Vợ chồng chị Thu Thảo (ngụ ở Đà Nẵng) bắt đầu cải tạo và trồng rau trên sân thượng khoảng 4 tháng trước. Hiện, khu vườn ngập tràn sắc xanh của đủ các loại rau quả. Vườn được chia làm hai phần chính. Vườn dây thép được bố trí để trồng nho và cà chua rộng khoảng 30 m2, phía dưới kê bàn ghế để cả gia đình ngắm vườn, kết hợp thùng gỗ trồng dâu tây chịu nhiệt. |
Vườn dây leo rộng tầm 40 m2, chủ yếu là giàn gỗ do vợ chồng chị Thảo tự làm để trồng các loại dây leo như bầu, bí đỏ, bí đao, mướp đắng, mướp táo, mướp hương và các loại dưa vào mùa nắng như dưa leo, dưa lưới, dưa lê, dưa hấu. Không gian bên dưới được tận dụng trồng các loại rau quen thuộc quanh năm như rau dền (xanh, đỏ, tía), rau mồng tơi, rau muống, cải bó xôi... |
Chia sẻ với Zing, chị Thảo cho biết mình mới trồng cây trên sân thượng nên chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng luôn cố gắng trồng cây thuận theo tự nhiên, thời vụ. "Qua một thời gian trồng trọt, có lúc thu được quả ngọt, có lúc lại phải nhổ bỏ cây vì bệnh hoặc cây còi rồi chết, mình nghĩ câu nói của ông bà ta rất hay: 'Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống'. Nếu cố gắng bám sát 4 yếu tố trên thì sẽ thu được quả ngọt". |
Theo chị Thảo, nhất nước tức là vừa phải cung cấp đủ nước cho cây, vừa đảm bảo yếu tố thông thoát tốt, vì vậy đất phải đủ độ tơi xốp. "Nhà mình thường trộn 50% đất vườn, 30% chất tạo độ xốp như tro trấu hun, xơ dừa đã qua xử lý, vỏ lạc xay, 20% phân (phân bò ủ hoai, phân trùn quế, phân gà…), một ít vôi bột hoặc bột canxi hữu cơ (làm từ vỏ trứng, bột xương cá…)". |
Để có thể chọn phân theo đúng chủng loại và nhu cầu phát triển của cây, vợ chồng chị Thảo đã phải tìm đọc nhiều sách, tài liệu cũng như tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè có kinh nghiệm làm vườn. "Tam cần tức là thường xuyên chăm bón, cắt tỉa, trồng đúng theo kỹ thuật mỗi loại cây. Mỗi ngày mình dành khoảng 1-2 tiếng để chăm sóc khu vườn, vào sáng sớm và chiều mát. Nhưng vì mình còn có con nhỏ nên nhiều lúc không theo kế hoạch được, cứ tranh thủ lúc con ngủ lại lên vườn chăm bón, hay có thể kết hợp cả nhà lên sân thượng chơi, cùng thu hoạch, vừa ngắm vườn vừa tỉa cây, tưới nước". |
"Còn về giống, nên chọn giống không biến đổi gen, giống F1 chuẩn từ các nhà vườn, chỗ bán uy tín. Không nên để lại giống trồng tiếp cho vụ sau vì giống của mình thì năng suất, kháng bệnh sẽ kém hơn. Trồng cây chăm vườn là công việc tốn nhiều thời gian và công sức nên hãy cố gắng đầu tư giống chất lượng". |
Từ ngày vườn sân thượng cho thu hoạch, gia đình chị Thảo hầu như không còn phải lo nghĩ về việc đi chợ, mua rau củ quả. Trong những ngày giãn cách, bữa ăn của gia đình vẫn phong phú, đầy đủ các loại thực phẩm. "Rau tự mình trồng, chăm bón rồi thu hoạch nên ăn cũng an tâm và ngon miệng hơn nhiều", chị Thảo nói. |
Không chỉ cung cấp rau sạch, khu vườn còn là nơi thư giãn cho cả nhà, giúp các thành viên trong gia đình thêm gắn kết, gần gũi với thiên nhiên. "Mình học được những bài học từ việc ươm cây con, nhận biết các giống rau củ, rồi trồng cây theo mùa, thuận theo tự nhiên cho đến việc ủ phân hữu cơ như phân rác, phân đậu tương, phân chuối, phân trứng sữa… Thật sự là rất phức tạp! Giống như bài học 'làm cha mẹ', mình cảm thấy bản thân nhẫn nại, kiên trì và có trách nhiệm hơn với bản thân, với mọi thứ xung quanh", chị Thảo chia sẻ. |