân về.
Bởi vì, đó là “ly rượu… mừng” - ly rượu tâm thức. Chúng ta không chỉ cùng nhau nâng cao ly rượu ấy vào những dịp mừng xuân mà chúng ta còn có thể chia nhau ly rượu tâm thức này bất cứ lúc nào".
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929 - 1991) là một nhạc sĩ tiêu biểu của nhạc Việt từ năm 1950 trở đi. Ông sinh tại Bạch Mai, Hà Nội, trong một gia đình truyền thống âm nhạc, cả hai người thân sinh ra ông đều chơi nhạc cổ truyền. Ông là em ruột của ca sĩ Thái Hằng (vợ nhạc sĩ Phạm Duy) và là anh của danh ca Thái Thanh.
Trong những năm đầu kháng chiến, ông cùng các anh em Phạm Đình Viêm, ca sĩ Thái Hằng và Thái Thanh gia nhập ban văn nghệ Quân đội ở Liên Khu IV. Nhạc sỹ Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác vào năm 1947, khi 18 tuổi, với tác phẩm đầu tay là ca khúc Ra đi khi trời vừa sáng. Năm 1951, gia đình ông chuyển vào miền Nam. Ông cùng một số anh chị em thành lập ban hợp ca Thăng Long danh tiếng. Trong thập niên 1950, ông đã viết những tác phẩm thành công và để đời như: Ly rượu mừng, Xuân tha hương, Thuở ban đầu, Tiếng dân chài... Đáng kể nhất là trường ca bất hủ Hội Trùng Dương.