Gặp cô Dung ngay tại ngôi trường mà cô đang công tác - trường tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai), tôi khá ấn tượng với cách nói chuyện của cô: Hoạt ngôn, tự tin, năng động và có phần cá tính. Trò chuyện với cô Dung, chúng tôi càng nhận thấy ở cô tình yêu nghề luôn bỏng cháy.
Người “TO” nhất không phải là hiệu trưởng
Bởi trong nhiều câu chuyện, cô chỉ xoay quanh chủ đề về đổi mới giáo dục. Điều đó lý giải vì sao hiện nay trường tiểu học Lê Ngọc Hân đã có những thay đổi không nhỏ: Không gian học tập khá thân thiện, sân trường được tận dụng để bài trí thành các góc học tập giúp các em có thể tự học trong giờ học hay giờ ra chơi.
Đặc biệt, đây là trường đầu tiên của tỉnh Lào Cai có bể bơi do học sinh đề xuất, nhờ đó mà hơn 70% học sinh trong trường biết bơi.
Lớp học của cô giáo Thùy Dung. |
Thế nhưng, cô Dung dí dỏm nói: “Ở trường tôi, người “TO” nhất không phải là hiệu trưởng, mà là em học sinh đang làm Chủ tịch Hội đồng tự quản trường”.
Đó là vì cô quan niệm: Để đổi mới nhà trường và thực hiện thành công mô hình VNEN, nhất thiết học sinh phải xoay quanh 6 chữ “TỰ”: Tự giác - Tự quản - Tự học - Tự đánh giá - Tự trọng - Tự tin. Với hướng đi đó, Trường Tiểu học Lê Ngọc được Sở GD&ĐT Lào Cai chọn là trường trọng điểm của tỉnh về mô hình trường học mới Việt Nam.
Gập ghềnh bước chân sơn nữ
Tuy nhiên trước khi về ngôi trường này công tác, cô Dung đã từng có thời gian công tác ở các cơ sở giáo dục như: Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú số 1 huyện Bát Xát, Trường Tiểu học Thị trấn Bát Xát và được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng khi chưa đầy 25 tuổi, sau đó 5 năm cô được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng của Trường Tiểu học Thị trấn Bát Xát.
Dù ở đâu và với bất kỳ cương vị nào, cô Dung luôn tự tìm cho mình một hướng đi mới và để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Khi làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Bát Xát cô đã mạnh dạn tổ chức các hoạt động giáo dục rất “khác người” như: Thành lập góc cộng đồng, góc khéo tay, góc tiếng Anh và góc giáo dục kĩ năng sống cho các em ngay tại sân trường.
Trong lớp, cô bố trí sắp xếp lại chỗ ngồi cho học sinh theo hình thức nhóm. Đồng thời, mỗi lớp có một hòm thư “Điều em muốn nói”. Với cách làm mới lạ, hiệu quả nên nhà trường đã được đón rất nhiều đoàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm và đã nhận nhiều phản hồi tích cực từ các trường bạn.
Cùng trong thời điểm trên, cô Dung đã quyết định thực hiện đổi mới trong toàn trường về phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm và thực hiện dân chủ đến từng giáo viên, nhân viên, học sinh. Theo đó, tất cả giáo viên, học sinh được đề xuất những mong muốn, nguyện vọng của mình trong năm học.
Giáo viên được tự xây dựng nội quy đơn vị, được bầu cử, bày tỏ ý kiến một cách dân chủ, vô tư. Học sinh thì được học tập gắn với thực tiễn và trải nghiệm sáng tạo.
“Ngày ấy, lần đầu tiên tỉnh Lào Cai có học sinh đi học cấy, gặt lúa. Khi học về môi trường thì các em đến nhà nhau rồi cùng dọn dẹp, làm vệ sinh.
Hoặc khi học đến bài có liên quan về kinh doanh, chúng tôi tổ chức “Hội chợ trường học” để đấu giá các sản phẩm do chính các em làm ra.
Tất cả những điều đó chính là một trong những cơ sở thực tiễn quan trọng để Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định lựa chọn Lào Cai là tỉnh đầu tiên triển khai thí điểm Mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Thị trấn Bát Xát” - cô Dung cho biết.
Mơ làm cô giáo từ thuở vỡ lòng
Là con út trong một gia đình nghèo có 5 anh chị em ở xã Báo Đáp (Trấn Yên,Yên Bái), cô Dung trải lòng: “Tôi mơ ước được làm cô giáo từ khi còn học vỡ lòng.
Vì thế mà tôi hay chơi trò lớp học với các bạn cùng xóm và lần nào tôi cũng được bầu làm cô giáo. Ước mơ của tôi cứ thế lớn dần theo năm tháng, dù rằng cũng có những lúc tưởng chừng như bị đứt đoạn vì gia đình quá khó khăn”.
Tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Yên Bái, cô được nhận vào dạy tiểu học ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú số 1 của huyện Bát Xát. Trường nằm trên địa bàn Bản Xèo - xã đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện khoảng 30 km đường rừng.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất hồi đó là: Nhiều học sinh lớp 5 đã 15-16 tuổi, nên trong lớp cô chủ nhiệm đã có học sinh nữ biết yêu. Vì vậy, tối nào cô cũng phải canh chừng để bạn gái đó không đi chơi mà chuyên tâm học hành.
Tuy nhiên, thấy cách này không mang tính bền vững, vậy là cô đã đề nghị với nhà trường thành lập tổ quản lý nội trú nữ và bầu bạn gái “biết yêu” làm tổ trưởng.
Bằng cách này, bạn gái đã nhận thức được vấn đề và học hết bậc THCS. Cô học sinh ngày ấy đã là một cán bộ phụ nữ của xã Bản Xèo.
“Hay như có những lần tôi và cô Phó Hiệu trưởng phải đi bộ hơn 10 km đường rừng để vận động học sinh đến trường. Trời mưa, đường sá trơn trượt, lầy lội cộng với dốc cao, rừng rậm, tôi liên tục bị ngã và phải bám vào từng gốc cây để đi.
Thú thật tôi đã nghĩ đến chuyện bỏ nghề, nhưng khi đến được bản làng, nhìn các em dân tộc rất “khát chữ”, tôi lại có thêm nghị lực để tiếp tục bám trường, bám lớp, “gieo chữ” cho các em” - cô Dung tâm sự.
Mới đó đã gần 20 năm cô Dung gắn bó với bục giảng và có được những thành công nhất định. Đằng sau thành công ấy, cô luôn có một hậu phương vững chắc, mà gần gũi nhất là người chồng luôn hết mực yêu thương, chia sẻ.
“Với tôi, ông xã không chỉ là bạn tâm giao mà còn là người đã tiếp thêm nghị lực, niềm tin để tôi hoàn thành công việc ở trường. Gia đình đã giúp tôi vận dụng được nhiều kinh nghiệm trong công việc hàng ngày” - cô Dung bộc bạch.
Cô Trần Thị Thùy Dung được lựa chọn cùng 10 đại diện tiêu biểu các nước thành viên Đông Nam Á được nhận Giải thưởng Công chúa Thái Lan (Princess Maha Chakri Award - PMCA) hồi tháng 10/2015.
Đây là giải thưởng quốc tế dành cho thầy/cô giáo/lãnh đạo trường có nhiều đóng góp và cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục của đất nước. Cô cũng là nhà giáo đầu tiên và duy nhất của Việt Nam tính đến thời điểm này được nhận giải thưởng.