Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa thông tin về trường hợp dị vật đường tiêu hóa ở trẻ 33 tháng tuổi.
Bà ngoại của cháu bé cho biết trước đó, tại gia đình, bé nôn ọe nhiều, sau đó kêu đau họng.
Người nhà không thấy sợi dây chuyền bé đang cầm, nghi nạn nhân đã nuốt, nên móc tay vào họng. Gia đình lập tức đưa trẻ đến bệnh viện. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán đây là trường hợp dị vật đường tiêu hóa.
Ngay sau đó, các bác sĩ gây mê nội khí quản và nội soi dạ dày. Dị vật gắp ra là sợi dây chuyền dài khoảng 40 cm. Sau quá trình nội soi, trẻ tỉnh và đã có thể ăn uống trở lại.
Dị vật sau khi được gắp bỏ khỏi dạ dày của trẻ. Ảnh: BVCC. |
Theo BSCKI. Đỗ Quang Út, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, dị vật đường tiêu hóa trên là tình trạng cấp cứu thường gặp ở mọi lứa tuổi.
Khi nghi ngờ trẻ nuốt phải dị vật, gia đình cần đưa ngay đến cơ sở y tế, tuyệt đối không nên tìm cách tự lấy dị vật hoặc cho trẻ ăn để đẩy chúng xuống. Hành động này có thể gây tổn thương nặng hơn, khó xử trí hoặc sặc vào đường thở, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Việc trẻ ăn uống sau khi nuốt phải dị vật khiến thủ thuật can thiệp lấy ra phải trì hoãn do nguy cơ sặc hít khi gây mê. Dị vật để muộn do can thiệp phải làm giảm cơ hội lấy thành công bằng nội soi (phương pháp can thiệp tối thiểu), tăng tỷ lệ phải phẫu thuật, biến chứng và có thể gây tử vong.