Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Sống chung với bố mẹ chồng không phải là 'cuộc chiến'

Phương Thảo (21 tuổi, quê Bắc Giang) mới kết hôn. Sau đám cưới, cô tạm sống ở Bắc Giang với bố mẹ và bà nội của chồng, còn ông xã ở Hà Nội để tiếp tục công việc.

song voi me chong anh 1

Giống như nhiều người khác, ban đầu, Thảo có nhiều lo lắng, sợ mình không hòa hợp với gia đình chồng.

“Hồi chưa cưới, tôi nghĩ nhiều về chuyện khúc mắc giữa mẹ chồng nàng dâu, rồi lo lắng chuyện cư xử với bố mẹ chồng. Nhưng đến bây giờ, tôi thấy bản thân may mắn khi gặp được phụ huynh chăm sóc, tâm lý”, Thảo nói với Zing.

"Sống chung với bố mẹ chồng” luôn là đề tài thu hút sự quan tâm, kể cả người đã kết hôn hay chưa lập gia đình. Nhiều câu chuyện bất đồng quan điểm, không hòa hợp cách sống khiến không ít cô gái trẻ ái ngại.

Tuy nhiên, nhiều nàng dâu cũng thừa nhận khi ở chung với gia đình chồng, họ được yêu thương, san sẻ gánh nặng việc nhà, đỡ áp lực tài chính và hỗ trợ chăm nuôi con.

Một nghiên cứu cuối năm 2021 của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới trên 2 nhóm, 202 mẹ chồng và 400 nàng dâu, trong đó có 178 nàng dâu đang sống chung và 222 người sống riêng cho thấy có 62,6% mẹ chồng cho rằng vấn đề khó khăn nhất với các nàng dâu khi mới về nhà chồng là nhà đông người, kinh tế khó khăn; 29% mẹ chồng tự nhận mình khó tính trong thời gian đầu có con dâu.

Tuy nhiên, với các nàng dâu, khó khăn lớn nhất khi mới về nhà chồng là lối sống gia đình có nhiều khác biệt (64,5%); 32,7% cho rằng nhà đông người, kinh tế khó khăn; 28,3% cho rằng khó khăn là do công việc chưa ổn định.

Trong thời gian đầu về làm dâu, hầu hết mẹ chồng và nàng dâu đều đồng ý rằng mẹ chồng là người tích cực hướng dẫn con dâu về nếp sống gia đình.

Bố mẹ chồng chăm sóc

Có bố mẹ chồng quan tâm, chu đáo và kỹ tính, từ ngày về làm dâu, Thảo luôn được chăm sóc và có cảm giác "chẳng khác gì sống với mẹ ruột".

“Thói quen sinh hoạt của tôi không thay đổi. Biết con bận công việc, mẹ tôi luôn làm hết mọi thứ, từ nấu nướng đến quét dọn. Đôi khi, tôi cảm giác mẹ chồng còn chăm sóc và chiều mình hơn cả mẹ đẻ”, Thảo nói.

Hàng ngày, đi làm về, Thảo cố gắng tranh thủ làm việc nhà nhưng thường xuyên bị mẹ "mời đi nghỉ ngơi". Cô giải thích muốn có thời gian trò chuyện với mẹ, ngoài ra vận động một chút cũng giảm stress, khi đó, bà mới đồng ý.

Có lần, Thảo đau bụng, mẹ chồng vào tận phòng nài nỉ đưa cô đi khám. Tới viện, bà sốt sắng đi tìm bác sĩ. Lúc xét nghiệm máu và nước tiểu, bà chạy khắp nơi để đưa và lấy kết quả xét nghiệm cho con.

song voi me chong anh 2

Phương Thảo cảm thấy may mắn khi được cả gia đình chồng thương yêu.

Khi bác sĩ báo con dâu mang thai ngoài dạ con, có khả năng phải mổ, trong khi Thảo hoảng hốt, mẹ lại là người trấn an cô.

“Mẹ đã ngồi bên giường bệnh để tôi an tâm. Mỗi lần tôi tỉnh giấc, muốn vào nhà vệ sinh, mẹ lại một tay dìu tôi, tay kia cầm bình nước đang truyền. Mẹ còn tự tay tắm rửa cho con dâu”.

Chồng từ Hà Nội về quê, đưa cơm vào viện, sợ con phải nhịn trước phẫu thuật, mẹ chồng mang phần cơm ra hành lang ngồi ăn, sợ cô nhìn thấy sẽ “tủi thân”.

Thảo năn nỉ mẹ về nhà nghỉ ngơi, để chồng ở lại chăm sóc là đủ nhưng bà nhất quyết không về.

“Mẹ phải ở lại, lỡ đêm con đau thì có người chăm sóc. Lộc (tên chồng) to cao như thế, nhưng con phải mổ nó không làm được gì đâu”, lời của bà khiến Thảo nhớ mãi.

“Hôm đầu ở viện, mẹ đã thức trắng đêm để trông nom tôi, còn chồng ở bên cạnh thì ngủ gục từ lúc nào”, Thảo nhớ lại.

Bố chồng Thảo cũng là một người điềm tĩnh và tâm lý. Dù không thể hiện ra ngoài, nhưng mỗi lần có cơ hội, ông đều mua bánh, kẹo, đồ ăn vặt sẵn cho con.

"Con là con gái trong nhà rồi, muốn gì cứ nói chứ không phải ngại”, ông luôn dặn Thảo như vậy.

“Có lúc, được gia đình chăm quá kỹ, tôi thấy mình như em bé. Trước đây, tôi từng có ý định lấy chồng xong sẽ ra ở riêng, nhưng bây giờ không còn suy nghĩ ấy nữa. Về phần mình, tôi cố gắng quan tâm, chăm sóc gia đình chồng thật lòng. Khi có thể, tôi tranh thủ trò chuyện, tìm hiểu sở thích, thói quen sinh hoạt của ông bà. Yêu thương là điều tự nhiên và nên đến từ hai phía", Thảo nói.

Đôi bên cởi mở để hòa hợp

Giống như Phương Thảo, trước khi kết hôn, Dương Duyên (sinh năm 1996) cũng nghĩ việc lấy chồng và ở cùng gia đình chồng là điều gì đó rất áp lực. Vì vậy, hẹn hò được khoảng 6 tháng, lần đầu về nhà người yêu chơi, cô khá lo lắng.

Tuy nhiên trái với sự “nơm nớp”, Duyên thở phào khi bố mẹ bạn trai niềm nở, thoải mái. Sau vài lần, hai vị phụ huynh chủ động hỏi cặp đôi có thực sự nghiêm túc và muốn tiến tới hôn nhân hay không.

song voi me chong anh 3

Duyên được mẹ chồng chăm sóc, quan tâm từ khi chưa chính thức về làm dâu.

“Sau này tâm sự, mẹ mới kể rằng biết chồng tôi khó tính và kỹ, khi anh đã đưa ai về ra mắt tức là đã lựa chọn, cân nhắc đủ. Mẹ tôn trọng điều đó”.

Từ khi yêu đến lúc cưới, Duyên cảm thấy may mắn khi thấy bố mẹ chồng tâm lý.

Sau lễ ăn hỏi (trước đám cưới vài tháng), hai người đã chủ động nhắn nhủ: “Từ giờ con là thành viên của gia đình mình, có gì con thấy không ổn hay không thoải mái, hãy chia sẻ với mẹ hoặc chồng để cân đối lại. Đừng giữ trong lòng rồi lại ấm ức, tủi thân mà không ai biết”.

Sau lễ ăn hỏi, bố mẹ chồng cũng rục rịch nhắn con dâu mới trả phòng trọ ở Hà Nội, chuyển tới sống chung để sớm làm quen và tiết kiệm chi phí. Nhờ vậy, Duyên cũng cởi mở và nhanh chóng hòa nhập hơn với gia đình mới.

“Hồi đầu, tôi lúc nào cũng thích có chồng kè kè bên cạnh, nhưng dần rồi quen, giờ ngay cả khi chồng đi công tác hay đá bóng, liên hoan, tôi ngồi cả buổi chơi, tâm sự với mẹ chồng, lúc thì nhổ tóc bạc cho mẹ hay cùng gọi video cho nhà ngoại ở quê”.

Theo cô gái sinh năm 1996, sự chân thành là yếu tố quan trọng. Ngay từ lần đầu tới nhà người yêu chơi, cô tâm niệm rằng bản thân tôn trọng, yêu thương bố mẹ mình như thế nào thì nên làm điều tương tự với bố mẹ nửa kia và cũng nhận lại sự quan tâm, yêu thương tương tự.

“Ngày trước, tôi kỳ vọng chồng sẽ là người đứng giữa kết nối mình và gia đình anh. Song thực tế, mọi chuyện không hề đáng sợ như tưởng tượng, nhiều khi tôi thấy hợp với mẹ hơn cả chồng”, cô chia sẻ.

song voi me chong anh 4

Ngay từ lần đầu tới nhà người yêu chơi, Dương đã tâm niệm rằng tôn trọng, yêu thương bố mẹ mình như thế nào thì nên làm điều tương tự với bố mẹ nửa kia.

Giáo sư Geoffrey Greif của trường Công tác Xã hội Đại học Maryland (Mỹ), đồng tác giả của cuốn sách có tên In-Law Relationships: Mothers, Daughters, Fathers, and Sons (tạm dịch: Mối quan hệ với gia đình thông gia: Mẹ, Con gái, Cha và Con trai) cho rằng ngay cả những người mẹ ngày nay cũng sợ những câu chuyện đồn thổi về hình tượng "mẹ chồng" luôn bị khắc họa là hay chen chân, gây khó dễ cho con.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu, nhiều người mẹ chồng cảm thấy dè chừng khi tiếp xúc với con dâu vì sợ làm phật lòng. Đồng thời, mẹ chồng thường không chắc mình cần phải làm gì, đóng vai trò nào trong mối quan hệ với con dâu. Ví dụ, bà nhận thấy nàng dâu rất thân thiết với mẹ đẻ và không biết mình có làm vậy được không.

Trước khi mẹ chồng về quê ở Hải Dương để chăm sóc cụ ngoại vào năm 2021, vợ chồng Phương Anh (sinh năm 1990) có 8 năm cùng sống với bà. Là con gái TP.HCM lấy chồng người Bắc, dù được “rào trước” rằng mẹ chồng dễ tính, cô vẫn không khỏi bồn chồn.

“Mỗi lần đi chơi xa, mua quà về biếu, mẹ chồng đều từ chối, mời bà đi ăn hay mua đồ về bà cũng không thử. Hồi đầu, tôi tưởng bà không thích mình nên mới vậy, sau mới hay mẹ ngại thử món mới, sợ con tốn kém nên không muốn nhận”.

song voi me chong anh 5

Phương Anh từng nghĩ mẹ chồng không thích mình nên không nhận quà cô tặng.

Theo Geoffrey Greif, ở xã hội tiền công nghiệp, con người chọn vợ/chồng dựa trên sức lao động hoặc khả năng sinh sản của họ. Cách đây 100 năm, các bậc phụ huynh thường hiểu rõ về đối tượng mà con cái kết hôn bởi hầu hết quen biết nhau trong một cộng đồng nhỏ.

"Nhưng ngày nay chúng ta đề cao cảm xúc lên hàng đầu. Chúng ta chọn bạn đời là người mình yêu thương và không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự sắp đặt của phụ huynh. Vì vậy, việc không biết đối tượng của con là ai sẽ gây băn khoăn và căng thẳng, cho cả hai bên", ông giải thích.

Cũng trong báo cáo của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, các lĩnh vực gây ra mâu thuẫn trong mối quan hệ gia đình chồng với con dâu thường là thói quen sinh hoạt hàng ngày, cách nói năng, cách dạy các cháu. Trước những mâu thuẫn này, khoảng 40% cho biết, cách giải quyết là mẹ con nhường nhịn và tôn trọng nhau.

Đối với Phương Anh, điều khó nhất là dung hòa khẩu vị ăn uống khi sống chung với mẹ chồng. Trong khi đồ mẹ nấu khá mặn và khô theo gu miền Bắc, cô lại thích đồ mềm, thiên ngọt, chua kiểu miền Nam. Bên cạnh đó, cô hay thích khám phá ẩm thực các nước, còn mẹ chuộng đơn giản, truyền thống.

Thời gian đầu kết hôn, Phương Anh cũng khá dè chừng, nhìn trước ngó sau. Nhưng theo thời gian sinh sống và nhìn cách mẹ chồng quan tâm, chăm sóc cả nhà, cô hiểu người mẹ mới yêu thương cô như thế nào.

“Có lần 2 vợ chồng tranh cãi, mẹ bênh con dâu bảo con trai xin lỗi. Khi tôi bị bệnh, sinh em bé cũng được một tay bà chăm, thậm chí giúp chăm con vào ban đêm để tôi được ngủ lấy sức”.

Từ ngày mẹ chồng về quê, không khí gia đình Phương Anh trầm hẳn.

"Có bà ở cùng, tôi có người thủ thỉ, tâm sự. Bữa cơm có thêm bà cũng thêm tiếng cười. Gần 10 năm sống chung với mẹ, tôi cảm thấy may mắn, hạnh phúc và nhẹ nhàng”, Phương Anh giải thích.

Sự bất công với phụ nữ luôn ẩn mình trong xã hội hiện đại

Khi nghiên cứu về nhiều mặt của đời sống như: Giao thông, y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội… phần lớn dữ liệu được thu thập từ nam giới, hoặc không phân biệt giới tính khi tiến hành khảo sát. Từ đó các nhu cầu của phụ nữ không được quan tâm đúng mức. Cuốn sách Phụ nữ vô hình của tác giả Caroline Criado Perez mang đến cho người đọc một cái nhìn khác về bình đẳng giới. Bình đẳng không nằm ở việc đặt hai giới ngang nhau khi suy xét một vấn đề cụ thể. Sự công bằng đến từ việc nhìn nhận một cách đúng đắn về các hạn chế của phụ nữ từ đó giúp họ thể hiện hết khả năng của mình và không bị tụt lại phía sau.

Đào Phương - Ánh Hoàng

Bạn có thể quan tâm