Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Sống ảo’ thăng hoa với trào lưu ngồi nhà ghép ảnh du lịch muôn nơi

Nhiều người mặc dù không hề đi đâu, vẫn đăng hình sống ảo như đang ở các địa danh nổi tiếng thế giới. Trào lưu này trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia, thậm chí được thương mại hóa.

Trong thế giới kỹ thuật số mà chúng ta đang sống, nhiều người hiện coi trọng các lượt thích trên mạng xã hội hơn là trải nghiệm thực tế. Phần quan trọng của kỳ nghỉ trở thành việc chụp ảnh tự sướng hoàn hảo thay vì tận hưởng hay tạo ra trải nghiệm thực sự.

Năm 2014, Zilla van den Born, sinh viên thiết kế đồ họa người Hà Lan đã chế giễu lối sống này khi tạo ra chuyến du lịch châu Á giả mạo bằng Photoshop.

trao luu ghep anh du lich anh 1
Trong 6 tuần liên tiếp, Zilla liên tục đăng ảnh về chuyến du lịch qua các nước châu Á nhưng thực chất cô không hề rời khỏi Amsterdam (Hà Lan). Ảnh: Zilla van den Born.

Theo cô, giới trẻ thường chọn lọc và kiểm soát những gì mình thể hiện trên mạng xã hội, tạo ra thế giới trực tuyến lý tưởng mà thực tế không thể đáp ứng. Mục tiêu của Zilla là chỉ ra cho mọi người thấy rằng chúng ta dễ bị lừa gạt qua hình ảnh như thế nào.

Theo một nghiên cứu của tạp chí Time, hơn 1/3 nam giới và 26% phụ nữ thừa nhận chỉnh sửa ảnh du lịch để trông như họ đang ăn, ở hoặc đến nơi nào đó đắt hơn so với thực tế.

Một khảo sát khác với hơn 4.000 người Mỹ trên 18 tuổi, nhu cầu nói dối về những chuyến du lịch là khá phổ biến. Kết quả khảo sát cho thấy 14% người tham gia nói dối về kỳ nghỉ xa hoa, 10% đăng ảnh “ảo” trên mạng xã hội. Nhiều người được khảo sát thừa nhận họ muốn gây ấn tượng với người khác như bố mẹ của bạn bè hay đồng nghiệp.

trao luu ghep anh du lich anh 2
Rất nhiều người hào hứng với dịch vụ chỉnh sửa ảnh, ghép hình vào phông nền có sẵn. Ảnh: Fake A Vacation.

Nắm bắt tâm lý và xu hướng đó, dịch vụ chỉnh sửa ảnh có trụ sở tại Nebraska (Mỹ) có tên Fake A Vacation ra đời. Dịch vụ cho phép người dùng tải ảnh lên và ghép vào phông nền có sẵn. Chẳng cần phải biết Photoshop để làm giả ảnh du lịch, với Fake A Vacation, người dùng có thể tạo dáng ở bất cứ đâu và biến hóa khung cảnh phía sau thành các điểm nghỉ dưỡng đáng mơ ước như Las Vegas, Hawaii, Grand Canyon hay Disneyland.

Khách hàng đặt gói ảnh trực tuyến của công ty và chờ xử lý, sau đó họ nhận được một liên kết để gửi ảnh. Nhân viên sẽ gợi ý trang phục để khách mặc, phù hợp với từng bức ảnh và ghép hình của họ vào phông nền. Các gói dịch vụ có giá từ 19 USD và gửi trả ảnh trong vòng 3 ngày.

Nhờ sự bùng nổ của các nền tảng truyền thông xã hội, khách hàng của dịch vụ này ngày càng tăng lên. Công ty Fake A Vacation cũng phát triển thêm các sản phẩm tương tự để phục vụ khách hàng.

trao luu ghep anh du lich anh 3
Ví dụ này là cách bạn có thể giả mạo một chuyến du lịch đến thành phố Barcelona (Tây Ban Nha). Ảnh: Krome Photos.

Bên cạnh đó, nhiều công ty khác cũng bắt đầu khai thác thị trường tiềm năng này. Krome Photos cung cấp các khung cảnh ở Barcelona (Tây Ban Nha), khinh khí cầu Cappadocia (Thổ Nhĩ Kỳ) và Tử Cấm Thành của Bắc Kinh (Trung Quốc).

Câu chuyện phía sau những kỳ nghỉ giả mạo cũng nhận được các phản hồi khác nhau. Cuối năm 2018, Johanna Olsson (người Thụy Điển) có 522.000 người theo dõi trên Instagram đã bị chỉ trích vì chỉnh ảnh du lịch khắp Paris (Pháp).

Đáp lại phản hồi tiêu cực, Olsson khẳng định cô thực sự đến Paris và giải thích rằng: “Tôi đã chụp một bức ảnh và thấy rằng nó không đẹp nên đã thay nền khác. Khi đăng ảnh, không có ai nhận ra nên tôi nghĩ điều này là được”.

Bên cạnh đó, nhiều người biến trào lưu này thành những trò đùa thú vị. Gần đây, Gabbie Hanna, blogger nổi tiếng Australia (với 3,8 triệu người theo dõi) đăng lên trang cá nhân ảnh chuyến đi đến lễ hội Coachella 2019 (California, Mỹ). Những bức ảnh “siêu thực tế” của cô thu hút hàng trăm nghìn lượt yêu thích và rất nhiều bình luận tán thưởng.

trao luu ghep anh du lich anh 6
Blogger Hanna đăng ảnh giả mạo toàn bộ chuyến đi đến Coachella 2019 và giải thích đó chỉ là trò đùa qua một video trên Youtube. Ảnh: Gabbie Hanna.

Tuy nhiên, ngay sau đó, cô tiết lộ sự thật qua một video đăng trên Youtube, giải thích cách mình đã giả mạo tất cả. Nữ blogger mặc trang phục chủ đề theo phong cách lễ hội và chụp ảnh tại nhà một người bạn thân, sau đó biến phông nền này thành bãi cỏ ở Marina del Ray, California.

Hanna cho biết trò đùa của cô là lời nhắc nhở rằng mọi thứ trên phương tiện truyền thông xã hội có thể không giống như những gì được thể hiện.

Trào lưu sống ảo bên cửa sổ máy bay gây sốt mạng xã hội Chỉ với những vật dụng quen thuộc trong nhà, cùng góc quay hợp lý, bạn sẽ có được tấm hình sống ảo chẳng khác gì đang ngồi trên máy bay thật.

Trào lưu chụp ảnh khỏa thân của giới trẻ Australia khi đi du lịch

Tài khoản mạng có tên Get Naked Australia, nơi những bức ảnh “trần trụi” được công khai, đã thu hút được hơn 230.000 người theo dõi.

Uyên Hoàng

Theo New York Post, Good

Bạn có thể quan tâm