Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sợ quay lại cuộc sống bận rộn sau khi giãn cách quá lâu

Khi đại dịch kết thúc, các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại, mọi thứ sẽ quay về vị trí ban đầu. Song đó là điều khiến nhiều người lo lắng vì họ đã quen với nhịp sống thư thả.

Trước đại dịch, một ngày của Gwen Clarke (26 tuổi, sống tại quận Queens, New York, Mỹ) bắt đầu lúc 5h45. Cô đến phòng tập thể dục gần căn hộ của mình, sau đó dành 40 phút cho công việc sản xuất nội dung kỹ thuật số. Vào các ngày trong tuần, Clarke thường làm việc đến tối muộn hoặc kéo dài sang ngày nghỉ.

Sau khi tan ca, cô sẽ đi uống một vài ly cùng đồng nghiệp trước khi về nhà trong tình trạng kiệt sức, mệt mỏi. Cuộc sống của cô luôn hối hả, bộn bề.

Tuy nhiên, từ khi Covid-19 bùng phát khắp nơi, một năm trở lại đây của cô gái 26 tuổi trở nên rất khác. Cô chuyển nhà đến khu Southampton và nhịp sống dường như chậm lại.

“Tôi thức dậy vào buổi sáng mà không cần phải ra khỏi giường ngay lập tức. Trước đây tôi phải đếm đến ba và nhảy ra khỏi chiếc nệm êm trước khi thỏa hiệp với bản thân. Bây giờ tôi có thể ngồi, cuộn mình trong chăn ấm, lướt điện thoại và làm bất cứ điều gì tôi muốn khoảng 2 tiếng trước khi bắt đầu ngày mới”, Clarke nói với VICE.

Nhieu nguoi so quay lai cuoc song ban ron vao hau Covid-19 anh 1

Nhiều người trẻ như Clarke thích sự bận rộn để khẳng định giá trị bản thân. Ảnh: The Youth Culture Report.

Từ ngày giảm số giờ làm việc, Clarke được giải phóng khỏi sự hối hả.

Với nhiều người, bận rộn không chỉ là làm nhiều việc trong một ngày mà còn là thước đo thể hiện giá trị của bản thân. Việc lúc nào cũng “đầu tắt mặt tối” khiến họ cảm thấy hài lòng về bản thân. Không ít người sử dụng sự bận rộn như một cách để chứng minh giá trị của mình với đồng nghiệp, bạn bè, theo VICE.

“Làm việc trong lĩnh vực sản xuất truyền hình, tôi luôn nghĩ rằng bận rộn là một điều tốt. Nó có nghĩa là những người xung quanh tin tưởng bạn. Nó khiến tôi có cảm giác rằng mình là người quan trọng”, Clarke nói thêm.

Vào đầu thế kỷ 20, các nhà kinh tế dự đoán rằng biểu tượng của sự giàu có là cuộc sống nhàn hạ. Nó cho người khác thấy rằng bạn thành công đến mức có thể thoái thác công việc.

Thế nhưng, khái niệm này dần bị đảo ngược trong thời kỳ Covid-19. Thay vì rảnh rỗi, sự bận rộn mới là thứ được tôn vinh.

Không muốn quay về thời kỳ bận rộn

“Việc siêng năng khiến tôi cảm thấy mình là một nguồn lực quý giá, có thể đáp ứng những yêu cầu cao. Càng bận, tôi càng cố gắng hơn. Tôi chắc mình có thể đeo huy hiệu danh dự cho người bận nhất. Dù hay phàn nàn về điều đó với đồng nghiệp và bạn bè, tôi cũng thầm tự hào vì mọi người giao cho tôi nhiều hạng mục cần hoàn thành”, Robbie McDonald (53 tuổi, đến từ Vancouver, Canada), đang làm việc tại một tổ chức phi lợi nhuận, chia sẻ.

Tuy nhiên, một số người không muốn quay trở lại thế giới mà ở đó giá trị của họ được dựa trên năng suất lao động. Một loạt các bài báo gần đây đã thể hiện sự trở lại của cuộc sống quá tải.

Vào tháng 4/2021, tạp chí New York đã viết về “Những người không muốn trở lại thời kỳ bình thường”. Trong đó, bài viết đã trích lời một người đàn ông tên là William: “Có một lý do tuyệt vời để không làm gì cả. Điều này thật tốt. Tôi thấy có lỗi một chút khi nói ra như vậy”.

Trong chuyên mục tư vấn của The Cut, một độc giả đã viết: "Tôi chưa sẵn sàng để kết thúc việc cách ly”. Tờ Wall Street Journal cũng nhận định đại dịch chấm dứt đồng nghĩa với sự lo lắng sẽ quay trở lại.

Vào năm ngoái, McDonald nói với VICE rằng cô đang rất hạnh phúc với thói quen mới của mình, quy trình này “không bao gồm các cuộc trò chuyện nhóm hoặc cuộc họp khẩn cấp vào thứ 7 về những bình luận trên Facebook”.

Đại dịch mang đến cơ hội hiếm có để một số người tận hưởng giai đoạn ít bận rộn hơn theo đúng nghĩa đen. Thay vì bị cuốn vào một cuộc sống hối hả, họ có thời gian để suy ngẫm về định vị bản thân.

Carl Honoré, tác giả của cuốn sách The Power of Slow (tạm dịch: Sức mạnh của sống chậm), cho biết việc đấu tranh để chống lại sự bận rộn đã tồn tại từ trước đại dịch.

Phong trào “Chậm” đã kêu gọi mọi người sống “tận dụng từng giờ, từng phút thay vì chỉ đếm chúng. Làm mọi thứ tốt nhất có thể, thay vì càng nhanh càng tốt. Chú trọng chất lượng hơn số lượng trong mọi thứ, từ công việc đến thức ăn và nuôi dạy con cái".

Trong thời gian virus SARS-CoV-2 hoành hành toàn cầu, Honoré nhận được nhiều lá thư gửi đến để hỏi về cảm nhận của anh khi các quốc gia lần lượt tạm “đóng cửa”.

“Đại dịch là một cơn ác mộng đối với mọi người theo nhiều cách khác nhau. Nhưng tôi nghĩ nó cũng giống như việc xưởng thế giới đang vận hành chậm lại trong một năm qua”, Honoré trả lời.

Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng “đầu tắt mặt tối” thường được coi là trạng thái chung của những người có mức lương cao. Họ có nhiều khả năng gặt hái những lợi ích từ đó.

Song khi đã quen với nhịp sống chậm rãi, thư thả, không ít người gặp khó khăn hoặc lãng tránh đối mặt với một thực tế là họ sắp phải bận rộn trở lại.

“Tôi không thể quay lại công việc với tốc độ điên cuồng như trước đây”, McDonald nói.

Liệu việc bắt tay chào hỏi có trở lại vào hậu Covid-19

Gần đây, nhiều người bắt đầu tranh cãi về việc đưa văn hóa bắt tay trở lại khi chiến dịch tiêm vaccine được mở rộng.

Thảo Ngân

Bạn có thể quan tâm