Bất cứ ngôi sao nào của bóng đá thế giới cũng có những niềm đau che giấu, và Son Heung-min cũng không ngoại lệ. Trước khi trở thành tên tuổi của bóng đá thế giới, chân sút người Hàn Quốc đã phải trải qua nỗi đau, vượt qua định kiến và có sự khổ luyện.
Nửa giờ đồng hồ sau khi trận tứ kết lượt đi Champions League giữa Tottenham và Man City kết thúc, sân vận động vắng lặng như tờ. Những khán giả tới sân theo dõi trận đấu về gần hết.
Son Heung-min đang là trụ cột trong đội hình Tottenham. |
Son Heung-min - siêu anh hùng của bóng đá châu Á
Tuy nhiên, lấp ló trên góc khán đài vẫn còn vài người vẫn chưa sẵn sàng. "Taegukgi" (Son Heung-min), người đang giương cao lá cờ Hàn Quốc", là một trong số đó. Anh cùng bạn bè tận hưởng cảm giác chiến thắng. Với quốc kỳ trên tay, hình vẽ in trên má, hay áo số 7 với chữ "SON" sau lưng, những CĐV từ Hàn Quốc vô cùng sung sướng.
Thần tượng của họ Son Heung-min đã có trận đấu tuyệt vời. Anh ghi bàn duy nhất ở phút 78 sau pha solo mang đúng phong cách chơi bóng từ ngày đầu đặt chân sang châu Âu.
Một tuần trước, Son Heung-min chính là người ghi bàn thắng đầu tiên cho Tottenham trên sân vận động mới. 7 ngày sau khi xé lưới Man City trên sân nhà, cựu tiền đạo Bayer Leverkusen tiếp tục ghi 2 bàn vào lưới đại diện thành Manchester, giúp Spurs lần đầu vào bán kết Champions League.
Không cần nói tiếp những gì diễn ra một tháng sau. Lịch sử đang chờ Son Heung-min và đồng đội. Đó là lịch sử của Tottenham, người Hàn Quốc và bóng đá châu Á.
Tròn thập niên từ ngày Son Heung-min sang châu Âu. Ở tuổi 17, với tham vọng lớn và sự kiên định của người cha - vốn là cựu cầu thủ lỡ thời - chân sút người Hàn Quốc đã đi chặng đường dài để có thành công.
Với một người châu Á, trở thành cầu thủ chuyên nghiệp đã rất gian truân, nên việc trở thành ngôi sao sáng chói ở châu Âu lại khó hơn. Son Heung-min hiểu rõ điều này nhất, dù khi mới đặt chân đến Hamburg (Đức), ít ai dám nghi ngờ tài năng của cầu thủ này.
"Ngày đó cậu ta đã là ngôi sao", HLV Roger Schmidt - người bây giờ đang dẫn dắt CLB ở Trung Quốc hồi tưởng. Schmidt - khi đó đang là HLV đội một Leverkusen - nhanh chóng nhận ra tài năng của cậu nhóc đến từ Hàn Quốc.
"Nhiều cổ động viên ở Bundesliga yêu mến Son Heung-min", HLV này nói tiếp.
Son Heung-min đang có phong độ tốt gần đây. |
Cầu thủ châu Á và những định kiến
Không chỉ CĐV, nhiều lãnh đạo của các đội bóng cũng hứng thú với viễn cảnh mua cầu thủ châu Á. Khi còn dẫn dắt Southampton, HLV Mauricio Pochettino đã cố chiêu mộ Son Heung-min nhưng bất thành. Bayern Munich từng ngỏ ý, và nhiều CLB lớn khác cũng muốn có Son Heung-min
Biểu tượng của bóng đá châu Á luôn đem lại lợi ích cho đội bóng bên ngoài sân cỏ. Những gì HLV Schmidt nói đều có lý do.
Mùa hè 2013, Leverkusen "được cứu bàn thua trông thấy" về mặt tài chính. Hợp đồng tài trợ chính trên áo đấu với đối tác cũ hết hạn. Tháng 6/2013, họ đem về Son Heung-min từ Hamburg với giá 10 triệu euro, đắt nhất trong lịch sử đội bóng.
2 tháng sau, tập đoàn sản xuất đồ điện tử hàng đầu Hàn Quốc ký với Leverkusen bản hợp đồng tài trợ chính trên áo đấu có thời hạn 3 năm, còn Son trở thành đại sứ thương hiệu cho hãng này. Hợp đồng của Levekusen nhà tài trợ kết thúc vào năm 2016, khi Son chuyển sang Tottenham.
Hãy nhớ rằng khi CLB châu Âu ký hợp đồng với một cầu thủ châu Á, không phải tất cả đơn thuần vì lý do chuyên môn. Nó từng là định kiến. Nhiều người tin các bản hợp đồng được chiêu mộ từ châu Á giống như chiêu bài marketing khi giúp CLB tăng thêm nguồn thu tài trợ, và lượng fan khổng lồ từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc.
Điều này kéo theo nhiều hệ lụy khó lường. Khi cầu thủ được CLB ký hợp đồng không chỉ vì lý do chuyên môn, anh ta khó nhận được sự đánh giá đúng mức từ HLV, và đặc biệt đồng đội. Park Ji-sung từng là trường hợp như vậy.
Tới nay, cựu tiền vệ Manchester United vẫn là cầu thủ Hàn Quốc và châu Á thành công nhất lịch sử Champions League. Anh trở thành người đầu tiên đá ở trận chung kết cúp châu Âu năm 2009, 2011 và đoạt danh hiệu cao quý này năm 2008.
Tuy nhiên, Park Ji-sung cũng có nỗi đau riêng. HLV Alex Ferguson tiết lộ quyết định không đăng ký tiền vệ người Hàn Quốc trong trận chung kết Champions League 2008 là tiếc nuối lớn trong sự nghiệp. Sir Alex tiếc cho cậu học trò chăm chỉ và luôn cống hiến hết mình. Nhà cầm quân người Scotland loại Park Ji-sung chỉ vì không phải là người Anh, Brazil hay Argentina.
Khi Sir Alex sửa sai trong 2 trận chung kết Champions League năm 2009 và 2011 bằng việc để Park Ji-sung đá chính, Manchester United đều gục ngã. "Quỷ đỏ" thất bại vì không thể vượt qua giới hạn năng lực trước Barca quá mạnh, cũng như giới hạn trong năng lực của Park Ji-sung, cầu thủ vẫn được biết đến nhờ sự miệt mài hơn là khoảnh khắc tài năng.
Park Ji-sung vẫn là cầu thủ Hàn Quốc thành công nhất ở Champions League. |
Tâm sự của những người Hàn Quốc
Khi Lim Hyun-joo, giảng viên của trường Đại học Bournemouth, so sánh những khó khăn các cầu thủ châu Á phải gặp ở châu Âu, hay hoàn cảnh của những người nhập cư tại Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, đó tuyệt nhiên không phải những lời nói hồ đồ.
Park Ji-sung đã trải qua 7 năm ở Old Trafford để sắm vai "một công nhân" trong cỗ máy chiến thắng của Sir Alex Ferguson. Với giảng viên Lim, chuyện tương tự đang xảy ra với người đàn em Son Heung-min.
"Những quan sát của tôi trên các phương tiện truyền thông cho thấy có sự đối xử khác biệt giữa cầu thủ châu Á với cầu thủ châu Âu hoặc châu Mỹ", giảng viên Lim nói.
"Khi cầu thủ châu Á tỏa sáng, đó luôn là câu chuyện của nỗ lực, chăm chỉ và vượt qua nhiều khó khăn. Nó không phải là ngôn ngữ người ta hay nói về các siêu anh hùng trong bóng đá".
Lee Young-pyo cập bến CLB Hà Lan PSV Eindhoven năm 2003, một năm sau khi cùng tuyển Hàn Quốc lập nên kỳ tích ở World Cup 2002. Anh nhanh chóng nhận được sự tin tưởng từ HLV Guus Hiddink, người đã cùng anh làm việc trước đó. Tuy nhiên, Lee nhanh chóng nhận ra những người đồng đội của mình có suy nghĩ khác.
"Tôi phải đối mặt với những định kiến quen thuộc dành cho cầu thủ châu Á", Lee thổ lộ. Nhiều đồng đội tin rằng cầu thủ này đến đây không hẳn nhờ tài năng. "Không dễ để vượt qua điều đó, tôi phải mất hơn một năm", tiền vệ người Hàn Quốc cay đắng thốt lên.
Với Son Heung-min, truyền thông, đặc biệt tại Anh, đã vẽ nên diện mạo về cầu thủ với cuộc sống khắc khổ, tôn trọng kỷ luật, không bao giờ có vấn đề với HLV và đặc biệt luôn làm việc chăm chỉ.
Dĩ nhiên để đạt được những thành công hiện tại, Son Heung-min hội tụ đủ mọi yếu tố. Thies Bliemeister, người đại diện của Son, miêu tả thân chủ của mình như kẻ "hiếm bao giờ ở yên trong nhà". Khi còn là cậu bé tuổi teen ở Hamburg, Son luôn tập luyện, tập luyện và tập luyện.
Với cầu thủ châu Á, xóa bỏ định kiến là điều không hề dễ dàng. Phải mất hơn 2 năm sau ngày chuyển đến Tottenham, Son Heung-min mới được HLV Pochettino coi là ngôi sao quan trọng của đội bóng.
"Cậu ta không bao giờ từ bỏ, luôn cố gắng, cố gắng và cố gắng không ngừng", vị thuyền trưởng người Argentina cho biết.
Tuy nhiên, liệu những lời đánh giá đó có thật sự công bằng? Giống như cái cách người ta luôn nói về Cristiano Ronaldo thành công nhờ chăm chỉ, và Messi thành công nhờ tài năng thiên bẩm.
Trước khi trở thành cỗ máy chiến thắng, Ronaldo luôn là cậu nhóc đầy tài năng. Để có thể trở thành quái vật ngoài hành tinh, Messi phải dành hàng giờ trên sân tập.
Chúng ta có thể đặt ra câu hỏi, sự nghiệp của Son lẽ ra có thể thăng tiến nhanh hơn tới mức nào nếu người ta ghi nhận đúng mức tài năng bóng đá của anh, thay vì những định kiến điển hình của cầu thủ châu Á.
Tuy nhiên, lịch sử vẫn đang chờ Son Heung-min ở chung kết Champions League 2019. Tỏa sáng và trở thành người định đoạt số phận trận đấu, tiền đạo người Hàn Quốc có thể sẽ còn vĩ đại hơn Park Ji-sung và giúp thế giới có con mắt khác nhìn về những cầu thủ châu Á.