Là mẫu xe mới nhất gia nhập phân khúc maxi scooter tại Việt Nam, Honda Forza 300 cạnh tranh với các đối thủ như Vespa GTS SuperTech 300 HPE, BMW C 400 X/GT hay Kymco AK550. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại cho số phận của Forza 300 khi một mẫu tay ga phân khối lớn khác của Honda đang làm mưa làm gió trong phân khúc này - SH 300i. Chưa kể đến Forza 300 ít phổ biến hơn, giá đắt hơn và không được phân phối chính hãng như SH 300i.
SH 300i thời trang, Forza 300 thoải mái
Thiết kế là điểm khác biệt mấu chốt nhất giữa SH 300i và Forza 300. SH 300i sở hữu kiểu dáng cao, hướng đến phong cách thời trang và sang trọng. Đây cũng là ngôn ngữ thiết kế đặc trưng của dòng SH nói chung.
Được mệnh danh là mẫu tay ga cho những chuyến hành trình, Forza 300 được thiết kế ưu tiên cho việc chạy xe đường dài. Một số điểm nổi bật ở thiết kế như phần đầu xe to và hầm hố, yên xe trải dài, êm ái, ghi-đông cao, hướng về người lái và kính chắn gió cao. Nét thể thao vẫn xuất hiện trên Forza 300 với các đường gân, đường cắt xẻ chạy dọc thân xe.
Honda SH 300i sở hữu các số đo dài x rộng x cao lần lượt là 2.130 x 730 x 1.195 (mm), chiều dài cơ sở 1.440 mm và chiều cao yên 805 mm. Các con số tương ứng trên Forza 300 là 2.185 x 750 x 1.180 (mm), chiều dài cơ sở 1.510 mm và chiều cao yên 780 mm.
So với SH 300i, Forza 300 nhỉnh hơn về các thông số dài, rộng và chiều dài cơ sở nhưng lại kém hơn về chiều cao tổng thể và chiều cao yên. Chiều cao yên xe thấp hơn là một lợi thế của Forza 300 vì phù hợp với thể trạng người Việt Nam. Bên cạnh đó, yên xe thấp sẽ giúp trọng tâm xe thấp và vững chãi hơn trên những chuyến hành trình. Tuy nhiên, kiểu dáng cao của SH 300i nói riêng và SH nói chung là một trong những yếu tố giúp dòng xe này được ưa chuộng tại Việt Nam.
Forza 300 nhỉnh hơn về công nghệ
Là 2 mẫu xe cùng hãng, cùng phân khối nên SH 300i và Forza 300 khá tương đồng về trang bị và công nghệ. Cả hai mẫu xe đều sở hữu hệ thống chiếu sáng hoàn toàn bằng LED ở cả trước và sau. Tuy nhiên, hệ thống đèn của Forza 300 được đánh giá là đẹp mắt hơn với dải đèn định vị DRL hình cánh chim và hệ thống đèn cos/pha chia thành 5 ngăn. Đèn báo rẽ của Forza 300 được tích hợp trên kính chiếu hậu, giúp tăng độ nhận diện trên đường.
Khóa thông minh cũng là trang bị tiêu chuẩn trên cả SH 300i và Forza 300. Cùng với phanh ABS 2 kênh, cả 2 xe đều sở hữu công nghệ kiểm soát lực kéo HSTC. Đây là công nghệ tương đối phổ biến trên các mẫu maxi scooter (mỗi hãng sẽ đặt tên khác nhau), giúp phát hiện và kiểm soát hiện tượng trượt bánh sau.
Về đồng hồ, Forza 300 được đánh giá cao hơn. Chiếc tay ga đường trường sở hữu bảng đồng hồ to với 2 đồng hồ cơ hiển thị tốc độ và vòng tua máy, ở giữa là màn hình LCD âm bản hiển thị các thông tin như lượng xăng, ODO, nhiệt độ động cơ... Trong khi đó, bảng đồng hồ của SH 300i đơn điệu, bố cục tương tự đàn em SH 150i thế hệ cũ và không có đồng hồ đo tua máy.
Forza 300 tiếp tục ăn điểm ở phần cốp xe. Cốp xe của Forza 300 có dung tích lên đến 53,5 lít, chiếm gần như toàn bộ không gian dưới yên xe. Với dung tích này, người dùng có thể chứa gọn 2 mũ bảo hiểm full-face cỡ lớn hoặc một lượng lớn đồ dùng cho chuyến đi xa. Trái ngược, cốp của SH 300i có dung tích khá nhỏ, chỉ khoảng 19 lít. Bù lại, cốp của SH 300i được trang bị sẵn cổng sạc điện thoại 12 W.
Động cơ tương đồng
Honda Forza 300 và SH 300i có sức mạnh tương đồng vì sử dụng chung nền tảng động cơ, loại xy-lanh đơn, dung tích 279 cc, sản sinh công suất 25 mã lực. Forza 300 có sức kéo tốt hơn khi có mô-men xoắn đạt 27,2 Nm, trong khi mô-men xoắn của SH 300i là 25,5 Nm.
Honda SH 300i sở hữu bình xăng 9 lít, trong khi đó, bình xăng của Forza 300 có dung tích nhỉnh hơn, khoảng 11,5 lít. Do cả 2 mẫu xe có cùng dung tích động cơ, bình xăng của Forza 300 cung cấp quãng đường di chuyển xa hơn SH 300i. Với cùng mức tiêu thụ 3,2-3,5 lít/100 km, Forza 300 có thể di chuyển tối đa 350 km với một bình xăng đầy, trong khi con số của SH 300i chỉ là 250 km.
Forza 300 chưa đủ đe dọa SH 300i
So với Honda SH 300i, Forza 300 có kiểu dáng cá tính, thể thao hơn. Nếu bạn là người thích những chuyến đi xa, Forza 300 sẽ đáp ứng bạn. Trong khi đó, SH 300i sở hữu kiểu dáng thời trang đặc trưng, đã trở thành thương hiệu và được xem là chuẩn mực của xe tay ga.
Nhược điểm của Forza 300 lại nằm ở việc phân phối. Mẫu tay ga đường trường được phân phối bởi đại lý tư nhân một cách nhỏ giọt với mức giá khoảng 350 triệu đồng - gần bằng mức giá 375 triệu của Kymco AK550. Chưa kể việc bảo dưỡng, sửa chữa gặp nhiều khó khăn hơn xe phân phối chính hãng.
SH 300i có lợi thế hơn khi đang là "ông hoàng" trong phân khúc tay ga phân khối lớn tại Việt Nam. Xe được phân phối chính hãng bởi Honda Việt Nam với mức giá 279 triệu đồng. Người tiêu dùng Việt Nam chuộng những lợi thế của SH 300i hơn những ưu điểm của Forza 300. Do đó, việc Forza 300 xuất hiện tại Việt Nam sẽ không ảnh hưởng nhiều đến SH 300i.