Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sốc vì con là 'mama tổng quản' ở lớp

Con gái tôi mắt ráo hoảnh đưa cho tôi tờ giấy thông báo từ cô giáo chủ nhiệm của con. Lần thứ hai, vẫn một nguyên nhân giống lần trước: bắt nạt bạn, nhưng mức độ trầm trọng hơn rất nhiều.

Hiền Như là con gái duy nhất của vợ chồng tôi, năm nay vừa lên lớp 7. Sự việc bắt đầu xảy ra từ cách đây 2 tháng khi cô con gái len lén bước vào phòng và lí nhí nói có việc cần nhờ. Trên tay con bé cầm bản kiểm điểm vừa viết chưa ráo mực để xin chữ ký của mẹ. Tôi cầm đọc lướt qua nội dung của bản kiểm điểm (viết về chuyện con bé và một số đứa bạn của nó bắt nạt một đứa bạn khác cùng lớp).

“Con chỉ trêu bạn ấy thôi chứ không bắt nạt gì cả mà cô giáo cứ bảo thế”, con bé thanh minh trước.

Đang bận làm việc nên tôi ký luôn vào, không quên răn đe lấy lệ: “Liệu hồn mà lo học hành cho cẩn thận, đừng có a dua theo chúng nó đi trêu chọc. Lần sau mà còn đưa những thứ giấy tờ kiểu này là mẹ sẽ không ký cọt gì nữa đâu đấy”.

Tôi không suy nghĩ gì nhiều vì con gái tôi ở nhà vẫn luôn tỏ ra ngoan hiền, dịu dàng không đanh đá ghê gớm gì. Nhưng chỉ mấy hôm sau, cô giáo chủ nhiệm của Hiền Như đột ngột gửi thông báo yêu cầu phải mời phụ huynh đến nói chuyện trực tiếp. Tôi đã phải cố thu xếp để nghỉ một buổi làm việc để đến trường gặp cô giáo.

Hóa ra sự việc không hề đơn giản như tôi vẫn nghĩ. Khi đích thân đến nói chuyện với cô giáo chủ nhiệm lớp của Hiền Như, tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Theo lời cô giáo kể, ở lớp con gái tôi được bạn bè đặt biệt danh là “Mama tổng quản” vì cái thói đành hanh, chuyên tụ tập bạn bè đi bắt nạt trong lớp.

Nạn nhân của con gái tôi và nhóm bạn của nó là những học sinh ngoan ngoãn, hiền lành, được thầy cô bạn bè quý mến. Cô giáo kể con gái tôi là đứa đầu têu, xúi giục bạn bè “tẩy chay” bạn chỉ vì lý do rất… phi lý: “Cái Thảo là đồ đạo đức giả, bố mẹ nó chắc xu nịnh cô giáo gì đó nên mới được thiên vị chứ học giỏi, ngoan ngoãn gì cái thứ nó”.

Trên thực tế, Thu Thảo - nạn nhân của con gái tôi và nhóm bạn của nó là lớp phó học tập của lớp, chăm chỉ và gương mẫu nên được nhiều bạn bè và thầy cô yêu mến. Hiền Như và nhóm bạn của nó ngăn cản không cho Thu Thảo tham gia, chơi đùa với những người bạn khác trong lớp. Con bé và nhóm bạn còn lập mưu phao tin đồn nhảm, dựng chuyện nói xấu sau lưng các nạn nhân. Một đồn mười, mười đồn trăm, cứ như vậy những tin đồn thất thiệt, vô căn cứ lan truyền nhanh chóng đến khắp lớp, toàn khối rồi toàn trường. Trước búa rìu dư luận bất ngờ ập xuống đầu, nạn nhân yếu ớt hoang mang, không biết phản kháng thế nào vì “thanh minh là thú tội” nên chỉ còn cách im lặng, buông xuôi và cam chịu. Khi chuyện đến tai người lớn thì Thu Thảo đã trở nên trầm cảm, học hành sa sút vì bị đe dọa, tẩy chay.

Hôm trước, cô giáo bắt quả tang con gái tôi và mấy đứa bạn khác đang dồn ép, bắt Thu Thảo phải ở lại làm công việc trực nhật, quét lớp thay, còn dọa nếu không làm theo hoặc đi mách với cô thì sẽ bị chúng nó lấy giẻ lau bảng… trát lên mặt.

Cô giáo đã yêu cầu Hiền Như và những học sinh khác có liên quan phải viết bản kiểm điểm, xin chữ ký của bố mẹ và công khai xin lỗi bạn trước lớp trong giờ sinh hoạt lớp. Tuy nhiên, cô giáo thấy ái ngại và lo lắng khi chứng kiến thái độ dửng dưng, vô cảm và thiếu chân thành hối lỗi của Hiền Như trong lúc làm việc đó “như một cái máy” nên yêu cầu gặp phụ huynh để nói chuyện trực tiếp.

Sau khi hiểu tường tận câu chuyện, tôi cũng chỉ biết hứa hẹn với cô giáo sẽ quan tâm, dạy bảo con cẩn thận hơn. Khi về nhà, tôi và cả chồng đều tức giận vì con gái đã làm những việc khiến bố mẹ mất mặt. Chúng tôi mắng Hiền Như một trận, rồi dẫn con bé đến tận nhà của Thu Thảo, xin lỗi về những điều con gái tôi đã gây ra. Chúng tôi còn dọa nếu còn để xảy ra việc tương tự như vậy thì sẽ cắt tiền tiêu vặt, và quyết định hủy luôn vụ mua cái xe đạp điện mà con bé vẫn ao ước.

Những tưởng việc đó sẽ khiến con gái có cảm giác xấu hổ, biết lỗi và lần sau sẽ không tái phạm nữa, vậy mà chỉ một tháng sau khi sự việc đó xảy ra. Hiền Như lại đến trước mặt tôi chìa tờ thông báo mà cô giáo gửi về gia đình, trong đó có nêu rõ: Hiền Như lại tái phạm lỗi lần trước, không ăn năn hối hận mà vẫn tiếp tục xúi giục bạn bè tẩy chay, cô lập Thu Thảo “để trả thù” khiến cho nạn nhân sợ đến mức không dám đi học nữa.

Bố mẹ Thu Thảo rất phẫn nộ và yêu cầu nhà trường phải can thiệp ngay lập tức. Chính vì thế, Hiền Như và bạn bè sẽ chính thức bị đưa ra hội đồng kỷ luật. Vì là người khởi xướng, Hiền Như sẽ còn lập tức bị đình chỉ học 1 tuần và mời phụ huynh đến gặp ban giám hiệu nhà trường để nói chuyện và thảo luận cách giải quyết.

Vợ chồng tôi sững sờ khi đọc hết nội dung của tờ thông báo của nhà trường gửi về gia đình. Sự giận dữ tăng lên gấp bội, chúng tôi trút một loạt những câu hỏi lên đầu con gái như tại sao lại đến nông nỗi này, đang nghĩ gì mà lại dám làm những việc như vậy, bây giờ muốn gì, và định sẽ làm gì…

Trong tiếng khóc nức nở, Hiền Như thú nhận với chúng tôi rằng con bé bị ức chế tâm lý với bố mẹ vì có cảm giác bị bỏ rơi, không được yêu thương, quan tâm như trước nữa. Cả tôi và chồng đều bận rộn tối ngày điều hành công ty tư nhân của gia đình nên chẳng có nhiều thời gian quan tâm săn sóc và dạy dỗ con gái. Tất cả mọi việc sinh hoạt trong gia đình chúng tôi đều giao phó cho người giúp việc. Guồng quay cuộc sống kéo đi khiến chúng tôi không nhận ra những thay đổi tâm lý của cô con gái đang bước vào tuổi dậy thì. Chẳng biết từ khi nào, con bé trở nên ghen tức với những người bạn được bố mẹ quan tâm, được thầy cô cưng chiều, bạn bè quý mến. Từ đó, Hiền Như nảy sinh ý định đặt điều, xúi giục các bạn trong lớp cô lập, tẩy chay người đó “để làm nó chừa cái thói chảnh chọe, ngứa mắt đó đi”.

Những lời con bé nói khiến chúng tôi như sực tỉnh. Đúng là từ trước đến nay, chúng tôi chỉ quen dùng uy quyền của người lớn áp đặt, bắt con gái phải làm theo điều này, điều nọ chứ chưa hề ngồi lại thảo luận kỹ càng, giải quyết gốc rễ của vấn đề nên khiến con gái có phản ứng tiêu cực như thế. Cả tôi và chồng nhìn Hiền Như đang ngồi khóc rấm rứt trước mặt mà cảm thấy vô cùng lúng túng.

Hai vợ chồng tôi vào phòng thảo luận riêng. Chúng tôi đều thấy rõ rằng sự thờ ơ, thiếu quan tâm của chúng tôi đối với con gái là nguyên căn của mọi chuyện.

Cả tôi và chồng quyết định từ nay về sau sẽ dành nhiều thời gian hơn để đem hơi ấm yêu thương về tổ ấm gia đình, sắp xếp thời giờ để trực tiếp quan tâm, săn sóc đến Hiền Như nhiều hơn, cũng như trở thành chỗ dựa tinh thần cho con, hướng dẫn và giúp đỡ con tránh khỏi và vượt qua những va vấp trên đường đời. Chúng tôi cũng phân tích cho con hiểu nếu có điều gì không hài lòng với bố mẹ, thầy cô thì có thể trao đổi trực tiếp và chia sẻ thẳng thắn, không nên dùng bạn bè làm nơi trút bỏ những ấm ức bực bội.

Nghĩ đến trường hợp những cô cậu học sinh bắt nạt bạn rồi dẫn đến hành vi phạm pháp, bị truy cứu hình sự, tôi không khỏi lo sợ. Cũng may là chuyện của Hiền Như đến nước này tuy đã muộn nhưng chưa phải không thể cứu vãn. Giờ là lúc vợ chồng tôi phải sát cánh ngay bên cạnh để đưa con trở lại con đường đúng đắn.

Theo Gia đình Việt Nam

Bạn có thể quan tâm