Các chuyên gia giáo dục nhận định, việc cải cách giáo dục ở mỗi giai đoạn đều gắn liền với đổi mới và những đòi hỏi từ lịch sử phát triển đất nước đặt ra. Cải cách là thay đổi cả về mục tiêu giáo dục, nguyên lý giáo dục và hệ thống giáo dục. Còn đổi mới sách giáo khoa là bám sát và cụ thể hoá chương trình giáo dục theo từng giai đoạn.
Cải cách giáo dục năm 1950
Năm 1950, sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi - thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mục tiêu đặt ra cho toàn dân là xây dựng, kiến thiết đất nước sau chiến tranh.
Trước tình thế đó yêu cầu của ngành giáo dục là phục vụ kháng chiến mạnh hơn nữa bằng sự khẳng định chế độ dân chủ nhân dân, người cày có ruộng và đào tạo ra những người đủ đức, đủ tài cho tiền tuyến và hậu phương.
Đặc biệt, ở những năm 1950, nước ta chưa có bộ sách giáo khoa hoàn chỉnh. Thời gian này, các môn học được cắt giảm do không phù hợp tình hình vừa kháng chiến, vừa xây dựng đất nước như nữ công gia tránh, phần văn học cổ không thuộc nội dung yêu nước, lich sử kháng chiến cổ đại, sinh ngữ… Tất cả các nội dung khi ấy chủ yếu tập trung vào yêu nước và kháng chiến. Khi ấy, giáo viên tự lên kế hoạch giảng dạy theo chương trình, mục tiêu giáo dục đề ra.
Hình ảnh sách Học vần lớp 1 xuất bản năm 1973 (trái) và sách Học vần lớp 1 xuất bản năm 1984 (phải). Ảnh: Hà Cường. |
Ở lần cải cách này, nhà nước giảm số năm học (giáo dục phổ thông hệ 9 năm), gác lại những môn chưa có nhu cầu trước mắt, chuyển cấp “trung học chuyên khoa” - 3 năm chuyên ban thành “phổ thông cấp 3” không chuyên ban.
Các địa phương nhanh chóng thành lập trường cấp 3 riêng cho tỉnh mình. Cùng với đó là sự ra đời của các trường sư phạm sơ cấp (đào tạo giáo viên tiểu học), các trường sư phạm đào tạo giáo viên cấp 2 và cấp 3.
Cả nước chỉ có 4 trường trung học chuyên khoa (sau này gọi là trung học phổ thông) ở khu Việt Bắc, liên khu 3, liên khu 4, liên khu 5. Giáo viên chủ yếu là các sinh viên đang học đại học dở dang, cũng có người chỉ là tú tài, số cử nhân chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cải cách giáo dục năm 1956
Năm 1956, nước ta thực hiện cải cách lần thứ hai, việc cải cách lần này gắn với tình hình lịch sử giải phóng miền Bắc và tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau khi quân đội của ta tiếp quản các trường học ở vùng mới giải phóng. Khi ấy mục tiêu giáo dục là thống nhất hai hệ thống giáo dục: Hệ thống giáo dục phổ thông 9 năm ở vùng kháng chiến cũ và hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm ở vùng trước đây bị tạm chiếm về chung hệ thống giáo dục 10 năm.
Bộ sách giáo khoa năm 1956 cơ bản dựa trên cơ sở kế thừa các nội dung từ chương trình giáo dục năm 1950. Mục tiêu và nội dung các môn học chủ yếu hướng tới xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc (hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo xã hội chủ nghĩa công thương nghiệp), đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam.
Cải cách giáo dục năm 1979
Sau 4 năm thống nhất đất nước (30/4/1975), đầu năm 1979 diễn ra cuộc cải cách giáo dục lần thứ 3.
Cụ thể, ngày 11/1/1979 Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 14 về cải cách giáo dục. Nghị quyết chỉ rõ cần ra sức nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo ra những lớp người lao động mới làm chủ tập thể, đủ sức gánh vác sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nguyên lý giáo dục vẫn là “học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”.
Trong giai đoạn này, nước ta quyết định xây dựng nền giáo dục thống nhất trên toàn quốc theo hệ 12 năm học.
Tuy nhiên, từ 1979 đến 1982, do chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, những khó khăn, mất cân đối trong nền giáo dục, tỉ lệ lưu ban, bỏ học lớn, chất lượng giáo dục giảm sút rõ rệt.
Do đó, nước ta quyết định hoãn chủ trương cải cách giáo dục, dừng việc thay chương trình, thay sách theo lối cuốn chiếu để thống nhất hệ thống giáo dục của cả nước (kéo dài đến năm 1992).
Lúc này, các sách giáo khoa cơ bản vẫn là dựa trên các sách cũ trước đó để cải biên lại.
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa năm 2000
Lần đổi mới năm 2000 là đổi mới về chương trình và sách giáo khoa theo Nghị quyết 40/2000/NQ-QH10 của Quốc hội, nhằm mục đích công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông ở các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa mới lần lượt triển khai đại trà bắt đầu ở lớp 1 và lớp 6 từ năm học 2002-2003, bắt đầu ở lớp 10 từ năm học 2004-2005; đến năm học 2006-2007 tất cả các lớp cuối cấp đều thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới.
Chương trình và sách giáo khoa mới chủ yếu tập trung vào việc tăng cường tính thực tiễn, kỹ năng thực hành, năng lực tự học; coi trọng kiến thức khoa học xã hội và nhân văn; bổ sung những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh.
Lúc này, học sinh cả nước học chung một bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT đứng ra tổ chức biên soạn và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ban hành. Hệ thống giáo dục phổ thông vẫn giữ nguyên như lần cải cách trước (năm 1979) là hệ 12 năm.
Như vậy, tính từ năm 1945, sau 55 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) lần đầu tiên nước ta xây dựng thành công chương trình đổi mới và có một sách giáo khoa mới đi kèm.
Bộ sách giáo khoa được xây dựng một cách công phu đầy đủ từ lớp 1 đến 12, số lượng môn học được chia theo từng cấp học. Với cấp tiểu học có từ 7 đến 9 đầu sách giáo khoa, cấp THCS và THPT có từ 10 đến 12 đầu sách giáo khoa.
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa năm 2018
Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa năm 2018 được thực hiện theo Nghị quyết 29 của Ban chấp hành trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Mục tiêu của lần đổi mới này nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
Hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm).
Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.
Ngày 22/11/2019, Bộ GD&ĐT công bố 5 bộ sách giáo khoa viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới được phê duyệt. Trong số này, NXB Giáo dục Việt Nam có 4 bộ sách, gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục; và 1 bộ sách Cánh diều của NXB Đại học sư phạm Hà Nội và NXB Đại học Sư phạm TP.HCM.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai tuần tự từ lớp 1 đến lớp 12. Đó là năm học 2020-2021 triển khai ở lớp 1; năm học 2021-2022 triển khai ở lớp 2, lớp 6; năm học 2022-2023 triển khai ở lớp 3, lớp 7, lớp 10. Năm học 2023-2024 triển khai ở lớp 4, lớp 8, lớp 11; năm học 2024-2025 triển khai ở lớp 5, lớp 9, lớp 12.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham chiếu trong quá trình dạy học, giáo viên không phải dạy theo từng chữ từng câu mà vận dụng linh hoạt theo tinh thần dạy học phân hóa.