Bỏ đói, đánh đập hay để động vật chết trơ xương... là những câu chuyện đau lòng vẫn tồn tại ở nhiều sở thú trên thế giới. Nguyên nhân đến từ nhiều phía, không hoàn toàn do sự vô tâm từ giới chủ. Năm 2016, cuộc nội chiến ở Yemen từng khiến sở thú bị bỏ hoang, không ai chăm sóc. Các con vật trong đó chết dần, chết mòn và phải tự giết nhau để sinh tồn.
Sự việc con voi nhỏ nhắm mắt, tựa người vào đá trong lúc chở nữ du khách Việt Nam mới đây tại Thái Lan cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho những khu du lịch sử dụng động vật với mục đích kinh doanh, kiếm tiền.
Những con voi đáng thương ở Thái Lan
Hồi tháng 3, voi Dumbo nổi tiếng ở sở thú Phuket (Thái Lan) trở thành hiện tượng đặc biệt trên mạng xã hội. Tấm hình chụp Dumbo gầy trơ xương của tổ chức Moving Animals khiến nhiều người không khỏi xót xa. Thậm chí, tổ chức này còn thu thập được hơn 230.000 chữ ký ủng hộ việc giải cứu Dumbo.
Tuy nhiên, ánh sáng mới lóe lên với con voi tội nghiệp đã sớm bị dập tắt. Dumbo chết 2 tháng sau đó. Các bác sĩ thú y cho biết khi được đưa tới bệnh viện, con voi gãy cả 2 chân. Da thịt của Dumbo cũng chẳng khá khẩm hơn tấm hình chụp hồi tháng 3 là bao.
Cái chết của voi Dumbo khiến nhiều người yêu cầu đóng cửa sở thú Phuket. Ảnh: Moving Animals. |
Khi khám nghiệm, người ta phát hiện con voi bị nhiễm trùng đường tiêu hóa dẫn đến tình trạng tiêu chảy và không thể hấp thụ dưỡng chất. Sau quá trình điều tra, nguyên nhân Dumbo gãy cả 2 chân sau cũng được hé lộ. Bác sĩ khám cho con voi đã phải dùng từ "kinh khủng" để nói về chấn thương này.
"Hai chân trước của Dumbo mắc kẹt trong bùn và con voi đã cố gắng thoát ra bằng chân sau bên phải, nhưng nó quá yếu nên đã bị gãy. Sau đó, con voi dùng nốt chân sau còn lại và kết quả cũng tương tự", người này cho hay.
Khi chết, Dumbo mới được 3 tuổi.
Sở thú Phuket sau đó đã phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến bạo hành động vật. Một tổ chức khác là One Green Planet cũng lên tiếng kêu gọi cộng đồng mạng ký tên để đóng cửa cơ sở nuôi nhốt thú này. Tính đến nay, họ đã thu thập được 205.000 lượt ký ủng hộ. Dù vậy, sở thú Phuket vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
Quá trình nuôi dạy voi tàn bạo từng bị nhiều tổ chức lên án. Ảnh: PETA. |
Sự việc cô gái ngồi trên lưng voi kiệt sức mới đây cũng diễn ra tại Phuket, Thái Lan. "Những người quản tượng dùng một vật như cây gậy để đánh con voi nếu không chịu di chuyển. Khi khách hỏi, họ đều từ chối trả lời. Tuy nhiên, mình đã nhìn thấy những con voi khác ở đây có rất nhiều vết thương ở phần tai", nhân vật trong sự việc trả lời Zing.vn.
Bất chấp những câu chuyện đau thương vẫn diễn ra hàng ngày với nhiều con voi ở Thái Lan, xứ chùa vàng không có dự định chấm dứt tình trạng này. Theo kênh truyền hình National Geographic, sử dụng voi phục vụ du lịch đem đến lợi nhuận lớn. Do đó, chính quyền thậm chí còn hỗ trợ kinh phí để các cơ sở dạy voi hoạt động.
PETA cho biết voi con sẽ bị tách mẹ từ bé nếu được chọn vào lò luyện xiếc. Chúng bị cô lập, đánh đập và thậm chí giật điện nếu dám phản kháng.
Khỉ đột cô đơn trên nóc trung tâm thương mại
30 năm là quãng thời gian mà con khỉ đột cái Bua Noi phải giam mình trong cũi sắt ở sở thú Pata (Bangkok, Thái Lan). Nơi này có vị trí khá đặc biệt khi nằm trên tầng cao nhất của một trung tâm thương mại.
Nhiều năm trở lại đây, cái tên Bua Noi vẫn thường được nhắc đến như một "nạn nhân khốn khổ" của sở thú Pata. Cho đến giờ, con khỉ đột 30 tuổi này vẫn chịu kiếp sống một mình trong cũi sắt bẩn thỉu.
Những nhân viên của DODO, một tổ chức bảo vệ động vật, từng miêu tả sở thú này bằng các từ như "kinh tởm", "tệ hại", "không phải để sống"... Khách tham quan đến đây có thể nhận thức ăn và ném cho các con vật. Tuy nhiên, an ninh không được đảm bảo chặt chẽ. Nguồn tin của DODO cho biết có vị khách còn thò tay vào nghịch mồm một con đười ươi.
Khỉ đột Bua Noi được nhập khẩu vào Bangkok trong những năm 80 của thế kỷ trước. Bua Noi sinh ra ở Đức, chuyển đến Thái Lan hợp pháp 3 năm trước khi Đạo luật Bảo tồn Động vật hoang dã được ban hành. Nhờ sự xuất hiện của con khỉ đột, khách tham quan sở thú Pata cuối tuần trở nên đông hơn hẳn.
Sau nhiều năm kêu gọi trả tự do cho Bua Noi, con khỉ đột vẫn bị nhốt trên tầng cao nhất của trung tâm thương mại. Ảnh: IB Times UK. |
Kể từ đó, Bua Noi bị nhốt trong không gian rộng 800 m2 cùng các con vật khác ở chuồng bên cạnh. Nhiều khách đến đây kể rằng con khỉ này thường xuyên tỏ ra mệt mỏi. Bua Noi thi thoảng mới đùa nghịch khi có khách tham quan đến gần.
Năm 2014, 35.000 chữ ký yêu cầu giải thoát cho Bua Noi đã được gửi tới Cục Công viên Quốc gia, Bảo tồn Động thực vật hoang dã Thái Lan (DNP). Tuy nhiên, yêu cầu này nhanh chóng bị gạt bỏ do sở thú Pata không làm gì trái pháp luật. Tổng giám đốc DNP khi ấy lập luận không có luật nào cấm nhốt động vật trong những tòa nhà cao tầng.
Hàng năm, câu chuyện quyền lợi của Bua Noi vẫn được đưa ra nhưng chẳng có gì thay đổi. Trả lời báo giới, Kanit Sermsirimongkol, chủ sở hữu sở thú Pata, phủ nhận hoàn toàn cáo buộc ngược đãi động vật. Người này còn khuyên dân mạng đừng nên tin những bức ảnh trôi nổi, sai sự thật trên Internet.
"Chúng tôi đã nuôi Bua Noi 30 năm. Con khỉ giống như con gái của tôi vậy", Kanit cho biết.
Gấu chó "suy dinh dưỡng", cầu xin thức ăn
Vườn thú Bandung (Indonesia) từ lâu được xem như địa ngục của các con vật vì điều kiện sống quá tệ.
Năm 2017, các điều tra viên của Scorpion, một tổ chức phòng chống buôn bán động vật hoang dã, đã ghi lại clip những con gấu chó gầy trơ xương ở đây. Chúng đứng bằng 2 chân sau còn 2 chân trước giơ lên, xin bánh kẹo của khách tham quan. Theo điều tra, những con gấu này thường xuyên bị bỏ đói và chúng chỉ được cho ăn khi có đồ tiếp tế từ bên ngoài.
"Điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hầu như không có cây cối trong sở thú. Cảnh tượng khi ấy thật kinh hoàng. Chúng tôi thấy con gấu chó đang phải ăn phân của chính mình. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên lạc với nhân viên sở thú, họ lại nói con gấu đang được chăm sóc y tế và không cho tiếp xúc", nguồn tin từ Scorpion chia sẻ.
Những con gấu chó gầy trơ xương, phải xin khách tham quan đồ ăn khiến nhiều người xót xa. Ảnh: Huff Post. |
Trước đó một năm, sở thú này từng bị đóng cửa tạm thời sau cái chết của một con voi tên Yani. Theo nguồn tin của một cơ quan bảo tồn địa phương, con voi chết trong tình trạng "cơ thể bầm tím và có dấu hiệu bị ngược đãi". Bác sĩ thú y duy nhất của Bandung đã thôi việc từ năm 2015, tức là trong khoảng một năm, các con vật ở sở thú này đã không nhận được sự chăm sóc y tế.
Nhiều kiến nghị đã được gửi lên các cơ quan cấp cao. Hai tổ chức Change và Care2 còn thu thập hơn 30.000 chữ ký đòi đóng cửa sở thú. Tuy nhiên, thị trưởng của thành phố Bandung khi đó, ông Ridwan Kamil, khẳng định "không có quyền đóng cửa sở thú tư nhân".
Cho đến nay, tình trạng ngược đãi động vật ở Bandung vẫn chưa có tiến triển. Trên các diễn đàn du lịch, hầu hết lượt bình chọn cho nơi này đều ở mức thấp nhất (một sao). Nhiều người còn miêu tả điểm đến "chỉ phù hợp cho những ai muốn ngắm nhìn các con vật đáng thương".
Động vật có hạnh phúc trong sở thú không?
Đó là một câu hỏi thực sự khó trả lời. Theo nhiều nghiên cứu, tuổi thọ của động vật nuôi nhốt trong sở thú cao hơn so với sống ngoài tự nhiên. Mặt trái của việc thêm vài năm tuổi đời là một cuộc sống tù túng, quanh năm ở trong không gian chật hẹp. Lâu dần, nhiều con vật còn có thể mắc chứng zoochosis (một chứng tâm thần thường xảy ra ở các con vật bị nhốt quá lâu trong sở thú).
Một số vấn đề khác cũng xảy ra trong quá trình nuôi nhốt động vật là vấn đề dinh dưỡng. Bên cạnh các trường hợp bị bỏ đói như trên, nhiều con vật được cho ăn quá nhiều (từ nhân viên sở thú lẫn du khách) và không mấy khi vận động dẫn đến bệnh béo phì.
Mọi chuyện đều có 2 mặt. Ngoài những mặt tối mà các điều tra viên, bảo vệ động vật nhìn thấy, chúng ta không thể phủ nhận nhiều lợi ích mà sở thú đem lại. Nhờ có các cơ sở này, động vật bị săn bắn quá nhiều sẽ được bảo tồn, chăm sóc.
Câu hỏi về sự cần thiết của sở thú hay việc nuôi nhốt động vật hoang dã sẽ còn gây tranh cãi nhiều trong tương lai. Dù vậy, nhiều diễn đàn và bình luận trên mạng cũng đưa ra lời khuyên rằng những người chủ sở thú cần có trách nhiệm cho động vật một môi trường thật tốt, sau khi đã tách chúng từ thiên nhiên.