Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sốc đột ngột với phim Việt hậu chiến tranh

Chính cú sốc này đã khiến "Những đứa con của làng" gây ấn tượng mạnh bởi tính nhân văn.

Những đứa con của làng là bộ phim tâm huyết của đạo diễn Nguyễn Đức Việt trong đề tài chính luận. Mở đầu phim, người xem cảm nhận được những hình ảnh thân thuộc của làng quê Việt Nam với màu xanh của sông, núi, những người phụ nữ gồng gánh đi trên chiếc cầu tre độc mộc... cùng những giai điệu dân ca miền trung ngọt ngào.

Nhưng cái chất liệu ngọt ngào, êm dịu đó chỉ diễn ra rất ngắn trong khoảng thời gian gần 1 phút, bởi những cảnh quay tiếp lại là hình ảnh bom đạn, khói lửa của chiến tranh, màu đỏ của dòng sông quê hương bị nhuốm máu cùng đó là âm thanh chúa chát... Những hình ảnh đau thương dồn dập ập đến khiến người xem bị... sốc đột ngột và buộc phải hình dung tới sự ghê rợn, gớm ghiếc của chiến tranh.

Poster phim Những đứa con của làng.

Và ngay sau đó, câu chuyện mở ra với bối cảnh của 20 năm sau, với hình ảnh đoàn người nối dài đi trong một đám tang không kèn, không trống, không tiếng khóc, thậm chí còn có cả tiếng cười.

Dẫn đầu đoàn người đi đưa tang là vị trưởng làng - một ông già đã ngoài 70 tuổi, miệng hô: “Hai mươi tháng sáu sáu lăm (20/6/1965), làng mình chết hết một trăm bốn người (104 người)…”.

Cảnh quay trong phim Những đứa con của làng.

Tiếp đến là cảnh đoàn người đứng giữa khu nghĩa địa, tay lăm lăm cuốc, rựa, gậy, cây… đập lên một ngôi mộ như để xả nỗi oán hờn.

Người nằm dưới ngôi mộ ấy là một trưởng làng xưa kia từng dẫn giặc về giết hại người dân. Đoàn người trong đám tang là những người may mắn thoát chết cùng con cháu, người thân của họ. Đám tang chính là ngày giỗ làng, cũng là ngày cả làng kéo nhau ra xả hận lên ngôi mộ của tên trưởng làng phản bội năm xưa.

Phim có khoảng 30 diễn viên, nhưng chủ yếu là diễn viên quần chúng, còn diễn xuất chính chỉ có 5 nhân vật. Bối cảnh phim trong một hai căn nhà, túp lều, dăm ba ngôi mộ và hai bên bờ sông bị tách rời bởi chiếc cầu đang xây dở.

Ít ỏi và đơn giản vậy, nhưng điều mà Những đứa con của làng để lại là bức thông điệp lớn lao và đầy nhân văn về tình người, về sự hòa giải và hòa hợp dân tộc. Vấn đề nghe có vẻ đao to búa lớn và mơ hồ ấy được dẫn dắt, tháo gỡ bằng câu chuyện về sự thay đổi trong suy nghĩ của vị trưởng làng già.

Từ chỗ nhất mực cố chấp không để con trai của tên phản bội năm xưa được bước chân về làng thắp hương cho cha mình, càng không để anh này di dời ngôi mộ sang vùng đất khác, dần dà vị trưởng làng này đã nhận ra sai lầm của mình khi bao nhiêu năm qua chỉ biết rao giảng mọi người ôm hận và trả thù người đã khuất.

Giấc mơ của vị trưởng làng gặp và câu nói ông được nghe trong mơ: "Ông chết rồi... Nhiều người đã chết, nhưng không nhận ra mình đã chết..." xoáy sâu vào tim người xem. Qua đó, tính nhân văn của bộ phim được thể hiện rõ nét.

Không quá khi nói rằng, một trong những thành công lớn nhất của phim là diễn xuất của diễn viên. Nam diễn viên Huy Cường và nữ diễn viên Thúy Hằng đã khiến người xem không khỏi ngạc nhiên.

Diễn viên Thúy Hằng thể hiện thành công nhân vật cô Bưởi lái đò.

Huy Cường chuyên đóng vai phản diện từ giang hồ lưu manh đến sở khanh độc ác… lần này lại hóa thân thành Bèn - một gã dở hơi có ngoại hình như Chí Phèo nhưng vô cùng nhân hậu. Những tình tiết liên quan đến nhân vật do Huy Cường đóng đều được xây dựng rất nhân văn, từ tình bạn tri kỷ với một chú gà, đến tình yêu đơn phương với Bưởi - cô lái đò xinh đẹp mà Thúy Hằng đảm vai.

Thuý Hằng vào vai nữ chính duy nhất của phim. Đây là vai diễn ''xấu xí'' nhất về ngoại hình mà Thúy Hằng từng đảm nhiệm. Nếu như trước đây cô thường hóa thân thành những phụ nữ lộng lẫy nơi phố thị, thì trong Những đứa con của làng, cô vào vai một phụ nữ nông thôn lam lũ, đau khổ, cuộc đời trắc trở với nhiều nỗi niềm. Không chỉ lột xác về ngoại hình, Thúy Hằng còn được đánh giá là đã có bước tiến dài về diễn xuất trong phim này.

Đạo diễn Nguyễn Đức Việt từng chia sẻ: “Qua bộ phim tôi chỉ muốn nói một điều giản dị rằng: Nếu ta thực sự muốn thì không có cái hố nào của quá khứ là quá sâu mà ta không vượt qua được!”.

Phim Việt làm về chiến tranh nhiều, nói về nỗi oán hận thời hậu chiến cũng không ít, nhưng nói tỷ mỉ và chi tiết về sự hận thù, những éo le như Những đứa con của làng thì chắc hẳn không nhiều.

Có mặt trong đêm ra mắt Những đứa con của làng tại Hà Nội ngày 25/2, bà Nguyễn Thị Mai (70 tuổi, Quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Tôi có đọc qua thông tin về bộ phim từ trước Tết và rất muốn đi xem, lần này may mắn có được vé mời đi xem phim trong buổi ra mắt. Phim có một kịch bản mang đậm chất văn học, tính nhân văn. Xem phim tôi cảm nhận được nỗi đau, sự mất mát của người dân mình trong chiến tranh. Mặc dù vẫn còn một vài điểm theo tôi là chưa thực sự hoàn hảo như các tình tiết chưa được sắp xếp tinh tế, có chiều sâu hơn... Nhưng tôi vẫn cho rằng đây là bộ phim đáng để xem".

Những đứa con của làng được chọn là một trong hai phim đại diện Việt Nam tranh tài tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2014. Lúc đó, khá nhiều khán giả tò mò không hiểu điều gì khiến bộ phim này vượt mặt nhiều bộ phim khác để thuyết phục Hội đồng tuyển chọn phim. Việc chính thức công chiếu phim trong ngày 27/2 này tại các rạp trên cả nước sẽ đưa ra lời giải đáp thỏa đáng.

http://www.24h.com.vn/phim/soc-dot-ngot-voi-phim-viet-hau-chien-tranh-c74a693031.html

Theo Đông Vũ/ Dân Việt

Bạn có thể quan tâm