Cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội, cụm từ "sống ảo" ngày càng phổ biến và trở thành trào lưu trong giới trẻ. Bàn về vấn đề này, TSKH Đoàn Hương cho rằng mạng xã hội đang có ảnh hưởng không nhỏ đến giới trẻ.
- Bà có thấy giá trị sống của nhiều người trẻ hiện nay có đang có vấn đề, họ sống gấp, thiếu chọn lọc thậm chí sống ảo và chạy theo những giá trị ảo?
- Xã hội đang lệch chuẩn, thế hệ trẻ ngày nay bị bủa vây bởi rất nhiều loại thông tin, như vậy họ sẽ cần có bộ lọc tin. Khi tin tức nhiều, những người có tri thức hoặc những người có văn hóa cao sẽ biết chọn lọc thông tin cần để thu nạp.
Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương nói về trào lưu sống ảo của giới trẻ.
|
Nhưng nhiều bạn trẻ chưa có văn hóa nền cần thiết, chưa có phông văn hóa lớn thì không lọc được, bạ cái gì cũng “nhét” vào người. Phải thừa nhận rằng, mạng xã hội, tin giật gân… tất cả những điều đó tác động không nhỏ đến người trẻ.
Thực sự nhiều bạn trẻ hiện nay đang mất định hướng, thiếu lý tưởng sống... do nhiều nguyên nhân. Hiện nay nhiều gia đình buông rơi con cái vì mải mê kiếm tiền, nhà trường thì nặng về dạy kiến thức mà quên đi dạy trẻ văn hóa ứng xử, những giá trị sống thực sự.
Con người không ai sống bằng thế giới ảo được mà chúng ta phải sống trong thế giới thật. Muốn thay đổi điều đó thì vấn đề là văn hóa. Đây chính là văn hóa ứng xử.
Con người phải ứng xử đúng mực với cuộc sống và cái này thì chúng ta phải giáo dục cho thanh niên hôm nay.
- Hệ lụy của lối sống ảo này là gì, thưa bà?
- Đáng lo ngại là đang có sự đánh đồng giữa nổi tiếng và tai tiếng đã khiến cho nhiều bạn trẻ ngày càng sa đà trong cuộc sống. Có những người nghĩ là mình nổi tiếng vì mình đã trở thành một người được facebook tung hô, nó tạo nên những “sản phẩm” như Bà Tưng, Lệ Rơi.
Bây giờ muốn nổi tiếng bạn trẻ chỉ cần có tiền chi cho các công ty hoặc gây scandal thì cũng sẽ được “nổi tiếng”. Tưởng là nổi tiếng nhưng đó thực sự là tai tiếng.
Mạng xã hội đã tạo nên những “anh hùng bàn phím” thiếu văn hóa facebook, thiếu nhân văn...
Hẳn chúng ta vẫn còn bàng hoàng về cô gái 13 tuổi ở Khánh Hòa câu like trên Facebook rằng nếu được 1.000 like sẽ châm lửa đốt trường. Không ngờ số like nhanh chóng vượt mức 1.000 và cô đã đốt trường trước sự hô hào, cổ vũ của bạn bè.
Nhiều người cho rằng một bộ phận giới trẻ hiện nay cần nhìn vào sự việc này để xem xét lại bản thân và điều chỉnh hành vi của mình một cách đúng đắn. Một lần nữa, những câu chuyện câu like bằng cách đốt trường hay tự thiêu nhảy cầu là hồi chuông cảnh tỉnh không chỉ với giới trẻ mà tất cả những người đang sử dụng mạng xã hội hiện nay.
Giới trẻ nên hiểu rằng, con người phải sống trong thế giới thật, với những giá trị thật, chứ sống với những giá trị ảo là vô cùng nguy hiểm.
- Mạng xã hội hẳn nhiên là con dao hai lưỡi, nó tác động vào đời sống của giới trẻ khá nhiều khiến họ nhiều khi bị ảo tưởng bản thân, mất định hướng trong cuộc sống?
- Không phải đâu. Thực ra lỗi không phải tại kỹ thuật. Chính tôi cũng dùng mạng, phải cảm ơn mạng internet vì giúp cho việc nghiên cứu của tôi đơn giản hơn rất nhiều. Thế giới cũng dùng facebook, cũng dùng mạng còn ghê gớm hơn mình nhưng họ không lấy đó để làm những điều xấu.
Vấn đề của các bạn trẻ Việt hiện nay là nghiện facebook, dành quá nhiều thời gian cho Facebook… và thiếu phông văn hóa. Đúng là mạng xã hội có hai mặt.
Mặt tích cực của nó là tạo ra một cộng đồng rất lớn trên toàn thế giới để cho chúng ta có thể quan hệ, biết được suy tư, tình cảm của con người, của nhân loại.
Nó còn giúp chúng ta tập trung những người trẻ về một phong trào, chẳng hạn phong trào tình nguyện, phong trào hy sinh, phong trào thiện nguyện nào đó, tập trung rất nhanh.
Thứ ba là nó giúp con người giải đáp những thắc mắc mà một mình anh không tìm thấy thì anh có thể tìm thấy qua những người bạn ở đó. Nhưng bên cạnh đó nó lại có rất nhiều hệ lụy, vì nó là một thế giới ảo cho nên nó dễ cho người ta ảo tưởng về mình.
Thậm chí giờ còn có hiện tượng ngáo (FB), phải cai nghiện FB. Nếu quá mê FB sẽ có nhiều hệ lụy, bỏ bê việc học hành, tham gia các hoạt động xã hội... Như vậy các bạn trẻ sẽ vô cùng lãng phí thời gian và tuổi trẻ của mình.
- Theo bà, cần làm gì để giới trẻ có những định hướng đúng về giá trị thực trong cuộc sống?
- Muốn thay đổi điều đó thì vấn đề là văn hóa. Đây chính là văn hóa ứng xử. Con người ta phải có ứng xử đúng mực với cuộc sống và cái này thì chúng ta phải giáo dục cho thanh niên hôm nay. Mà để định hướng được các em thì cần có sự phối hợp của đoàn thanh niên, nhà trường và gia đình.
Thứ nhất, giáo dục văn hóa ứng xử cho người trẻ có 4 vấn đề: ứng xử giữa xã hội với con người; con người với xã hội; con người với tự nhiên và con người với bản thân mình.
Theo tôi, ứng xử của xã hội ngày nay là “ứng xử từ trên xuống”, “tư tưởng phong kiến” nên dẫn đến nhiều điều không hợp lý. Cạm bẫy nhiều nhưng đừng sợ hãi, không nên “xử lý cá nhân” mà hãy giải quyết vấn đề bằng pháp luật.
Chúng ta đừng nghĩ trên mạng ảo thì tha hồ nói gì, làm gì không ai biết, như thế là nhầm, vì làm gì cũng phía dưới pháp luật. Thứ hai là vấn đề học tập. Thứ ba, là học ngoại ngữ. Thứ tư là vấn đề văn hóa đọc và thứ năm là rèn luyện thể lực.
5 vấn đề ấy tôi cho là văn hóa. Một khi người ta đã đầu tư vào 5 vấn đề thì sẽ chẳng có thời giờ lướt facebook và mạng nhiều nữa.