Săm soi người khác tức là cố soi mói, bới móc, tìm kiếm thông tin, bình phẩm người khác cho thỏa tính tò mò và chứa nhiều nội dung hơn thua so sánh nhằm thỏa mãn ích kỷ hay ghen tức cá nhân.
Thường đó là thông tin không mấy ủng hộ và thiếu thiện cảm, thậm chí hả hê với thất bại đối với người bị săm soi. Thói săm soi càng có cơ hội gia tăng chóng mặt như là một mặt trái của bùng nổ thông tin trên nhiều kênh xã hội hiện nay.
Suy nghĩ tích cực cố tìm điểm tốt của người khác thường chỉ có được khi một người đã giảm và chế ngự phần nào "tham, sân, si" vốn đã tồn tại tự nhiên trong mỗi con người.
Tìm điểm tốt người khác, tức là đang "gạn đục khơi trong" với người khác, bỏ qua được thiếu sót gì, cố bỏ cho nhau, cuối cùng để giúp người và người gần nhau hơn, sống tử tế với nhau hơn, hạnh phúc hơn, đem lại yên bình trong tâm hồn của chính mình và cho người bạn đang quan tâm.
Không gì bằng cứ mỗi ngày trôi qua, bạn và những người bạn quan tâm được sống trong một tâm trạng hoan hỉ, nhẹ nhàng, chia sẻ và luôn biết ơn nhau.
Vậy bạn nên săm soi hay cố tìm điểm tốt người khác? Y học sẽ cung cấp bằng chứng khách quan cho bạn thêm thông tin để tự quyết định.
Tính săm soi có hại như nào cho cơ thể?
Nhiều nghiên cứu cho thấy nhóm nghiên cứu gồm những người có tính săm soi người khác, thường đi kèm với tính ghen tỵ, giận hờn, hằn học, hơn thua, giận dữ, thù ghét…
Trong khi đó, nghiên cứu cũng cho thấy một người giận dữ hay bực bội trong lòng sẽ làm tăng sản xuất chất cortisol trong máu. Chất cortisol tăng cao trong máu liên tục sẽ dẫn đến các tác hại cơ thể như một "kẻ giết người thầm lặng". Chúng bao gồm:
Mất cân bằng lượng glucose trong máu, phát sinh bệnh đái tháo đường
Chất cortisol tăng cao trong thời gian dài liên tục tạo ra glucose, dẫn đến tăng lượng đường trong máu. Cơ chế này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Ngoài ra, mức cortisol tăng cao gây ngăn cản tác dụng của insulin, dẫn đến tình trạng kháng insulin của các tế bào, làm phát sinh bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Dần dần, theo thời gian, tuyến tụy phải tăng đáp ứng với nhu cầu cao về insulin, lượng đường trong máu vẫn ở mức cao, các tế bào không thể nhận được lượng đường cần thiết. Vòng cơ chế bệnh lý này cứ luẩn quẩn.
Giận dữ hay bực bội trong lòng sẽ làm tăng sản xuất chất cortisol trong máu.sẽ dẫn đến các tác hại cơ thể. |
Gây tăng cân, béo bụng
Mức Cortisol cao làm tăng lưu trữ chất béo nội tạng. Cortisol có thể huy động chất béo trung tính từ nơi lưu trữ và chuyển chúng đến các tế bào mỡ nội tạng như tế bào vùng dưới da bụng chẳng hạn. Thêm nữa, mức cortisol cao có thể liên quan đến tăng cân thông qua cơ chế rối loạn đường máu và đề kháng insulin.
Mức đường máu cao liên tục cùng với sự ức chế insulin dẫn đến các tế bào bị đói glucose. Các tế bào khi thiếu năng lượng, sẽ gửi tín hiệu kêu cứu đói đến não, khiến bạn có thể ăn quá nhiều.
Và lẽ dĩ nhiên, khi đường glucose không sử dụng hết sẽ được lưu trữ dưới dạng chất béo trong cơ thể, nhất là lớp mỡ dưới da bụng, chị em đánh mất "eo lưng ong".
Ngăn chặn và gây suy yếu hệ thống miễn dịch
Đúng là chất cortisol có chức năng giảm viêm trong cơ thể, cơ bản, tác dụng này tốt. Nhưng theo thời gian, những nỗ lực giảm viêm của chất cortisol ở mức cao liên tục sẽ ngăn chặn và làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
Suy yếu miễn dịch sẽ phát sinh hàng loạt rắc rối đối với cơ thể như dễ mắc cảm lạnh và các bệnh do virus, vi khuẩn khác; tăng nguy cơ ung thư; tăng nguy cơ dị ứng thực phẩm; tăng nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa…
Tăng nguy cơ tử vong
Một số nghiên cứu cho thấy cortisol cao có liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ tử vong của những người mang tâm trạng thù hận cao hơn từ 1,5-2 lần so với người có tâm trạng ổn định và bình thường.
Cơ thể khỏe mạnh hơn khi nghĩ tích cực
Nghiên cứu của các nhà khoa học còn phát hiện khi trong bạn giữ thiện niệm, buông bỏ, nghĩ tốt và tích cực về những người xung quanh, cơ thể sẽ tiết ra một chất endorphin - còn gọi là chất "hạnh phúc" - giúp tế bào cơ thể được khỏe mạnh.
Chất endorphin có cấu trúc tương tự như morphin - một loại thuốc phiện, được coi là thuốc giảm đau tự nhiên. Endorphin là chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ có tác dụng tạo cảm xúc tích cực, cải thiện tâm trạng và giảm đau... giúp hoạt động của các tế bào miễn dịch tốt hơn.
Nhờ đó, con người ít ốm đau, bệnh tật hơn, tâm trạng hưng phấn và giàu năng lượng tích cực hơn. Các tác dụng tuyệt vời của chất endorphin mà bạn cần biết, bao gồm:
Giảm rõ stress, trầm cảm hoặc lo âu
Chất endorphin cùng với 3 chất serotonin, dopamine và oxytocin được coi là chất mang lại "hạnh phúc" mà trời đất ban tặng cho con người, là những chất có khả năng thúc đẩy tâm trạng hưng phấn, vui vẻ và thoải mái.
Ổn định huyết áp và bảo vệ tim mạch
Endorphin giúp giảm căng thẳng hay stress, vì vậy có nhiều lợi ích trong việc tăng cường sức khỏe và ổn định hoạt động hệ tim mạch.
Ngủ ngon và chống đau nhức cho cơ thể
Endorphin ảnh hưởng đến tâm trạng tổng thể, tăng khả năng chịu đau, điều hòa đồng hồ sinh học cơ thể. Vì vậy, nó giúp bạn ngủ ngon và giảm đi đau nhức cơ khớp.
Chất endorphin kết hợp với melatonin và dopamine chi phối giấc ngủ ngon, cảm giác sảng khoái khi bạn thức dậy buổi sáng.
Tăng cường chức năng não bộ
Endorphin rất có lợi và tăng quá trình nhận thức cũng như thúc đẩy sự sáng tạo và nguồn cảm hứng của chính bạn.
Giúp bạn đối phó với cơn đau "vặt"
Endorphin được xem như là "thuốc phiện nội sinh", giúp giảm đau tự nhiên trong cơ thể. Rất đơn giản, khi bạn vui vẻ phấn khích hay sung sướng, chất endorphin tăng tiết làm bạn quên đi các cơn đau khắp mình mẩy gây phiền toái cho bạn hàng ngày.
Giúp bạn có xu hướng muốn kết nối với người khác
Endorphin giúp tăng sự gắn kết, tăng tính mềm dẻo trong các mối quan hệ, thúc đẩy bạn phải tìm kiếm các kết nối cá nhân, tăng sự đồng cảm và sẻ chia với người khác.
Vậy cuối cùng, bạn muốn chọn tính cách nào trong hai tính cách săm soi và cố tìm điểm tốt với người khác? Bạn tự cân nhắc lấy.
Nhưng có một điều không thể chối cãi - ngay chính bạn hay những người bạn quan tâm, không chắc ai là hoàn hảo cả. "Nhân bất thập toàn" luôn đúng cho mọi người. Thôi chi bằng, hãy cố đi tìm điểm tốt, điểm tích cực và cố bỏ qua những điểm tệ nhưng không đến nỗi nào của những người bạn quan tâm.
Cứ mỗi ngày trôi qua, nếu bạn cố nghĩ tích cực, cố tìm điểm tốt của một người khác thay vì cứ chăm chăm vào góc khuất của họ, bạn đừng vội nghĩ rằng bạn đang "tạo phước" cho mình hay "làm thiện" cho họ.
Bạn cần biết chính khi xây dựng cho mình cách nghĩ tích cực như vậy, bạn đang làm tốt hơn khả năng tự kiềm chế cảm xúc và tiệm cận dần đến sự buông bỏ mà mọi người đang cố hướng đến. Chính bạn là người đang "thu lợi" từ cách sống hay cách nghĩ của mình. Ít nhất, bạn lợi thêm một chút chất endorphin "hạnh phúc" đang tràn vào mọi ngõ ngách của cơ thể bạn.