Tiếp nối những thành công ở thế hệ đầu tiên, Mitsubishi đã cho ra mắt phiên bản nâng cấp Xpander 2020 tại thị trường Việt Nam với kỳ vọng xây dựng vững chắc ngôi vị cao nhất trong phân khúc MPV cỡ nhỏ. Xe vẫn được nhập khẩu từ Indonesia. So với người tiền nhiệm, Xpander 2020 có một số thay đổi ở thiết kế nội/ngoại thất cũng như các trang bị đi kèm.
Trong khi đó, Suzuki Ertiga mới cũng được trình làng vào đầu năm 2020 với những nâng cấp về ngoại hình cũng như trang thiết bị tiện nghi đã đa dạng hơn. Điểm chung của Suzuki Ertiga và Mitsubishi Xpander mới là đều được nhập khẩu từ Indonesia, đều tăng giá bán.
Mitsubishi Xpander có thiết kế bắt mắt hơn
Ở phiên bản nâng cấp, kích thước của Mitsubishi Xpander không thay đổi, xe có chiều dài x rộng x cao lần lượt là 4.475 x 1.750 x 1.730 mm, trục cơ sở dài 2.775 mm, khoảng sáng gầm 205 mm và bán kính quay vòng 5,2 m.
Nếu so với Suzuki Ertiga, Xpander 2020 dài hơn 80 mm, rộng hơn 15 mm và cao hơn 40 mm, trục cơ sở cũng dài hơn 35 mm. Điều này giúp cho không gian nội thất của Xpander rộng rãi hơn đối thủ.
Cả hai mẫu xe đều sở hữu các đường dập nổi bên hông giúp cho xe thêm phần ấn tượng hơn. Thế nhưng, nếu Mitsubishi Xpander là một mẫu xe mang kiểu dáng hiện đại, bắt mắt thì Ertiga vẫn giữ những điểm đặc trưng của các dòng xe Suzuki, với kiểu dáng trung tính, không quá nổi bật.
Về ngoại hình, Mitsubishi Xpander 2020 vẫn sử dụng ngôn ngữ Dynamic Shield. Nâng cấp dễ nhận ra nhất trên phiên bản Xpander 2020 là mặt ca lăng được thiết kế lại với hai thanh chrome dày bản.
Hệ thống đèn pha sử dụng công nghệ Bi-LED thay cho bóng halogen trước đây. Nhưng với thiết kế đèn pha đặt thấp và chưa được trang bị tính năng rửa đèn sẽ gây chút bất tiện, do đèn pha dễ dính bùn đất trong quá trình di chuyển.
Trong khi đó, Suzuki Ertiga 2020 không có nhiều nâng cấp ở ngoại hình. Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất ở thiết kế ngoại thất của Ertiga 2020 là bộ mâm đa chấu đã được thay thế bằng bộ mâm 7 chấu cách điệu. Các chi tiết như lưới tản nhiệt, đèn pha halogen thấu kính projector, đèn hậu vẫn giữ nguyên thiết kế.
Nhìn chung, thiết kế ngoại thất của Suzuki Ertiga không thực sự bắt mắt so với Mitsubishi Xpander. Trong khi đó, các thông số về kích thước của Suzuki Ertiga có phần thua thiệt trước Mitsubishi Xpander. Điều này sẽ khiến không gian nội thất của Ertiga chật hơn so với đối thủ, dễ nhận thấy nhất khi ngồi ở hàng ghế thứ 3. Đây là điều sẽ khiến khách hàng cân nhắc, đặc biệt khi chọn mua xe trong phân khúc MPV 7 chỗ cỡ nhỏ.
Nội thất Xpander cao cấp hơn Ertiga
Phiên bản nâng cấp của Mitsubishi Xpander có sự tinh chỉnh đáng kể ở trang bị nội thất. Cabin xe không có sự thay đổi về cách bố trí, tuy nhiên việc nâng cấp vật liệu khiến nội thất của xe có phần cao cấp hơn so với phiên bản tiền nhiệm, cũng như đối thủ Suzuki Ertiga.
Màu sắc chủ đạo trong cabin là màu đen thay cho gam màu sáng như trước đây. Ghế được bọc da, trong khi phiên bản trước có ghế bọc nỉ. Bảng táp-lô sử dụng vật liệu nhựa đen giả da. Các chi tiết ốp trang trí cũng được làm từ nhựa giả vân carbon.
Việc sử dụng gam màu tối cũng như ghế bọc da khiến nội thất của Xpander 2020 có phần cao cấp hơn. Bên cạnh đó việc vệ sinh khoang nội thất cũng dễ hơn. Vô lăng vẫn là thiết kế 3 chấu, bọc da, tích hợp nút chức năng như âm lượng, đàm thoại rảnh tay, cruise control.
Trong khi đó, nội thất của Suzuki Ertiga 2020 không quá khác biệt với phiên bản ra mắt năm 2019. Xe có ghế bọc nỉ, chỉnh cơ. Vô lăng trên phiên bản số tự động được bọc da, tích hợp nút điều chỉnh âm thanh và đàm thoại rảnh tay. Hàng ghế thứ 2 của Suzuki Ertiga cũng được bổ sung bệ tỳ tay tương tự đối thủ.
Cả 2 mẫu xe đều có cách bố trí ghế 2+3+2, tuy nhiên không gian nội thất trên Xpander có phần rộng rãi hơn nhờ kích thước lớn hơn Suzuki Ertiga.
Hàng ghế cuối của Suzuki Ertiga không thật sự rộng rãi. Dù khoảng trần khá rộng, nhưng khoảng để chân thiếu thoải mái so với Mitsubishi Xpander. Hàng ghế này chỉ thực sự phù hợp với người có chiều cao dưới 1,65 m hoặc trẻ em.
Trang bị tiện nghi cả 2 mẫu xe ở mức đủ dùng
Về trang bị tiện nghi, Mitsubishi Xpander vẫn giữ chất thực dụng nhắm tới nhu cầu sử dụng của gia đình. Xe có đến 45 ngăn chứa đồ trong cabin, mỗi hàng ghế đều có cổng sạc 12 V. Điểm nâng cấp đáng chú ý là màn hình thông tin giải trí 7 inch, tương thích Apple CarPlay và Android Auto, thay cho màn hình 6,2 inch DVD.
Ở phiên bản nâng cấp, Suzuki Ertiga cũng đã cải tiến hệ thống thông tin giải trí. Cả phiên bản số sàn và số tự động đều được trang bị màn hình giải trí tương thích Apple CarPlay và Android Auto, tuy nhiên phiên bản số tự động sử dụng màn hình 10 inch và phiên bản số sàn là 6,5 inch. Trong khi trước đây, xe trang bị màn hình 7 inch. Điểm cộng của Suzuki Ertiga là thiết kế màn hình nổi với phần viền dày, trông hiện đại hơn so với Xpander.
Bên cạnh đó, Suzuki Ertiga còn được nâng cấp hệ thống điều hòa tự động phía trước thay cho điều hòa cơ. Khay đựng cốc trên Suzuki Ertiga còn có khả năng làm mát.
Nhìn chung các trang bị tiện nghi trên 2 mẫu MPV là tương đương nhau, đều ở mức đủ dùng, phục vụ được nhu cầu sử dụng hàng ngày của gia đình. Tuy nhiên Mitsubishi Xpander 2020 vượt trội hơn đối thủ khi có hệ thống kiểm soát hành trình cruise control, tích hợp trên vô lăng.
Suzuki Ertiga trang bị an toàn ngang Xpander
Suzuki Ertiga 2020 đã được nâng cấp các công nghệ an toàn mới. Phiên bản Ertiga Sport 2020 đã được bổ sung hệ thống cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc. Đây được xem là bước tiến lớn của mẫu xe này bởi trước đây, Ertiga bị đánh giá thấp hơn Mitsubishi Xpander về trang bị an toàn.
Mitsubishi không nâng cấp công nghệ an toàn trên Xpander 2020. Xe vẫn có ABS, EBD, hỗ trợ lực phanh khẩn cấp, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, hệ thống cân bằng điện tử, hệ thống kiểm soát lực kéo và camera lùi.
Hiệu suất động cơ tương đương nhau
Suzuki Ertiga 2020 vẫn trang bị động cơ 1.5L, công suất 103 mã lực và mô-men xoắn 138 Nm, kết hợp hộp số tự động 4 cấp hoặc số sàn 5 cấp. Trong khi đó, Mitsubishi Xpander cũng được trang bị động cơ 1.5L, công suất cực đại 104 mã lực và mô-men xoắn cực đại 141 Nm, phiên bản cao cấp nhất có hộp số tự động 4 cấp, bản MT sử dụng hộp số sàn 5 cấp.
Cần số của cả 2 mẫu xe đều có thêm cấp số 2 và L (Low) dùng trong trường hợp muốn đi cấp số thấp, bên cạnh đó là nút Over Drive ở bên trái cần số.
Không thể đòi hỏi khả năng vận hành mạnh mẽ ở một mẫu xe 7 chỗ sử dụng động cơ 1.5L. Nếu chở đủ 7 người trên xe, cả Xpander và Ertiga đều mang lại cảm giác "đuối" như nhau khi chạy đường dài hoặc đường dốc. Động cơ ở mức vừa đủ, đáp ứng nhu cầu sử dụng phổ thông trong phố với tốc độ vừa phải. Quan trọng hơn, động cơ nhỏ cũng góp phần tiết kiệm nhiên liệu.
Suzuki Ertiga có mức tiêu hao nhiên liệu là 6,11 lít/100 km (phiên bản GL) và 5,95 lít/100 km (phiên bản GLX). Trong khi đó, Mitsubishi Xpander 2020 có mức tiêu hao nhiên liệu trên đường hỗn hợp là 6,2 lít/100 km. Đây cũng là yếu tố quan trọng mà nhóm khách hàng mua xe kinh doanh dịch vụ quan tâm.
Suzuki Ertiga có lợi thế về giá bán và lựa chọn
Suzuki Ertiga 2020 có 3 phiên bản gồm Ertiga MT giá bán 499 triệu đồng, bản Limited có giá 555 triệu đồng và cao nhất là Ertiga Sport giá 559 triệu đồng. Giá bán này cao hơn đời cũ 6 triệu đồng. Trong khi đó, Mitsubishi Xpander AT 2020 có giá 630 triệu đồng, cao hơn tiền nhiệm 10 triệu đồng. Phiên bản MT 2020 của Xpander vẫn chưa được nhập về, theo thông tin từ nhà sản xuất, phiên bản này sẽ sớm được bổ sung tại thị trường Việt Nam.
Suzuki Ertiga vẫn là chiếc MPV có giá bán cạnh tranh nhất thị trường, phiên bản Ertiga Sport rẻ hơn Xpander AT 71 triệu đồng. Tất nhiên giá bán không phải là tất cả đối với một mẫu xe, đặc biệt với Suzuki, vốn có nhiều mẫu xe giá rẻ trên thị trường nhưng doanh số vẫn không mấy khả quan.