Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sở Y tế TP.HCM nói về đề xuất cấm bán thuốc qua livestream

Đại diện Sở Y tế TP.HCM đồng tình việc bán dược phẩm qua livestream là không được phép và cần được quản lý chặt chẽ.

Mới đây, Bộ Y tế đề xuất các cơ sở kinh doanh dược phẩm không được bán hàng qua mạng xã hội hoặc livestream, chỉ được bán trên sàn thương mại điện tử, website.

Tại họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 11/1, ông Nguyễn Hải Nam, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết về quy định phương thức thương mại điện tử trong lĩnh vực dược, cơ quan này đã có ý kiến và gửi về Bộ từ tháng 10/2023.

Theo ông Nam, Sở Y tế thống nhất các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược thì được phép kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử, thông qua website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở; sàn giao dịch điện tử được cấp phép bởi ngành Công thương.

Các cơ sở không được bán hàng trên nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến. Do đó, việc bán dược phẩm qua livestream là không được phép.

Theo quy định, kinh doanh dược là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cơ sở kinh doanh dược phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và phải thực hiện đúng phạm vi kinh doanh được quy định trong giấy chứng nhận.

"Hiện nay, việc kinh doanh dược trực tuyến chưa được pháp luật công nhận. Chúng tôi xin khẳng định bán thuốc qua hình thức livestream là vi phạm pháp luật", Phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh.

cam livestream ban thuoc anh 1

Ông Nguyễn Hải Nam, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: Thành Nhân.

Về mặt quản lý, ông Nam cũng nhấn mạnh Sở sẽ thường xuyên theo dõi chặt chẽ việc quảng cáo, xin phép quảng cáo của các cơ sở kinh doanh thuốc trên các kênh thông tin điện tử.

Đại diện Sở Y tế cũng kêu gọi người dân có thể phản ánh ngay với Sở về việc kinh doanh thuốc qua mạng, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không có số đăng ký hoặc quảng cáo gây nhầm lẫn giữa thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Sở Y tế sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để tiến hành kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm (nếu có) ngay sau khi nhận được phản ánh.

Đề xuất các cơ sở kinh doanh dược phẩm không được bán hàng qua mạng xã hội hoặc livestream, chỉ được bán trên sàn thương mại điện tử, website được Bộ Y tế đưa ra trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đang được Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Quốc hội thảo luận.

Theo Bộ Y tế, cơ sở kinh doanh dược phẩm khi bán hàng trên trang thương mại điện tử có thể đăng một số thông tin về sản phẩm mà không phải xin xác nhận từ cơ quan quản lý. Đó là bao bì thương phẩm của thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng, nhãn thuốc đã được phê duyệt và một số nội dung quảng cáo khác.

Đồng thời, Bộ cũng đề xuất bổ sung quy định các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược được phép kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử thông qua website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở; sàn giao dịch điện tử được cấp phép của ngành công thương đáp ứng điều kiện kinh doanh dược.

Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới

Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Năm 1990, hàng loạt công ty mới được thành lập ở Việt Nam, trong đó có nhiều công ty tập trung sản xuất cà phê trên quy mô lớn. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.

Người đàn ông bị sán dây chó vì món ăn người Việt ưa chuộng

Người đàn ông 38 tuổi có sở thích ăn các thực phẩm tái hoặc sống nhiều lần như: thịt cừu nướng chưa chín, tiết canh dê, rau sống và gỏi cá mai.

Nguyễn Thuận

Bạn có thể quan tâm