Chợ đêm Raohe tại quận Phú Nhuận mở cửa từ 16h đến 22h hàng ngày. |
Raohe là một trong những chợ đêm lâu đời của Đài Loan (Trung Quốc), được thành lập từ năm 1987 và hiện là chợ đêm du lịch thứ hai của TP Đài Bắc sau Ximending. Nơi đây bày bán nhiều sản phẩm thủ công và thực phẩm đặc trưng địa phương cho khách du lịch.
Nếu chưa có dịp đến Đài Loan, du khách có thể tham quan phiên bản thu nhỏ của chợ đêm Raohe tại khu ẩm thực Rạch Miễu, đường Hoa Phượng, quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Khu chợ bắt đầu hoạt động từ đầu tháng 4, mở cửa từ 16h đến 22h hàng ngày. Lối đi dọc khu chợ dài khoảng 100 m với gần 20 gian hàng bày bán các món ăn Đài Loan và Việt Nam.
Trong đó có 3 gian hàng dựng bằng gỗ, hai bên treo đèn lồng đỏ, biển hiệu ghi tên Raohe bằng tiếng Anh và tiếng Trung, mô phỏng kiến trúc hàng quán trong chợ đêm Raohe của Đài Loan.
Khu chợ bắt đầu hoạt động từ tháng 4, thu hút nhiều thực khách trẻ tuổi. |
Theo Michelin, chợ đêm Raohe tại TP Đài Bắc là “thiên đường của những người sành ăn” với các món ẩm thực nổi bật như bánh bao tiêu đen Phúc Châu, sườn heo hầm thuốc bắc, bún hàu, ma shu bao bao (bánh mochi nếp tươi), đậu phụ thối.
Khu chợ ở TP.HCM cũng bày bán một số món ăn nổi tiếng của chợ đêm Raohe ở Đài Loan được Michelin đánh giá cao như mì bò Đài Loan, cơm thịt heo, canh lòng bò.
Ngoài ra còn có các món ăn vặt như trà, trà sữa nướng, đậu hũ chiên, bánh bao kẹp.
Các món ăn trong chợ đêm Raohe ở TP.HCM có mức giá dao động 30.000 - 70.000 đồng một món. Trong ảnh là đậu hũ chiên (trái), mì bò (giữa), cơm thịt heo (phải) cùng trà và trà sữa phục vụ trong chợ.
Đồ ăn tại chợ đêm đều được trình bày trong hộp, tô giấy. |
Từng đến Đài Loan du lịch vào tháng 4, Minh Vy (28 tuổi, TP.HCM) cho biết mì bò tại chợ đã có sự thay đổi về hương vị để phù hợp với khẩu vị của người Việt. “Nước dùng và thịt đậm vị hơn, hương liệu thảo mộc được tiết chế, dễ ăn hơn so với mì bò gốc ở Đài Bắc”, cô nói.
Cũng theo thực khách này, các món ăn tại khu chợ được trình bày trong hộp, tô giấy khá đẹp mắt. Không gian được vệ sinh sạch sẽ, bàn ghế sắp xếp gọn gàng. Điểm hạn chế là sử dụng muỗng, đũa dùng một lần và giá thành hơi cao, khoảng 50.000 - 60.000 đồng cho một món ăn, Vy nhận xét.
Từng có thời gian du lịch Đài Loan trong 6 tháng, Lewi (du khách quốc tịch Anh) nhận xét món ăn Đài Loan ở Việt Nam có sự khác biệt nhiều với món ăn gốc, đậm vị hơn, mang đến trải nghiệm mới lạ về ẩm thực.
Lewi thấy tiếc vì chỉ có 3 quầy hàng Đài Loan, không gian chưa được tận dụng tối đa. “Tôi hy vọng tương lai sẽ có thêm nhiều gian hàng khác xây dựng theo phong cách Đài Loan để tái hiện hoàn hảo hơn không gian chợ đêm Raohe”, anh nói.
Du khách Lewis (phải) đến từ Anh và bạn là Reilly (trái) tìm khu chợ đến thưởng thức món ăn. |
Các quầy hàng được thiết kế và trang phí khá giống chợ đêm Raohe nhưng do được dựng mới nên thiếu cảm giác cổ điển, xưa cũ. Tuy nhiên, đây vẫn là địa điểm check in mới mẻ cho những thực khách trẻ.
Đi vào hoạt động hơn 2 tháng, khu chợ thu hút đông thực khách, đặc biệt vào khung giờ 19-21h. Mặc dù chưa thể so sánh với không khí đông vui của chợ đêm Raohe tại TP Đài Bắc, khu chợ có nét riêng là chỉ tập trung vào ẩm thực, không bày bán các sản phẩm ngoài lề hay quà lưu niệm.
Bên cạnh ẩm thực Đài Loan, các quầy hàng nằm dãy phía bên phải bày bán một số món ăn Việt Nam như bún bò Huế, bún ốc, bún riêu; các món ăn Hàn Quốc và Hong Kong với giá dao động 50.000-80.000 đồng để thực khách lựa chọn. Thực khách lưu ý gửi xe ở bãi cách chợ 10 m rồi đi bộ vào tham quan.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.