Theo Daily Mail, ngay khi nhập viện tại Bệnh viện Saiseikai Utsunomiya (Nhật Bản), người phụ nữ (chưa biết tên, 43 tuổi) cho biết bà đã làm bánh xèo từ gói bột đã mở túi và để dưới sàn nhà cách đây một năm.
Trong lúc làm bột đổ bánh xèo, bệnh nhân cho biết liên tục xuất hiện các dấu hiệu sổ mũi, hắt hơi, khó chịu. Đến khi ăn bánh, bệnh nhân liền bị dị ứng nặng và bất ngờ đau bụng, tiểu chảy, thở khò khè. Những người thân của người phụ nữ này sau khi ăn bánh cũng cảm thấy sức khỏe không ổn.
Dựa trên túi bột đổ bánh xèo do bệnh nhân cung cấp, các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm thấy tới 4.500 mạt bụi Dermatophagoides farinae, 11 loài vi khuẩn Chelacaropsis moorei trên mỗi gram bột.
Đồng thời, kết quả xét nghiệm cho thấy người phụ nữ này bị dị ứng với mạt bụi nhưng không dị ứng với bất kỳ thành phần nào khác có trong bánh xèo như trứng, khoai mỡ, thịt heo, tôm và mực. Bệnh nhân hồi phục nhanh sau khi uống thuốc kháng dị ứng.
Vụ việc này được bác sĩ Katsunori Masaki - người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân - báo cáo trên tạp chí y khoa BMJ.
Người dị ứng mạt bụi thường có các triệu chứng thường bao gồm sổ mũi, sưng mắt và ngực căng. Một số ít trường hợp ăn lượng lớn mạt bụi siêu nhỏ gây ra triệu chứng nghiêm trọng được gọi là sốc phản vệ.
Sốc phản vệ miệng được coi là nguyên nhân tiềm ẩn của các phản ứng dị ứng nghiêm trọng và thường bị các bác sĩ bỏ qua. Sự nguy hiểm nằm ở chỗ bột bị nhiễm mạt bụi trông có vẻ bình thường, trắng và khô. Mạt bụi có thể xuất hiện nhiều ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới do nhiệt độ và độ ẩm cao của các khu vực này.