Tính đến 22h, ngày 14/5, video về hang Sơn Đoòng được hãng tin ABC đăng tải trên trang Facebook dành cho người yêu mến Good moring America (Chào buổi sáng nước Mỹ) thu hút 822.743 lượt view (xem), 24.145 lượt like (yêu thích) và 17.465 lượt share (chia sẻ).
“Tôi muốn đến đó ở”
Trong hàng chục nghìn bình luận, khán giả đều tỏ ra ngạc nhiên trước vẻ đẹp do thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam, có nhiều người mong muốn đến Quảng Bình để khám phá Sơn Đoòng. Thậm chí, họ còn mong rời bỏ cuộc sống công nghiệp đầy áp lực, bon chen để vào hang ở.
Trang Facebook Good Morning America. |
SharryEarl Cooper khen ngợi: “Thật tuyệt vời. Đó như là sự sáng tạo kỳ vĩ của ông trời!”.
Một khán giả tên Margie Heitman viết: “Hang Sơn Đoòng là hang động đẹp nhất thế giới. Nó như đưa tôi vào trung tâm của trái đất này”. Trong khi đó, khán giả Dennis Diaz khao khát: “Tôi muốn đến đó ở”.
Còn anh Ida Will chia sẻ: “Tôi hy vọng hang sẽ không bị phá hủy giống như hầu hết các công trình kiến tạo của Chúa trời”.
“Hang động giống như trong phim Avatar. Đẹp tuyệt vời”, nhà báo Ginger Zee, công tác tại kênh ABC tâm sự sau khi thực hiện chương trình đặc biệt về Sơn Đoòng. |
Lời nhắn gửi của người Mỹ
Bên cạnh sự kinh ngạc và ước ao được một lần đến với Sơn Đoòng, nhiều ý kiến khán giả Mỹ bày tỏ mong muốn chính phủ Việt Nam sẽ tích cực bảo vệ, bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên của Sơn Đoòng.
Chị Bianconerista lo lắng: “Tôi nghe nói người ta sẽ xây dựng cáp treo dẫn vào hang. Công trình đó sẽ phá hủy vẻ đẹp tự nhiên”.
Tính đến ngày 14/5, bản kiến nghị kêu gọi ngừng thi công công trình cáp treo Sơn Đoòng do người dân trong nước và bạn bè quốc tế vận động đã có hơn 73.000 chữ ký điện tử.
Nhiều khán giả Mỹ bày tỏ mong muốn chính phủ Việt Nam sẽ tích cực bảo vệ, bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên của Sơn Đoòng. |
“Tôi đã ở Việt Nam một năm, và tôi ước giá đừng có chiến tranh thì đây quả là một đất nước tuyệt đẹp”, ông Gene Rees, một du khách Mỹ từng đến Quảng Bình vào năm ngoái cho biết ông mê sự kỳ vĩ của hang Sơn Đoòng, nhưng xót xa trước cảnh nơi đây bị ảnh hưởng chất độc da cam mà quân đội Mỹ rải xuống trong chiến tranh xâm lược, gây di chứng dị tật cho người dân.
Ông Reed S, Franklin, một cựu chiến binh Mỹ viết trên Facebook để đáp lại người đồng bào Gene Rees: “Xin chào ông Gen, tôi từng ở Việt Nam 2 năm, từ tháng 2/1967-4/1969, quả thật đó là một đất nước tuyệt đẹp với hàng triệu triệu người dân có tấm lòng thiện lương, bác ái. Vợ tôi, Ann và tôi đã có dịp trở lại Việt Nam hồi tháng 10/2009. Chúng tôi nhận được tình yêu, tha thứ và sự đón tiếp nồng hậu”.